Ông Trump bị ám sát hụt lần 2: Thông tin đáng chú ý về nghi phạm
Nghi phạm trong vụ ông Trump bị ám sát hụt hôm 15-9 là một người cuồng nhiệt ủng hộ Ukraine và nhiều lần chỉ trích ứng viên của đảng Cộng hòa.
Trưa 15-9 (giờ địa phương), ông Trump bị ám sát hụt lần thứ 2 trong vòng chỉ hơn 2 tháng.
Kẻ tấn công đã tiếp cận sân golf của ông Trump ở TP West Palm Beach (bang Florida) và nổ súng nhắm vào chính khách này. Lực lượng mật vụ đã bắn 4 phát đạn về phía tay súng. May mắn ông Trump không trúng đạn. Nghi phạm bị bắt khi cố chạy thoát.
Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), nghi phạm là Ryan Wesley Routh, 58 tuổi, là một công nhân xây dựng tự do ở bang Hawaii.
Lịch sử chỉ trích ông Trump trên mạng xã hội
Theo đài CNN, Routh đã bình luận trên các bài viết liên quan tới vụ ám sát hụt ông Trump – ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa – hồi tháng 7.
Routh còn gắn thẻ đương kim Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris – ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ – trong nhiều bài đăng trên mạng xã hội.
Routh khuyên bà Harris và ông Biden nên tới bệnh viện thăm những người bị thương trong vụ ám sát hụt ông Trump, cũng như dự lễ tang của người bị thiệt mạng trong vụ việc.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Routh khuyên đảng Dân chủ nên lấy tên chiến dịch tranh cử là “Làm cho nước Mỹ dân chủ và tự do”. Trong khi đó mỉa mai tên chiến dịch tranh cử của ông Trump phải là “Biến người Mỹ một lần nữa trở thành nô lệ” chứ không phải “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Những phát ngôn cuồng nhiệt ủng hộ Ukraine
Lịch sử Routh sử dụng mạng xã hội cho thấy đây là một người cuồng nhiệt ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Trong một bài đăng trên trang X cá nhân, Routh viết: “Tôi sẵn lòng bay tới Krakow [Ba Lan] và tới biên giới với Ukraine để làm tình nguyện viện và chiến đấu, và hy sinh”.
Routh đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân của để khuyến khích người nước ngoài chiến đấu cho Ukraine. Người này đã cố gắng chiêu mộ lính Afghanistan trong một loạt các bài đăng từ tháng 10-2023 và tự giới thiệu mình là một nhân viên liên lạc không chính thức cho chính phủ Ukraine.
Nghi phạm Routh cũng từng bày tỏ mong muốn được chiến đấu cho phía Ukraine khi trả lời phỏng vấn của NYT hồi năm 2023. Theo đó, Routh đã bay tới Ukraine sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ngày 24-2-2022.
Routh sẵn sàng mua hộ chiếu giả, cấp cho những người Afghanistan muốn chạy trốn khỏi đất nước để những người này tới chiến trường Ukraine và chiến đấu cho phía Kiev. Ít nhất một tay súng Afghanistan đã liên hệ với Routh.
Khi đó, Routh trả lời NYT rằng mình tin chắc kế hoạch hỗ trợ Ukraine chắc chắn sẽ thành công, đồng thời thể hiện sự không khoan nhượng trước bất kỳ cá nhân hay phát ngôn nào phản đối hay nghi ngờ về sự cần thiết phải hỗ trợ cho Kiev.
Trước đó, hồi năm 2022, Routh cũng từng trả lời phỏng vấn tờ Newsweek Romania, gay gắt chỉ trích Nga và kêu gọi ủng hộ Ukraine.
Một loạt vấn đề pháp lý trong quá khứ
Theo báo Greensboro News & Record, một người đàn ông cùng tên Ryan Wesley Routh, cùng tuổi với nghi phạm trong vụ ông Trump bị ám sát hụt hôm 15-9, đã bị bắt tại TP Greensboro (bang North Carolina) hồi năm 2002 sau khi cố thủ bên trong một tòa nhà với một khẩu súng tự động.
Theo đó, người đàn ông này đã bị buộc tội đã giấu vũ khí trong người khi ở nơi công cộng và sở hữu súng tự động trái phép.
Cơ quan thực thi pháp luật địa phương đã xác nhận với đài CNN rằng người bị bắt năm 2002 cũng chính là người đã âm mưu ám sát ông Trump hôm 15-9.
Routh cũng nhiều lần bị cáo buộc không nộp thuế đúng hạn, sử dụng một “tấm sét vô giá trị” và là bị đơn trong nhiều vụ kiện dân sự từ những năm 1990.
Bình luận của con trai nghi phạm
Anh Oran Routh, con trai nghi phạm Ryan Wesley Routh, hy vọng rằng thông tin về vụ ông Trump bị ám sát hụt lần 2 “chỉ bị thổi phồng quá đáng”.
Theo anh Oran Routh, xác nhận người bị bắt là bố mình, song từ chối bình luận về vụ việc hôm 15-9.
Anh Oran Routh chỉ mô tả bố mình là một người “biết yêu thương và chu đáo, một người đàn ông trung thực, chăm chỉ”.
Anh tin rằng bố mình “không làm bất cứ điều gì điên rồ, càng không phải là bạo lực”.