Ông Trump bấm giờ cho hòa bình, Nga tranh thủ nắn lại bản đồ chiến sự

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra tối hậu thư 50 ngày cho Nga, yêu cầu Moscow nhanh chóng tiến tới một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt xung đột với Ukraine, hoặc phải đối mặt với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhằm vào hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này.

Nga tranh thủ nắn lại bản đồ chiến sự

Tuy nhiên, một số người cho rằng, hạn chót này đang vô tình trao cho Điện Kremlin thêm thời gian để theo đuổi chiến dịch tấn công mùa hè. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần tuyên bố rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải có điều khoản Ukraine phải rút khỏi bốn khu vực mà Moscow sáp nhập vào tháng 9/2022. Ông cũng yêu cầu Kiev từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và chấp nhận thu hẹp quy mô quân đội - điều mà Ukraine và các đối tác phương Tây kiên quyết bác bỏ.

Binh sỹ Nga trên chiến trường. Ảnh: TASS

Binh sỹ Nga trên chiến trường. Ảnh: TASS

Thời gian gần đây, tình trạng thiếu hụt nhân lực và đạn dược triền miên đã buộc lực lượng Ukraine phải tập trung giữ vững lãnh thổ thay vì tiến hành các cuộc phản công. Bất chấp việc Nga tiến hành hàng loạt cuộc không kích vào Kiev và các thành phố khác trong những tuần gần đây, các quan chức Ukraine cho rằng, Moscow khó có khả năng đạt được bất kỳ bước đột phá lớn về lãnh thổ trong 50 ngày để buộc Ukraine phải chấp nhận các điều khoản của họ.

Kể từ mùa xuân năm nay, quân đội Nga đã tăng tốc tấn công và giành được các vùng lãnh thổ ở miền Đông Ukraine với số lượng lớn hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi xung đột nổ ra.

Lực lượng Nga đang áp sát các thành trì phía đông Pokrovsk và Kostyantynivka của Ukraine ở vùng Donetsk, chiếm giữ các ngôi làng gần cả hai thành phố này nhằm cắt đứt các tuyến đường tiếp tế quan trọng và bao vây đối phương. Cuộc tấn công này diễn ra khá chậm chạp và kéo dài trong nhiều tháng.

Việc chiếm được các thành trì này sẽ cho phép Nga tiến về phía Slovyansk và Kramatorsk, tạo tiền đề để có thể kiểm soát toàn bộ vùng Donetsk.

Nếu quân đội Nga chiếm được các thành trì cuối cùng này, họ sẽ mở đường tiến về phía tây đến vùng Dnipropetrovsk. Thủ phủ Dnipro của Dnipropetrovsk, một trung tâm công nghiệp lớn với gần 1 triệu dân, nằm cách các vị trí của Nga khoảng 150 km về phía tây. Việc giao tranh lan rộng đến Dnipropetrovsk có thể gây tổn hại đến tinh thần chiến đấu của Ukraine và mang lại cho Điện Kremlin nhiều lợi thế hơn trong các cuộc đàm phán nào. Tại vùng Lugansk lân cận, quân đội Ukraine vẫn kiểm soát một phần đất nhỏ. Hai vùng khác mà Nga sáp nhập là Kherson và Zaporizhzhia vẫn chưa hoàn toàn thuộc về quyền kiểm soát của Moscow.

Hồi đầu cuộc chiến, Nga nhanh chóng chiếm giữ Kherson nhưng sau đó quân đội nước này đã rút về bờ đông sông Dnieper. Nếu Nga thực hiện nỗ lực mới nhằm vượt sông để chiếm phần còn lại của khu vực thì nước này sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn. Theo giới quan sát, Moscow dường như không có khả năng thực hiện một chiến dịch như vậy.

Tại Sumy, Đông Bắc Ukraine, Nga đã chiếm giữ được một số ngôi làng sau khi đẩy lùi các lực lượng Ukraine ra khỏi tỉnh Kursk của nước này. Tổng thống Putin tuyên bố cuộc tấn công vào vùng Sumy là một phần trong nỗ lực thiết lập "vùng đệm" để bảo vệ lãnh thổ Nga khỏi các cuộc tấn công của Ukraine.

Thủ phủ vùng Sumy cách biên giới Nga khoảng 30 km. Tổng thống Putin cho biết Moscow không có kế hoạch chiếm thành phố này nhưng không loại trừ khả năng đó. Các nhà phân tích quân sự cho rằng lực lượng Nga trong khu vực khó hội tụ đủ sức mạnh để chiếm thủ phủ Sumy.

Nga cũng đẩy mạnh một cuộc tấn công vào khu vực lân cận Kharkov nhưng chưa đạt được nhiều tiến triển trước sự kháng cự quyết liệt của Ukraine. Một số nhà bình luận suy đoán, Nga có thể sử dụng lợi ích mà họ đạt được ở Sumy và Kharkov làm quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán, để đổi lấy một số khu vực ở Donetsk do Ukraine kiểm soát.

“Kịch bản trao đổi lãnh thổ như một phần của các cuộc đàm phán là khá thực tế”, ông Mikhail Karyagin, một chuyên gia chính trị thân Điện Kremlin, nhận định.

Làm suy yếu Ukraine bằng chiến lược ngàn nhát cắt

Các chỉ huy Ukraine cho rằng quy mô và tốc độ các chiến dịch của Nga cho thấy họ khó tạo ra bước đột phá lớn có thể làm thay đổi cục diện xung đột. Theo đánh giá của Ukraine, Moscow tiến quân một cách chậm chạp trong khi chịu nhiều tổn thất.

Về phía Ukraine, dù bị áp đảo về quân số và hỏa lực, nhưng Kiev đang dựa vào máy bay không người lái để ngăn chặn cuộc tấn công của Moscow. Các đợt di chuyển binh sỹ và vũ khí dễ dàng bị máy bay không người lái phát hiện. UAV hoạt động mạnh mẽ đến mức chúng có thể theo dõi và tấn công ngay binh sĩ chỉ trong vài phút.

Các nhà bình luận quân sự Nga nhận thấy, công nghệ và kinh nghiệm vận hành máy bay không người lái của Ukraine khiến Nga khó đạt lợi thế nhanh chóng. Tuy vậy, Moscow vẫn theo đuổi chiến lược “ngàn nhát cắt” để khiến Ukraine kiệt quệ thông qua việc gây áp lực liên tục lên nhiều khu vực trên mặt trận và tăng cường các cuộc tấn công tầm xa vào các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Nhà phân tích quân sự Sergei Poletayev tại Moscow suy đoán: “Quân đội Nga dường như đặt mục tiêu làm kiệt quệ đối phương đến mức họ không thể phòng thủ và thực hiện nhiều đợt tiến công kết hợp để giành thắng lợi trên quy mô chiến lược và quyết định kết quả của cuộc chiến”. Ông lưu ý: “Việc tiến công ở đâu và với tốc độ như thế nào không quan trọng bởi mục tiêu của Nga không phải là chiếm được phòng tuyến mà là làm tiêu hao sinh lực của đối phương”.

Sự chậm trễ trong việc viện trợ quân sự của Mỹ đã buộc quân đội Ukraine phải phân bổ đạn dược và thu hẹp quy mô hoạt động khi Nga tăng cường các cuộc tấn công ở miền Đông.

"Nga đang gia tăng tốc độ tiến công và cuộc tấn công mùa hè của họ có thể sẽ gây áp lực lớn cho lực lượng Ukraine", ông Jack Watling thuộc Viện Nghiên cứu Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh tại London lưu ý. Tuy nhiên, nhà phân tích này cho rằng hầu hết các năng lực mà Ukraine cần - từ máy bay không người lái đến hệ thống pháo binh - đều có thể được các đối tác NATO ở châu Âu cung cấp.

Thời gian gần đây, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết, Washington sẽ bán vũ khí cho các đồng minh NATO ở châu Âu để họ có thể cung cấp cho Ukraine. Trong số đó có hệ thống phòng không Patriot - ưu tiên hàng đầu của Ukraine.

"Trong ngắn hạn, châu Âu có thể đáp ứng hầu hết nhu cầu của Ukraine một khi họ mua những loại vũ khí quan trọng từ Mỹ", ông Watling lưu ý.

Hồng Anh/VOV.VN Theo Independent, Washington Post

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ong-trump-bam-gio-cho-hoa-binh-nga-tranh-thu-nan-lai-ban-do-chien-su-post1215176.vov
Zalo