Anh thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ nhằm giảm thuế thép nhập khẩu
Bộ trưởng Thương mại Anh Jonathan Reynolds sẽ đến Washington, Mỹ vào cuối tháng 7 để thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo News.az ngày 17-7.

Bộ trưởng Thương mại Anh Jonathan Reynolds Ảnh: Daily Mail
Chuyến thăm, bắt đầu từ ngày 28-7, trong đó Bộ trưởng Jonathan Reynolds sẽ gặp gỡ các quan chức chủ chốt của Mỹ như Đại diện Thương mại Jamieson Greer và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick. Ông Reynolds đặt mục tiêu thảo luận về thuế quan cụ thể theo từng lĩnh vực và tìm cách giảm mức thuế quan "có đi có lại" 10% áp dụng cho hàng nhập khẩu của Anh.
Chuyến đi này cùng thời điểm với cuộc gặp riêng dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Scotland, nơi các vấn đề thương mại sẽ là chủ đề chính. Trước đó, ông Donald Trump từng nhận định thỏa thuận thương mại được ký kết vào tháng 5 giữa hai nước "thực sự rất tốt", dù thừa nhận "vẫn còn một số vấn đề cần thảo luận".
Tuy nhiên, cuối tuần trước, Đại sứ Anh tại Mỹ Peter Mandelson, đã cảnh báo rằng mức thuế quan 10% có thể sẽ vẫn được áp dụng bất chấp các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Hiệp định thương mại Mỹ - Anh ký kết vào tháng 5 đã giảm thuế cho các nhà sản xuất ô tô và công ty hàng không vũ trụ của Anh, đồng thời duy trì mức thuế thép và nhôm của London ở mức 25%, trong khi Mỹ đã tăng mức thuế này lên 50% vào tháng 6. Anh cho biết, sẽ tiếp tục thảo luận với Mỹ để thực thi thỏa thuận nhằm bỏ mức thuế 25% hiện tại đối với thép nhập khẩu. Tuy nhiên, những biện pháp nhằm cắt giảm thuế quan hơn nữa đối với lĩnh vực này vẫn chưa thành hiện thực.
Tháng trước, Bộ trưởng Reynolds thừa nhận khó khăn trong việc giảm thuế thép và nhôm, viện dẫn quy định của Mỹ rằng thép phải được sản xuất tại quốc gia xuất xứ. Nhà máy thép Port Talbot của Anh hiện đang chuyển đổi sang lò hồ quang điện mới, phụ thuộc vào thép nhập khẩu từ Ấn Độ và Hà Lan.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng việc giảm thuế quan bổ sung sẽ rất khó khăn, đặc biệt là khi Mỹ coi thép và nhôm là những ngành thiết yếu cần được bảo vệ. Ngoài ra, cam kết của Anh trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU) làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán về thương mại nông nghiệp, do Washington dự kiến sẽ thúc đẩy việc mở rộng tiếp cận thị trường cho nông dân Mỹ.
Theo News.az