Ông Nguyễn Văn Được làm Chủ tịch UBND TP HCM

Ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM được bầu làm Chủ tịch UBND TP HCM nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tân Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được. Ảnh: SGGP

Tân Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được. Ảnh: SGGP

Chiều 20/2, tại kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) khóa X, với đa số phiếu tán thành, HĐND TP HCM đã bầu ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM giữ chức Chủ tịch UBND TP HCM nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ông Nguyễn Văn Được là người kế nhiệm ông Phan Văn Mãi, người được HĐND TP HCM miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND TP HCM trước đó vì vừa được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội.

Trước đó, ngày 19/2, ông Nguyễn Văn Được được Bộ Chính trị điều động, phân công, chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, giữ chức Phó Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tân Chủ tịch UBND TP HCM sinh năm 1968; quê quán xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ông có trình độ chuyên môn cử nhân địa chất, thạc sĩ địa chất học.

Ông Được có nhiều năm công tác tại Long An, từng trải qua các vị trí: Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.

Từ tháng 10/2020, ông đảm nhiệm vị trí Bí thư Tỉnh ủy Long An, sau đó kiêm nhiệm Chủ tịch HĐND tỉnh Long An và giữ chức vụ này đến khi được điều động về TP HCM.

Thường trực UBND TP HCM hiện có Chủ tịch Nguyễn Văn Được và 5 phó chủ tịch là các ông/bà: Dương Ngọc Hải, Võ Văn Hoan, Bùi Xuân Cường, Nguyễn Văn Dũng, Trần Thị Diệu Thúy.

Bộ máy mới của UBND TP HCM sau sắp xếp

Cũng tại kỳ họp chiều 20/2, các đại biểu đã thống nhất thông qua nghị quyết về thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP HCM.

Theo đó, bộ máy cơ quan chuyên môn mới của UBND TP HCM gồm 7 sở được thành lập mới; 8 đơn vị tinh gọn đầu mối, tổ chức bên trong hoặc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ và Sở An toàn thực phẩm thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội.

7 sở được thành lập mới gồm: Sở Tài chính (sáp nhập Sở Tài chính và Kế hoạch - Đầu tư), Sở Giao thông Công chánh (Sở Giao thông Vận tải và tiếp nhận một số chức năng từ Sở Xây dựng, Ban An toàn giao thông), Sở Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học - Công nghệ và Sở Thông tin - Truyền thông).

Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên & Môi trường và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), Sở Xây dựng (Sở Xây dựng và Quy hoạch - Kiến trúc), Sở Nội vụ (Sở Nội vụ và Lao động Thương binh & Xã hội), Sở Dân tộc và Tôn giáo (sáp nhập Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ vào Ban Dân tộc).

Các cơ quan tinh gọn đầu mối, tổ chức bên trong là Thanh tra thành phố, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Văn phòng UBND TP HCM.

Như vậy, UBND TP HCM có 16 cơ quan chuyên môn sau khi sắp xếp bộ máy (giảm 5 cơ quan so với trước đây), gồm: Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Sở Giao thông công chánh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Văn phòng UBND TP HCM, Thanh tra thành phố và Sở An toàn thực phẩm.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ong-nguyen-van-duoc-lam-chu-tich-ubnd-tp-hcm-38489.html
Zalo