Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Sáp nhập tỉnh là tất yếu, nên làm ngay để đồng bộ
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, việc sáp nhập tỉnh là xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo bộ máy thông suốt, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh là tất yếu
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú vừa ký ban hành Kết luận số 126-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Kết luận này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện);
Xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã; định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị trong quý III/2025.
Trao đổi với phóng viên về chủ trương sáp nhập cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, sáp nhập tỉnh là điều tất yếu, đã làm là phải làm cả hệ thống chính trị. Trung ương, các bộ, ngành đang hợp nhất, sáp nhập. Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vừa qua cũng đã được sắp xếp, nên bước tiếp theo sẽ phải tính tới cấp tỉnh, thành phố.
Hệ thống hành chính từ thôn, tổ dân phố, phường/xã, quận/huyện đã được sáp nhập, tổ chức lại trong suốt thời gian qua. Ở cấp Trung ương cũng đang thực hiện mạnh mẽ. Vì thế, việc nghiên cứu sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh là tất yếu, đương nhiên để đảm bảo sự tương thích, giúp bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động thông suốt từ trên xuống dưới.
"Tôi đồng cho rằng nếu không làm thì sẽ dẫn tới ách tắc. Mà chúng ta đã làm ở cấp dưới rồi, cấp trung ương cũng làm rồi, nên cấp tỉnh không làm sẽ rất khó. Do đó việc nghiên cứu sáp nhập tỉnh phải làm ngay" - ông Nguyễn Tiến Dĩnh nêu quan điểm.
Sáp nhập như thế nào cho phù hợp?
Điểm lại lịch sử, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, sau khi thống nhất đất nước, nước ta có 72 tỉnh, thành phố. Tháng 12/1975, Quốc hội ra nghị quyết bãi bỏ cấp khu, giải thể khu tự trị, hợp nhất, sáp nhập hàng loạt các tỉnh.
Năm 1976, cả nước chỉ còn 38 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, 15 năm sau (1991), con số này đã tăng lên 53 và đến năm 2004 là 64 tỉnh, thành phố. Sau khi mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội (sáp nhập Hà Tây và một số địa bàn của Vĩnh Phúc, Hòa Bình) từ năm 2008 đến nay, nước ta có 63 tỉnh, thành phố.
Việc tách tỉnh khi đó là cần thiết bởi điều kiện đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, năng lực quản lý còn hạn chế... Tách để tạo không gian phát triển cho các địa phương, thực tế cho thấy nhiều địa phương đã có sự phát triển vượt bậc.
Song, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, giao thông thuận lợi và thời điểm này các tỉnh phát triển đã đến giới hạn, các nguồn lực tài nguyên khoáng sản, đặc biệt đất đai dần cạn kiệt thì việc các tỉnh sáp nhập lại sẽ phát huy được lợi thế, đồng thời, tạo ra không gian, dư địa rộng lớn hơn để thu hút tiềm năng, nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cho rằng việc sáp nhập tỉnh là phù hợp, nhưng nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, không nhất thiết tỉnh nào về lại tỉnh đó như trước mà sắp xếp phù hợp với đặc điểm của các tỉnh.
Để xác định nhập tỉnh nào với tỉnh nào phải căn cứ tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên, những yếu tố đặc thù khác về văn hóa, lịch sử… theo Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng lưu ý: "Chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, cho nên khi triển khai việc sắp xếp bộ máy cần làm đồng bộ để tránh ảnh hưởng tới đại hội đảng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và bình diện cả nước nói chung.
Năm nay, chúng ta đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, chuẩn bị cho những năm tiếp theo với mục tiêu phát triển đạt hai con số. Những yêu cầu, thách thức đó đòi hỏi việc sắp xếp tổ chức, bộ máy vẫn phải hoạt động bình thường, sau sắp xếp phải đảm bảo chất lượng, hiệu lực hiệu quả hơn.
Vừa phải làm thật khẩn trương, nhanh gọn quyết liệt, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu về bộ máy mới hoạt động hiệu lực hiệu quả ngay, không bị lỗi, không có khúc mắc".