Ông Nguyễn Chánh Trung, CEO Công ty TNHH Gạo Hưng Việt: 'Chinh phục được nông dân là có lãi rồi'

Điều hành doanh nghiệp sản xuất, thương mại gạo, ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Hưng Việt chọn cung cấp thêm mảng máy móc nông nghiệp để tăng liên kết với nông dân, với suy nghĩ 'chinh phục được nông dân là có lãi rồi'.

Ông Nguyễn Chánh Trung, CEO Công ty TNHH Gạo Hưng Việt

Ông Nguyễn Chánh Trung, CEO Công ty TNHH Gạo Hưng Việt

“Lính mới” trong ngành lúa gạo

Bản đồ các quốc gia xuất khẩu gạo lớn tiếp tục ghi tên Việt Nam với vị trí top 3, nhưng điểm khác của năm 2024 là lần đầu tiên sản lượng xuất khẩu gạo nước ta vượt 9 triệu tấn, mang về doanh thu gần 5,8 tỷ USD. Doanh nghiệp do ông Nguyễn Chánh Trung làm chủ tự hào đóng góp một phần sản lượng và giá trị.

Công ty TNHH Gạo Hưng Việt (An Giang) là “lính mới” trong ngành lúa gạo, nhưng ông chủ của Công ty không phải là người mới. CEO Nguyễn Chánh Trung có thâm niên gần 15 năm gắn bó với lĩnh vực nông sản, từng làm việc cho một doanh nghiệp cà phê và doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn trước khi lui về với dự án riêng.

Hưng Việt là doanh nghiệp nhỏ, nhưng với ông Trung, doanh nghiệp nhỏ hay lớn thì kinh doanh luôn cần có hoài bão để có thể vượt qua thử thách nhanh hơn, chỉ có điều là không nên tham vọng những điều quá lớn lao, vượt quá sức mình. Với suy nghĩ ấy, ông điều hành doanh nghiệp theo cách vừa đi vừa nhìn, không đặt nặng mục tiêu xa xôi. Ông tâm niệm rằng, quy mô doanh nghiệp dẫu nhỏ mà đạt hiệu quả, thì đến thời điểm thuận lợi mới tăng tốc và khuếch trương cũng chưa muộn.

Sau 2 năm hoạt động, Hưng Việt hiện đã đạt được mong mỏi của người đứng đầu là duy trì ở quy mô sấy và xay xát trên 60.000 tấn/năm, xây dựng được đội ngũ nhân sự làm về xuất nhập khẩu kết nối thẳng tới các nhà mua hàng nước ngoài, liên kết với nông dân, chủ động về đầu ra ở mức cao nhất, lên kế hoạch sản xuất cho mỗi năm. “Hiện một số khách hàng nhập khẩu chủ chốt đã xác nhận đơn đặt hàng với chúng tôi đến giữa năm 2025”, ông Trung khoe.

Làm lâu trong ngành gạo, ông hiểu, nếu không xây dựng được đội ngũ có đủ trình độ, năng lực kết nối với các nhà mua hàng nước ngoài, thì doanh nghiệp sẽ bị động. Vì lẽ đó, trong giai đoạn đầu, Hưng Việt không đặt nặng lợi nhuận để xây dựng hệ thống, mục tiêu là kiểm soát được vận hành, tài chính, con người, thị trường…

Tốt nghiệp Trường đại học Ngoại thương TP.HCM năm 2001, theo học MBA (thạc sỹ quản trị kinh doanh) 2 năm tại Pháp, vị doanh nhân sinh năm 78 này từng làm cho doanh nghiệp cà phê 100% vốn nước ngoài trước khi đầu quân cho một tập đoàn lớn về gạo của Việt Nam.

Với ông Trung, khoảng thời gian làm cho doanh nghiệp gạo trong nước là giai đoạn rực rỡ nhất. Tại đây, ông phát huy được nội lực, trí tuệ, có đóng góp đáng kể cho doanh nghiệp, học hỏi được nhiều từ đội ngũ lãnh đạo, được đi nhiều, gặp gỡ nhiều, tham gia các gói thầu xuất khẩu gạo quốc tế, ghi dấu ấn trúng thầu xuất khẩu nhiều lô hàng gạo Việt sang Hàn Quốc với giá cao. Tất cả đã bồi đắp cho ông nhiều kinh nghiệm quý giá để có thêm hành trang khi điều hành doanh nghiệp riêng.

Phát triển chuỗi theo con đường bền vững

Việt Nam đã tạo được dấu ấn khi liên tiếp 5 năm gần đây đều ở top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Nhưng thị trường, người tiêu dùng trong nước và quốc tế giờ đã khác. Họ yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm, đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu đáp ứng các tiêu chí ngày càng khắt khe về sản xuất bền vững, giảm phát thải, xanh hóa. Nếu không đáp ứng những tiêu chuẩn này, doanh nghiệp khó tồn tại.

Tôi đã “tiêu” hết hơn 1/3 quãng thời gian đẹp nhất của đời người, đã cống hiến cho doanh nghiệp mình gắn bó và có một chút thành tựu. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục cống hiến được những giá trị, kinh nghiệm, cộng hưởng sức mạnh cho ngành lúa gạo.

- Doanh nhân Nguyễn Chánh Trung

Nhận thức được điều đó, Việt Nam đang thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam cũng dịch chuyển nhanh chóng từ sản xuất, xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp sang các loại gạo chất lượng, giá trị cao, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất để vào được EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

Từng “chinh chiến” với nhiều thị trường xuất khẩu, sẵn quan hệ trong ngành, đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm, nhưng ông Trung cho rằng: “Tất cả những thứ đó chỉ bước đầu giúp vận hành doanh nghiệp, mấu chốt vẫn là kinh doanh mặt hàng gì, định hình rõ thị trường, trên đường đi phải biết bỏ qua những lợi ích nhỏ, tập trung vào lĩnh vực cốt lõi”.

Dịch chuyển xanh trong nông nghiệp, trong đó có ngành gạo là xu hướng tất yếu. Khách hàng trong nước cũng như các nhà mua hàng nước ngoài chú ý nhiều hơn đến vấn đề này. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó có Hưng Việt, đã sẵn sàng chuyển đổi để thích ứng hơn với đòi hỏi của thị trường.

Ông Trung hiểu rằng, chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, hay tín chỉ carbon đều hướng tới mục tiêu tối thượng là khai thác được nhiều lợi ích hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn, giúp sản xuất bền vững và nâng cao vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

Việt Nam có gần 200 doanh nghiệp có đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, mỗi doanh nghiệp sẽ tự chọn con đường đi riêng. Cách mà Hưng Việt chọn là liên kết, gắn bó chặt chẽ với nông dân, có vùng nguyên liệu để chủ động nguồn hàng, hướng dẫn nông dân sản xuất theo yêu cầu xanh hóa, theo hướng thị trường nhất.

“Tôi mở doanh nghiệp, nhà máy tại Anh Giang vì đây là vùng nguyên liệu dồi dào, lại tranh thủ được chính sách ưu đãi của Nhà nước. Hơn nữa, tôi muốn tiến thêm một bước là mở rộng sang kinh doanh máy móc nông nghiệp, nhập khẩu thử nghiệm máy cày, máy kéo phục vụ nhu cầu của vùng đặc thù Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Trung cho biết.

Mở nhà máy tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, đồng hành cùng nông dân, tham gia sâu hơn vào một số mắt xích trong chuỗi giá trị lúa gạo giúp ông Trung hiểu thêm về lời lãi của nông dân, thuận thế nào, khó ra sao. Trong hành trình đáp ứng tiêu chí về sản xuất xanh, bền vững, ông tự hào nhận thấy cá nhân và doanh nghiệp đang hưởng ứng rất tích cực.

Hưng Việt dẫu là “lính mới”, nhưng không vì vậy mà kế hoạch tiến tới chuyên nghiệp hóa chậm được triển khai. Với sự điều hành của ông Trung, Công ty đang tiến tới đầu tư nhiều hơn cho các nhà máy sấy lúa, chuyển đổi công nghệ mới thay thế cho đốt trấu, giảm thiểu ô nhiễm. “Nếu đầu tư luôn hàng chục tỷ đồng thì quá nặng gánh, chúng tôi sẽ chuyển đổi dần dần theo lộ trình”.

Tin vào tương lai tươi sáng

Ngành lúa gạo mỗi năm sản xuất khoảng 45-46 triệu tấn thóc, nhưng tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch do sấy không kịp thời khoảng 8%. Từ điểm yếu cố hữu này, Hưng Việt đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho khâu sấy lúa, cùng với đó là làm chỉn chu nhất có thể ở từng khâu trong chuỗi giá trị.

“Trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo, tôi thích đầu tư cho nhà máy sấy, vì sấy là thứ mà nông dân bị động nhất. Với khâu xay xát, xử lý sau thu hoạch, thì doanh nghiệp cứ làm cho tốt, thật minh bạch là nông dân tìm đến, không phải lo đầu ra”, ông Trung tính toán.

Chọn gắn bó, liên kết với nông dân, CEO của Hưng Việt luôn đau đáu làm sao duy trì được lợi ích cho từng mắt xích trong chuỗi, nếu không thì khó nói đến chuyện cộng tác lâu dài. “Chẳng hạn, Hưng Việt cung cấp máy móc, thiết bị cho nông dân, thì phải chứng minh được là khi mua máy của Hưng Việt, họ được lợi gì, họ phải được lợi thì mới gắn bó. Cứ chinh phục được nông dân, được họ tin tưởng là mình có lãi rồi”, ông Trung tin tưởng vậy.

Nhìn về xa hơn, mong muốn và cũng là đích đến của ông Trung là đầu tư mạnh cho cơ giới hóa nông nghiệp. Ông nói: “Trong lĩnh vực máy móc, chúng ta đang để ngỏ thị trường cho các liên doanh, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh. Tôi chọn hướng đi này vì nhận thấy có dư địa, đủ khoảng rộng để làm”.

Ông Trung tâm niệm, để thành công, ngoài nỗ lực, hiểu biết, cần phải có duyên. Duyên ở chỗ đúng thời điểm, đúng thái độ sống, phù hợp với ngành nghề, như vậy mới cộng hưởng được với nhau. Giờ ông có thể yên tâm hơn phần nào bởi lộ trình của doanh nghiệp đã được vạch rõ, đội ngũ nhân lực sau một thời gian được đào tạo từ thực tiễn đã thiện chiến hơn. Bên cạnh đó, một nhân tố mới là bà xã của ông “chia lửa” với chồng, đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành xuất khẩu.

Để đón cơ hội từ thị trường, ông Trung vẫn đang dành tâm huyết đào tạo đội ngũ nhân sự, chuẩn bị các điều kiện cần, phòng ngừa rủi ro, tìm điểm lùi khi cần thiết. “Ngành gạo có rủi ro bên trong và bên ngoài, trong nước là các chính sách vĩ mô, về tiền tệ, lãi vay; bên ngoài là thị trường nhập khẩu có thể biến động và giảm nhập, ngừng nhập, doanh nghiệp cần phải đa dạng thị trường có chủ đích để giảm thiểu rủi ro”, ông Trung tiết lộ.

Năm 2025 hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới cho ông Trung cùng doanh nghiệp do ông làm chủ, bởi vị thế, tên tuổi Việt Nam trên thị trường gạo toàn cầu tiếp tục được củng cố. Cùng với đó, bước đi thận trọng, bền vững sẽ là phương thức quan trọng để Hưng Việt ghi điểm với các nhà nhập khẩu quốc tế.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ong-nguyen-chanh-trung-ceo-cong-ty-tnhh-gao-hung-viet-chinh-phuc-duoc-nong-dan-la-co-lai-roi-d242687.html
Zalo