Nông dân Kiên Giang ra đồng đầu năm mới

Sau những ngày nghỉ ngơi, đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, nông dân trong tỉnh Kiên Giang trở lại việc đồng áng với hy vọng một năm mưa thuận gió hòa, nông sản trúng mùa, được giá.

Sau tết, nông dân huyện Giồng Riềng bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân 2024-2025. Nhờ nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên hầu hết các diện tích lúa của Giồng Riềng đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Từ mùng 4 tết, ông Võ Hoàng Đương, ngụ ấp Rạch Cũ, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) ra đồng bơm nước, phơi đất chuẩn bị thu hoạch 2ha lúa đang chín tới. Ông Đương cho biết: “Vụ này tôi làm giống Đài Thơm 8, thương lái đến đặt cọc 7.000 đồng/kg vào 28 tết, hẹn đến 12 tháng giêng sẽ cắt. Giá lúa xuống thấp nên khó bán, có người chịu đặt cọc là mừng, cộng thêm lúa vụ này bông dài, chắc hạt nên cũng hy vọng có lợi nhuận khá”.

Mới mùng 3 tết, mặc dù không khí vui xuân vẫn rộn ràng khắp nơi, nhưng nhiều nông dân đã tranh thủ ra thăm đồng, bắt tay vào lao động, sản xuất với hy vọng một năm mùa màng bội thu. Tại các huyện vùng U Minh Thượng, nhiều nông dân cho biết mùa khô năm 2025 nước mặn về sớm so với cùng kỳ nhiều năm. Thời điểm giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, độ mặn nông dân tự đo được tại các kênh dao động từ 5-15‰, đây là độ mặn thích hợp cho việc nuôi tôm nên nhiều nông dân tranh thủ ăn tết xong là ra đồng sớm để cải tạo vuông chuẩn bị thả tôm.

Ông Nguyễn Việt Kiều, ngụ xã Hưng Yên (An Biên) rải vôi cải tạo vuông trước khi thả tôm.

Ông Nguyễn Việt Kiều, ngụ xã Hưng Yên (An Biên) rải vôi cải tạo vuông trước khi thả tôm.

Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân nuôi tôm huyện An Biên, việc thả tôm, cua sớm sau khi thu hoạch lúa có nhiều thuận lợi. Từ tháng 2 đến hết tháng 4-2025, thời tiết ít mưa nên tôm nuôi ít chịu ảnh hưởng do thay đổi môi trường. Mặt khác, giá tôm đầu vụ thu hoạch sớm thường ở mức cao cũng là nguyên nhân chính để nông dân tranh thủ thả tôm sớm nhằm đón giá.

Mùng 3 tết, sau khi bày mâm trái cây cúng đất đai làm lễ xuất hành đầu năm theo phong tục địa phương, ông Nguyễn Việt Kiều, ngụ ấp Cái Nước, xã Hưng Yên (An Biên) cùng vợ rải vôi lên ruộng để cải tạo đất. Theo ông Kiều, kỹ thuật cải tạo khô này nhằm vệ sinh đồng ruộng, vừa giúp khử độc tố trong đất vừa giúp khử phèn, tăng độ pH trước khi đưa nước mặn vào ruộng nuôi tôm.

“Đây là vụ tôm chính trong năm 2025 nên nông dân chúng tôi ai cũng chú ý, chăm sóc cẩn thận, kỹ càng để có một vụ tôm thắng lợi”, ông Kiều nói.

Một tháng trước, sau khi thu hoạch xong lúa vụ mùa, gia đình ông Nguyễn Văn Ân, ngụ ấp Rọc Năng, xã Hưng Yên cho nước vào vuông để ngâm gốc rạ, sau đó tiến hành xổ xả nước nhiều lần nhằm giúp rơm rạ hoai mục thành phân hữu cơ, rửa phèn, giảm bớt độc tố và thuốc trừ sâu tồn lưu trong đất sau lúa vụ mùa.

Ông Ân cho biết: “Gia đình tôi chỉ ăn tết 3 ngày, mùng 4 là ra đồng hút bùn cải tạo mương bao, đồng thời rải vôi để hạ phèn, tăng pH trong đất, sẵn sàng đợi con nước đẹp lấy nước vô vuông chuẩn bị thả tôm. Thấy đầu vụ ít mưa, nắng cũng chưa gắt nên thuận lợi cho bầy tôm đầu. Mong năm nay tôm mau lớn, bán được giá để nông dân bớt khó khăn”.

Bài và ảnh: ĐÔNG HƯNG

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/nong-nghiep/nong-dan-kien-giang-ra-dong-dau-nam-moi-24385.html
Zalo