Ong mật - 'chiến binh' bảo vệ mùa màng khỏi sự tàn phá của voi
Ngày 29/10, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí 'Conservation Science and Practice' cho thấy việc nuôi ong mật trên hàng rào xung quanh các trang trại nhỏ ở Kenya đã giúp xua đuổi hơn 86% số vụ voi phá hoại mùa màng trong mùa cao điểm thu hoạch.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng khi xung đột giữa voi và cộng đồng địa phương gia tăng ở Kenya do các yếu tố môi trường sống bị thu hẹp, nạn săn trộm, khí hậu khắc nghiệt, ong mật đã chứng minh là giải pháp hiệu quả dựa trên thiên nhiên cho vấn đề này.
Nghiên cứu kéo dài 9 năm, do các nhà khoa học từ Cơ quan Động vật hoang dã Kenya (KWS) và các đối tác quốc tế thực hiện, cho thấy tiếng ong và mùi hương đặc trưng đã tạo ra một rào cản tự nhiên, khiến những con voi to lớn khiếp sợ và tránh xa các cánh đồng.
Các tổ ong sống được kết nối với nhau bằng cọc, tạo nên hàng rào kết hợp các yếu tố thị giác, thính giác và khứu giác để ngăn chặn voi xâm nhập các trang trại.
Trong khi đó, cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ việc ong thụ phấn cho cây trồng, hơn nữa có thu nhập từ sản xuất mật và sáp ong. Do vậy, hàng rào tổ ong còn là phương pháp tiết kiệm về mặt chi phí cho các trang trại tự cung tự cấp trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của voi.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã theo dõi 26 trang trại được bảo vệ bằng hàng rào tổ ong tại hai ngôi làng gần Công viên quốc gia Tsavo East ở Đông Nam Kenya và phân tích 4.000 trường hợp voi tiếp cận trang trại.
Theo các nhà nghiên cứu, những con voi đi lang thang tự do ra vào khu vực công viên trong suốt cả năm khi chúng tìm kiếm bạn tình, thức ăn, nước uống và bị mùi thơm của các loại cây nông nghiệp giàu dinh dưỡng thu hút. Trong 6 mùa sinh trưởng cao điểm từ năm 2014 - 2020, có 3.027 con voi đã cố gắng xâm nhập vào các trang trại và khoảng 86% trong số chúng phải tránh xa nhờ hàng rào tổ ong.
Trong suốt thời gian nghiên cứu, kể cả mùa hạn hán, hàng rào tổ ong đã ngăn chặn trung bình 76% số lượng voi xâm nhập hằng năm, bảo vệ các trang trại và ngăn chặn sự đối đầu giữa loài vật có tính biểu tượng cao này và cộng đồng địa phương.
Giám đốc Viện nghiên cứu và đào tạo bảo vệ động vật hoang dã Kenya (WRTI) Patrick Omondi cho biết trong bối cảnh Kenya đang phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng trong xung đột giữa con người và loài voi, các giải pháp như hàng rào tổ ong giúp cộng đồng địa phương chủ động bảo vệ trang trại của họ. Ông Omondi nhấn mạnh giới khoa học cần nghiên cứu các giải pháp dựa trên thiên nhiên để hỗ trợ các cộng đồng chung sống hòa bình với động vật hoang dã.