Trung Quốc khai thác thành công lõi băng dài nhất thế giới ngoài vùng cực
Ngày 29/10, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) thông báo đã khai thác thành công lõi băng dài 324 mét từ sông băng dày nhất trên Cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng.
Đây là lõi băng dài nhất từng được khoan trên cao nguyên này và cũng là lõi băng dài nhất thế giới được khoan bên ngoài vùng cực.
Bất chấp gió và tuyết, trong hơn 1 tháng, các nhà nghiên cứu đã nỗ lực làm việc không ngừng trên đỉnh sông băng Purog Kangri ở huyện Tsonyi, huyện cao nhất của Trung Quốc tại Khu tự trị Tây Tạng với độ cao trung bình hơn 5.000 m so với mực nước biển. Theo CAS, lõi băng đã vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 1992, khi các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ khoan một lõi băng dài 308,6 m từ đỉnh băng Guliya ở tỉnh Ngari trên cao nguyên Tây Tạng.
Các sông băng chứa thông tin quan trọng về lịch sử khí hậu của Trái Đất. Phó giám đốc Viện nghiên cứu cao nguyên Tây Tạng (thuộc CAS), người đứng đầu dự án Xu Baiqing cho biết: “Lõi băng dài nhất ở đây có đặc điểm địa lý và khí hậu độc đáo, lưu giữ thông tin khí hậu và môi trường dài hạn ở khu vực này”.
Trong quá trình nghiên cứu khoa học tại sông băng Purog Kangri, bắt đầu vào tháng 9, các nhà khoa học xác định đây là sông băng dày nhất trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, sau khi phát hiện một cánh đồng băng có độ dày tối đa gần 400 mét.
Thành viên của Viện Khoa học Mỹ Lonnie Thompson, tham gia nghiên cứu từ tháng 9, cho hay: “Hiện nay, các sông băng trên toàn thế giới đang mỏng dần. Một khi các sông băng này tan chảy, các thông tin lịch sử được lưu giữ bên trong cũng sẽ biến mất. Do đó, việc khai thác và bảo quản lõi băng là rất quan trọng để thu thập thông tin lịch sử”.
Việc khoan lõi băng và đo độ dày của sông băng Purog Kangri là một phần trong dự án thám hiểm và nghiên cứu khoa học thứ hai của Trung Quốc trên Cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng, được khởi xướng vào tháng 8/2017. Bằng cách đo độ dày và khai thác lõi băng, các nhà khoa học có thể kiểm tra tốt hơn những thay đổi xảy ra ở cánh đồng băng lớn nhất này từ vĩ độ trung bình đến thấp, cùng những thay đổi môi trường được lưu lại, qua đó có được sự hiểu biết toàn diện hơn về tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với các sông băng.