Ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân hầu tòa

Sáng nay (7/1), TAND tỉnh Thái Bình đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Theo đó, các bị cáo đưa ra xét xử gồm: Phạm Minh Cường (có 3 tiền án, SN 1986, trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình); Vũ Đăng Phương (SN 1982, trú tại xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình); Lưu Bình Nhưỡng (SN 1963, trú phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, cựu Đại biểu Quốc hội, cựu Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy Ban Thường vụ Quốc hội); Nguyễn Thanh Vân (SN 1964, trú xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cựu Đại biểu Quốc hội, cựu Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội) và Nguyễn Văn Vương (SN 1976, trú xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước, đã bị buộc thôi việc từ ngày 19/9/2024).

Trong đó, bị cáo Phạm Minh Cường, Vũ Đăng Phương bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, theo quy định tại điểm a Khoản 4, Điều 170 – BLHS; bị cáo Lưu Bình Nhưỡng bị truy tố và đưa ra xét xử về hai tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, theo quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 170 và Khoản 4 Điều 358 - BLHS.

Toàn cảnh phiên tòa

Toàn cảnh phiên tòa

Bị cáo Nguyễn Văn Vương và Lê Thanh Vân bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, theo quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 358 - BLHS.

HĐXX trong vụ án gồm 5 người do Thẩm phán Nguyễn Duy Luân làm chủ tọa; Đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa gồm có 3 kiểm sát viên: ông Nguyễn Nguyên Hưng, bà Vũ Thị Lan Anh và bà Vũ Thị Thanh.

Bào chữa cho 5 bị cáo có tổng cộng 12 luật sư, trong đó bị cáo Lưu Bình Nhưỡng có 3 luật sư bào chữa, bị cáo Lê Thanh Vân có 4 luật sư bào chữa. Tại phiên tòa, có một luật sư xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe, một luật sư xin vắng mặt trong ngày xét xử đầu tiên.

Tại phiên tòa, có một số người liên quan đến vụ án vắng mặt nên luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thanh Vân đề nghị HĐXX triệu tập những người này, hầu hết là các chủ doanh nghiệp.

Theo luật sư, "những người này liên quan trực tiếp đến vụ án, có vai trò quan trọng nên cần triệu tập đến tòa".

Luật sư cũng đề nghị hoãn phiên tòa để khi mở lại có mặt đầy đủ người liên quan.

Tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Lê Thanh Vân cho biết đã có 2 văn bản với 6 nội dung gửi HĐXX. Trong đó có nội dung bị cáo Vân đề nghị HĐXX triệu tập nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cùng một nguyên lãnh đạo khác của tỉnh này.

Trước đề nghị trên, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng những người vắng mặt đã có lời khai trong hồ sơ vụ án, không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.

Quá trình diễn ra phiên tòa nếu thấy cần thiết sẽ xem xét triệu tập. Do đó, đại diện VKS đề nghị tiếp tục xét xử.

Trước những ý kiến trên, HĐXX đã hội ý và quyết định tiếp tục làm việc.

Theo cáo trạng truy tố, Công ty TNHH MTV Kinh doanh khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ (viết tắt là Công ty Sao Đỏ) được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác mỏ cát tại vùng biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy.

Quá trình Công ty Sao Đỏ khai thác cát, Cường đã gây chuyện, chặn lối ra vào bãi cát nhằm ép các doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khi Công ty Sao Đỏ khai thác. Nếu Công ty Sao Đỏ không đồng ý trả tiền thì Cường sẽ cản trở, không cho các tàu vào khai thác.

Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa

Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa

Theo yêu cầu của Cường, Công ty Sao Đỏ phải trả 1.500 đồng một mét khối cát mà công ty này khai thác được (khoảng hơn 1 triệu đồng một tàu khai thác cát).

Công ty Sao Đỏ buộc phải chấp nhận thực hiện theo yêu cầu của Cường. Để hợp thức việc cưỡng đoạt tiền của Công ty Sao Đỏ, Cường đã ký hợp đồng làm bảo vệ cho công ty này.

Từ tháng 9/2020 đến 12/2020, Công ty Sao Đỏ buộc phải trả cho Cường 3,3 tỷ đồng. Từ tháng 1/2021, Công ty Sao Đỏ bị một nhóm xã hội đen khác gây khó khăn nên dừng việc khai thác cát và không tiếp tục trả tiền cho Cường.

Tháng 5 và tháng 6/2021, Cường và Phương nhiều lần đến nhà riêng của bị cáo Nhưỡng ở quận Tây Hồ (Hà Nội) và nhà thờ của bị cáo Nhưỡng tại huyện Hưng Hà (Thái Bình) nhờ giúp đỡ.

Thời điểm này, bị cáo Nhưỡng là đại biểu Quốc hội khóa 14, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khi gặp bị cáo Nhưỡng, Cường nhờ can thiệp với lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình tạo điều kiện giúp đỡ. Cường cũng nói với bị cáo Nhưỡng về việc, dùng bãi triều để thu tiền của Công ty Sao Đỏ, mỗi tháng thu được từ 400 đến 500 triệu đồng. Bị cáo Nhưỡng đồng ý giúp nhưng không gọi điện can thiệp ngay.

Bị cáo Vũ Đăng Phương tại phiên tòa

Bị cáo Vũ Đăng Phương tại phiên tòa

Sau đó, Cường rủ vợ chồng bị cáo Nhưỡng đầu tư mua bãi triều được lập trái phép. Cuối tháng 7/2021, vợ chồng bị cáo Nhưỡng đồng ý mua 30 ha bãi triều mà Cường tự cắm trái phép và lấn chiếm từ trước.

Cường thông tin, giá thị trường là 1,2 tỷ đồng nhưng chỉ lấy của bị cáo Nhưỡng 900 triệu. Mua bãi triều xong, vợ chồng bị cáo Nhưỡng giao lại cho Cường quản lý, thu tiền theo tháng từ 60 đến 80 triệu đồng.

Viện kiểm sát xác định, thực tế không có công ty nào khai thác nhưng để tiếp cận với bị cáo Nhưỡng nên Cường đã trích từ tiền cưỡng đoạt được để chi trả.

Ngày 4/9/2021, Cường tiếp tục gọi điện, nhắn tin nhờ bị cáo Nhưỡng can thiệp thêm vì liên tục bị nhóm xã hội đen cản trở việc bảo kê. Để thuận lợi cho công việc làm ăn chung với Cường và giúp đỡ Cường không bị quấy rối khi đi bảo kê, bị cáo Nhưỡng đã gọi điện cho một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình. Trong cuộc nói chuyện, bị cáo Nhưỡng nhận Cường là cháu. Cuộc gọi này được bị cáo Nhưỡng ghi âm và gửi cho Cường.

Ngoài ra, bị cáo Nhưỡng còn dẫn Cường cùng đi gặp chính quyền xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy. Nhóm xã hội đen khác khi biết bị cáo Nhưỡng đứng sau Cường thì đã bỏ đi nơi khác. Cường sau đó thông báo cho Công ty Sao Đỏ đã dẹp yên chuyện bị quấy phá để công ty này quay lại khai thác.

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng được dẫn giải tới phiên tòa

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng được dẫn giải tới phiên tòa

Từ tháng 10/2021 đến 4/2022, Cường và đồng phạm đã cưỡng đoạt của Công ty Sao Đỏ hơn 1,3 tỷ đồng. Tháng 4/2022, Cường bị bắt về tội “Gây rối trật tự công cộng” nên các phần việc do Phương đảm nhận và thu thêm của Công ty Sao Đỏ 230 triệu đồng.

Viện kiểm sát xác định, số tiền Cường và đồng phạm đã cưỡng đoạt của Công ty Sao Đỏ là 4,9 tỷ đồng (việc cưỡng đoạt 1,6 tỷ đồng từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022 có sự giúp sức của bị cáo Nhưỡng).

Đối với bị cáo Lê Thanh Vân, Viện kiểm sát xác định, từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2023, bị cáo Vân là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội. Mặc dù không thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh và không thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, nhưng bị cáo Vân đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, trong các tháng 6, 7, 8 và 12/2020, bị cáo Vân đã ký 4 văn bản can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đồng ý cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36ha, hưởng lợi 1 lô đất trị giá hơn 1,8 tỷ đồng ở xã Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội) và hưởng lợi 1 nghìn m2 đất trị giá hơn 1,9 tỷ đồng ở dự án này.

Tháng 7/2023, bị cáo Vân đã gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp để Công ty cổ phần Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác Dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 60 triệu đồng.

Đối với bị cáo Nguyễn Văn Vương, Viện kiểm sát xác định, Vương có hành vi trực tiếp gặp hai bị cáo Nhưỡng và Vân nhờ can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trường trực Chính phủ để Công ty Hạ Long được tiếp tục triển khai dự án 36ha.

Sau khi nhận 3,3 tỷ đồng của Công ty Hạ Long, bị cáo Vương được hứa sẽ nhận 10% số đất của dự án 36ha (ương đương 15 nghìn m2) cho bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân mỗi người 1 lô đất ở xã Vân Nội, đồng thời hứa cho mỗi bị cáo 1 nghìn m2 đất tại dự án 36ha. Hành vi của bị cáo Vương khi tác động tới bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân nhằm mục đích hưởng lợi hơn 13 nghìn m2 đất.

Quá trình khám xét nơi ở, nơi làm việc của bị cáo Nhưỡng, cơ quan điều tra đã thu giữ một số tài liệu chứa nội dung bí mật Nhà nước. Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh nội dung nên không đề cập xử lý trong vụ án này.

Trong vụ án, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng và bị cáo Lê Thanh Vân bị cáo buộc nhiều lần phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Hữu Tuấn - Mạnh Hùng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ong-luu-binh-nhuong-le-thanh-van-hau-toa-465689.html
Zalo