Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng
Lễ nhậm chức mở đầu cho nhiệm kỳ 4 năm được dự báo có nhiều biến động của ông Donald Trump
Ông Donald Trump hôm 20-1 tuyên thệ nhậm chức trở thành tổng thống thứ 47 của Mỹ trong buổi lễ tại thủ đô Washington. Lễ tuyên thệ diễn ra lúc 12 giờ (giờ địa phương) tại khu Rotunda của tòa nhà Quốc hội Mỹ. Sau đó, tổng thống đắc cử có bài phát biểu đầu tiên sau khi trở lại Nhà Trắng.
Buổi lễ được chuyển vào trong nhà lần đầu tiên sau 40 năm do thời tiết giá rét. Cuộc diễu hành truyền thống dọc đại lộ Pennsylvania cũng được chuyển đến sân vận động Capital One Arena.
Sự kiện này mở đầu một nhiệm kỳ 4 năm được dự báo có nhiều biến động khi ông Trump cam kết tận dụng tối đa quyền hành pháp để thúc đẩy chương trình nghị sự, trong đó nổi bật là cam kết trục xuất hàng triệu người nhập cư trong chiến dịch có quy mô lớn nhất lịch sử nước Mỹ.
Tại cuộc mít-tinh trong đêm 19-1 (giờ địa phương), ông Trump tuyên bố sẽ áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với vấn đề nhập cư vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mới.
Ông phát biểu trước hàng ngàn người ủng hộ ở sân vận động Capital One Arena tại thủ đô Washington: "Bắt đầu từ ngày mai, tôi sẽ hành động với tốc độ sức mạnh lịch sử và giải quyết mọi cuộc khủng hoảng mà đất nước chúng ta đang phải đối mặt".
Nhiều thành phố khắp nước Mỹ đã tìm cách bảo vệ những người nhập cư trước mối đe dọa từ kế hoạch này. Hồi tháng 11-2024, chính quyền TP Los Angeles ra lệnh cấm sử dụng các nguồn lực của địa phương cho mục đích thực thi luật nhập cư liên bang.
Giới chức TP New York cũng đã đóng cửa một nơi trú ẩn của người nhập cư trên đất liên bang. Nơi này bị xem là mục tiêu tiềm tàng của các cuộc trấn áp thời gian tới.
Ngoài ra, TP San Diego thông qua chính sách cấm các cơ quan địa phương làm việc với cơ quan nhập cư liên bang. Các thị trưởng ở Chicago và Denver trong những tháng gần đây cũng nhấn mạnh hai thành phố này không tham gia vào việc thực thi luật nhập cư thời ông Trump.
An ninh biên giới là vấn đề nổi bật khác trong các sắc lệnh hành pháp ông Trump ban hành trong ngày đầu nhậm chức, trong đó có việc xem băng đảng ma túy là "tổ chức khủng bố nước ngoài", tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới Mỹ - Mexico…
Theo trang Bloomberg, các sắc lệnh khác có thể nhằm hủy bỏ những quy định về môi trường thời chính quyền người tiền nhiệm Joe Biden và rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Ngoài ra, ông Trump cho biết sẽ ra lệnh cho quân đội xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa khắp nước dù không nêu chi tiết về cách thực hiện.
Vai trò của Mỹ trên trường quốc tế dự kiến cũng thay đổi đáng kể trong 4 năm tới. Ngay cả trước khi nhậm chức, ông Trump đã gây không ít sóng gió khi công khai ý định để Mỹ tái kiểm soát kênh đào Panama, kiểm soát lãnh thổ Greenland của Đan Mạch (đồng minh của Mỹ trong NATO) và áp thuế lên các đối tác thương mại hàng đầu của Washington.
Không gì lạ khi chính quyền Thủ tướng Anh Keir Starmer đang chuẩn bị cho mọi kịch bản trước mối đe dọa thuế quan từ ông Trump đối với phần còn lại của thế giới.
Trong khi đó, Reuters nhận định giới chức và người dân Trung Quốc vừa hy vọng vừa lo lắng khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, đồng thời mong muốn tránh lặp lại cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Phát biểu khi đang ở Washington để dự lễ nhậm chức của ông Trump, Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính bày tỏ hy vọng các công ty Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc và giúp ổn định quan hệ song phương.
Ông Hàn Chính đưa ra nhận định này tại cuộc gặp tỉ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành hãng Tesla và các thành viên khác của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại thủ đô Washington hôm 19-1.
Thể hiện ảnh hưởng
Ảnh hưởng của ông Donald Trump được cảm nhận ngay từ trước khi ông nhậm chức, thông qua thỏa thuận ngừng bắn công bố hồi tuần trước giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas.
Trong cuộc mít-tinh ở Washington ngày 19-1 (giờ địa phương), ông Trump mô tả lệnh ngừng bắn trên là "kết quả trực tiếp" từ chiến thắng của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái. Ông cũng khẳng định thỏa thuận này là "bước đi đầu tiên hướng tới hòa bình lâu dài ở Trung Đông".
Ông Trump cảm ơn đặc phái viên Trung Đông của mình, ông Steve Witkoff, vì đã "hỗ trợ đạt được đột phá". Bản thân ông Trump trước đó đe dọa Hamas sẽ phải "trả giá cực đắt" nếu không thả con tin trước lễ nhậm chức của ông.
Là người có mặt trong các cuộc đàm phán phút chót ở Qatar, tại cuộc mít-tinh ngày 19-1, ông Witkoff giơ cao điện thoại để khoe tấm hình chụp 3 con tin vừa được thả. Giới chức Israel cũng xác nhận Hamas đã trao trả 3 con tin nữ nói trên. Đổi lại, một phái đoàn của Hội Chữ thập đỏ tiếp nhận 90 tù nhân Palestine được phía Israel trả tự do.
Cũng lên tiếng về thành quả đầu tiên của lệnh ngừng bắn mới, ông Joe Biden phát biểu không lâu trước khi rời khỏi chức vụ tổng thống Mỹ: "Sau quá nhiều đau thương, chết chóc và mất mát, hôm nay tiếng súng ở Gaza đã im bặt". Theo thỏa thuận vừa đạt được, lệnh ngừng bắn chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên kéo dài 42 ngày để Israel rút quân khỏi Gaza. Ông Biden cũng cho rằng chính sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel đã ngăn chặn một cuộc xung đột lan rộng hơn ở Trung Đông.
Theo kênh Al Jazeera, xung đột tại Gaza đã kéo dài hơn 15 tháng, sau khi Israel trả đũa cuộc tấn công xuyên biên giới mà Hamas gây ra hôm 7-10-2023, khiến khoảng 1.100 người bị sát hại và khoảng 250 người bị bắt về Gaza làm con tin. Cơ quan Y tế Gaza thống kê ít nhất gần 47.000 người đã thiệt mạng ở dải đất này và hàng ngàn người khác mất tích.
Hải Ngọc