Khoảnh khắc Elon Musk 'ăn mừng' sau câu nói của ông Trump
Tại lễ nhậm chức tổng thống lần thứ 2, Donald Trump đã tuyên bố đầy tham vọng: Đưa phi hành gia Mỹ lên Hỏa tinh và cắm quốc kỳ Mỹ trên bề mặt hành tinh đỏ.
“Chúng ta sẽ theo đuổi vận mệnh hiển nhiên của mình giữa các vì sao, đưa các phi hành gia Mỹ lên Hỏa tinh và cắm lá cờ của chúng ta trên đó”, ông Trump tuyên bố tại lễ nhậm chức diễn ra rạng sáng 21/1 (giờ Việt Nam). Tân tổng thống Mỹ nhận được tràng pháo tay vang dội.
Bên dưới, Elon Musk, CEO của SpaceX và người giàu nhất thế giới, đã thể hiện sự đồng tình bằng cách mỉm cười và giơ 2 ngón tay cái lên. Vị tỷ phú từ lâu đã xem việc chinh phục và định cư Hỏa tinh là sứ mệnh của cuộc đời mình, theo New York Times.
Bình luận về phản ứng của Musk, một người dùng X đã viết: "$MARS là đích đến". "Ông ấy đang tận hưởng khoảnh khắc này", một người khác bình luận. "Elon giống như một đứa trẻ lớn xác! Ông ấy làm tôi buồn cười", một người dùng khác nói thêm.
Trump và Musk tái khởi động cuộc đua không gian của Mỹ
Có vẻ như mối quan hệ giữa Trump và Elon Musk đã được hình thành nhờ mục tiêu chung: viết chương tiếp theo trong lịch sử du hành vũ trụ của Mỹ, Guardian nhận định.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump đã không ít lần thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến không gian. Ông nhấn mạnh rằng Hỏa tinh là biểu tượng tối thượng của tham vọng và năng lực của nước Mỹ.
Tại một buổi vận động ở Bắc Carolina vào tháng 9, ông Trump đã thẳng thắn thúc giục Musk: “Elon, hãy sẵn sàng phóng những con tàu vũ trụ đó, vì chúng ta muốn đặt chân lên Hỏa tinh trước khi nhiệm kỳ của tôi kết thúc”.
Theo kế hoạch hiện tại của SpaceX, tàu có người lái sẽ hạ cánh trên Hỏa tinh vào năm 2028. Cộng đồng tự cung tự cấp đầu tiên trên hành tinh này sẽ được xây dựng trong 2 thập kỷ tới.
Ngoài Hỏa tinh, Chính quyền Trump còn nhấn mạnh Mỹ sẽ tái khẳng định vị thế tại Mặt Trăng thông qua chương trình Artemis của NASA. Theo kế hoạch, các phi hành gia Mỹ sẽ trở lại bề mặt Mặt Trăng vào giữa năm 2027 và thực hiện một chuyến bay có người vòng quanh Mặt Trăng vào năm 2024.
Trong khi đó, theo Associated Press, một cuộc khảo sát từ năm 2019 của AP-NORC đã chỉ ra chỉ khoảng 3/10 người trưởng thành ở Mỹ coi việc đưa phi hành gia lên Hỏa tinh là "rất" hoặc "cực kỳ" quan trọng. Trong khi, đó 4/10 người cho rằng nó "không quá" hoặc "không hề" quan trọng.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump đã tạo ra loạt thay đổi lớn trong chính sách không gian của Mỹ như thành lập Lực lượng Không gian (Space Force) vào năm 2019. Đây là nhánh quân sự mới đầu tiên của Mỹ trong hơn 7 thập kỷ. Ông còn ký sắc lệnh khôi phục Hội đồng Không gian Quốc gia (National Space Council) sau hơn 25 năm ngừng hoạt động.
Casey Dreier, Giám đốc chính sách không gian tại Planetary Society, nhận định: “Trump dường như coi không gian như một biểu tượng mạnh mẽ của sức mạnh và khả năng của nước Mỹ, hơn là chú trọng vào chi tiết chính sách”.
Dreier cũng lưu ý rằng mặc dù ông Trump luôn nói về Hỏa tinh, nhưng bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong chính sách không gian Mỹ cũng phải đối mặt với các rào cản về ngân sách và sự phê duyệt của lưỡng viện Quốc hội.
Người định đoạt tương lai của NASA
Theo Dreier, hầu hết phần cứng cho chương trình Artemis của NASA như tàu Space Launch System (SLS) và nhiệm vụ đưa con người trở lại Mặt Trăng đều đã được chế tạo. “Nếu thay đổi mạnh mẽ chính sách lúc này, chúng ta sẽ đẩy lùi mốc thời gian đổ bộ lên Mặt Trăng”, ông nói với Guardian.
Ngoài Musk, một nhân vật quan trọng khác trong chương trình không gian của nhiệm kỳ 2 là Jared Isaacman, doanh nhân tỷ phú và phi hành gia tư nhân. Ông vừa được đề cử làm Giám đốc NASA.
Nếu được phê duyệt, nhiệm vụ đầu tiên của ông Isaacman sẽ là đánh giá toàn diện các chương trình hiện tại của NASA. Đặc biệt là Artemis - chương trình đưa con người quay lại Mặt Trăng và cuối cùng đến Hỏa tinh.
Theo Scott Pace, cựu thư ký điều hành của Hội đồng Không gian Quốc gia Mỹ, Isaacman là sự lựa chọn hợp lý nhờ kỹ năng kỹ thuật mạnh mẽ, kinh nghiệm lãnh đạo tổ chức lớn và từng du hành vũ trụ.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh các mục tiêu lớn như hủy bỏ hệ thống tên lửa Space Launch System (SLS) vẫn rất khó đoán. Hệ thống này vốn đã bị chỉ trích vì chi phí cao và chậm trễ kéo dài.
Trong khi đó, Starship của Space X không chỉ rẻ hơn mà còn vượt trội so với SLS của NASA. Điều này dẫn đến những đồn đoán rằng chính quyền Trump có thể cân nhắc việc loại bỏ hoàn toàn SLS và chuyển giao các sứ mệnh Mặt Trăng và Hỏa tinh cho SpaceX.