Ông Donald Trump đe dọa BRICS có gây bất lợi cho đồng USD?

Mới đây, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 100% đối với các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi - khối BRICS (gồm: Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Iran, Ai Cập, Ethiopia, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) nếu các nước này tạo một đồng tiền chung nhằm thay thế đồng USD, được cho là có thể tạo ra thách thức với chính đồng tiền quyền lực số 1 thế giới này.

Tuyên bố của ông Donald Trump đưa ra trong bối cảnh Nga, quốc gia dẫn đầu khối BRICS, đang thúc đẩy việc tạo ra hệ thống thanh toán mới, giao dịch bằng các loại tiền tệ không phải USD. Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS hồi tháng 10, Nga đã đề cập tới mục tiêu này của Nhóm các nền kinh tế mới nổi vốn đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế thế giới.

BRICS hiện không có đồng tiền chung, nhưng chủ đề này đã được thảo luận trong thời gian dài và càng có thêm động lực sau khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, đồng USD đang mất đi sức hấp dẫn như một loại tiền tệ dự trữ đối với nhiều quốc gia và ngày càng có nhiều nước chuyển sang sử dụng đồng nội tệ trong các hoạt động thương mại, kinh tế đối ngoại của mình.

Hàng hóa từ Mexico sang Mỹ. Ông Donald Trump đã đe dọa áp thuế nhập khẩu 25% đối với toàn bộ hàng hóa từ Mexico (ảnh minh họa). Ảnh: Reuters

Hàng hóa từ Mexico sang Mỹ. Ông Donald Trump đã đe dọa áp thuế nhập khẩu 25% đối với toàn bộ hàng hóa từ Mexico (ảnh minh họa). Ảnh: Reuters

Trong vài năm qua, các nước BRICS đã tìm cách tăng cường vai trò ảnh hưởng trên thế giới, tham gia vào nhiều sáng kiến để củng cố mối quan hệ kinh tế và giảm phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây cũng như đồng USD trong các giao dịch thương mại. Trong bối cảnh đó, tuyên bố cứng rắn của ông Donald Trump càng khiến các nước BRICS xích lại gần nhau hơn, cũng như có thêm quyết tâm để phát triển các cơ chế giao dịch thay thế đồng USD. Phản ứng của ông Donald Trump với các nước BRICS có thể gây ra hậu quả ngoài mong muốn. Vì ở khía cạnh nào đó, nó sẽ tạo ra mối đe dọa đối với chủ quyền kinh tế quốc gia của các nước thành viên, buộc các nước này phải kích hoạt cơ chế tự vệ. Giới chuyên gia đã tính tới sự chuyển dịch sang một thế giới đa cực và nhiều loại tiền tệ cùng tồn tại trong thương mại quốc tế. Điều này có thể trở thành hiện thực và trở thành thách thức chính nền tảng thống trị của USD.

Trong một thế giới kết nối, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các nước trên thế giới là điều khó tránh khỏi. Việc áp dụng thuế quan 100% như tuyên bố trên của ông Donald Trump không chỉ làm gián đoạn quan hệ thương mại giữa Mỹ với các nước BRICS mà còn có thể gây ra những biện pháp trả đũa khiến nền kinh tế Mỹ thêm căng thẳng.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Donald Trump đã đe dọa áp thuế đối với nhiều nước trên thế giới như một vũ khí tranh cử. Giờ đây, khi đã giành thắng lợi, ông vẫn tiếp tục cách tiếp cận mang tính đối đầu này khiến người ta đặt câu hỏi đằng sau lời đe dọa này là gì? Điều dễ thấy nhất đó là thông điệp của Tổng thống đắc cử Donald Trump nhằm khẳng định quyền lực của Mỹ, phục vụ mục tiêu làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại mà ông là “kiến trúc sư”.

Theo một số đồng minh thân cận của ông Donald Trump, động thái này chính là chiến thuật đàm phán hơn là một lời hứa mà ông sẽ thực hiện cho bằng được. Điều này được chính ông Scott Bessent-người được ông Donald Trump chọn làm Bộ trưởng Tài chính trong nội các sắp tới của mình thừa nhận. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Financial Times trước khi được đề cử cho chức Bộ trưởng Tài chính, ông Bessent cho rằng “đó là hành động leo thang để giảm leo thang”.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương, vai trò của USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu chính sẽ không bị đe dọa trong tương lai gần. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng USD hiện chiếm khoảng 58% dự trữ ngoại hối của thế giới và các mặt hàng chính như dầu mỏ vẫn chủ yếu được mua, bán bằng USD. Vai trò to lớn của đồng USD trong nền kinh tế thế giới trên thực tế đã được củng cố thời gian gần đây nhờ vào kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ, chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn trong khi rủi ro địa chính trị gia tăng.

Nhưng dù sao cũng không thể phủ nhận thực tế các quốc gia tham gia vào thương mại hiện nay đều dựa trên lợi ích chung và Mỹ không phải là bên duy nhất có giá trị trên thị trường toàn cầu. Nếu Washington tiếp tục áp dụng lập trường cứng rắn trong thương mại quốc tế sẽ chỉ càng thúc đẩy các quốc gia khác liên kết với nhau để tạo ra những liên minh và thỏa thuận thương mại mới, làm suy yếu vị thế của chính nước Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ong-donald-trump-de-doa-brics-co-gay-bat-loi-cho-dong-usd-5031863.html
Zalo