Ông Đỗ Hữu Ca được đề nghị giảm 2 đến 3 năm tù
Sáng nay (26.6), cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca cùng 5 bị cáo khác ra tòa tại phiên phúc thẩm.
Sáng 26.6, tại trụ sở TAND tỉnh Quảng Ninh, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng và 5 bị cáo khác là Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Nguyễn Đình Đương, Đặng Khắc Thành, Hà Thị Bích Nhàn.
Những bị cáo này có đơn kháng cáo trong vụ án mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; trốn thuế; đưa hối lộ, nhận hối lộ… xảy ra tại Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh…
Chủ tọa cho biết trước khi diễn ra phiên tòa, HĐXX có nhận một số tài liệu mới của các bị cáo, trong đó bị cáo Đỗ Hữu Ca nộp những tài liệu chứng minh thành tích của bản thân, tài liệu chứng minh bị cáo đã nộp tiền thay bị cáo Đước và Ngọc Anh để khắc phục hậu quả; đơn xin giảm nhẹ mức án cho bị cáo Đỗ Hữu Ca của một số hộ dân tại tổ dân phố Minh Khai, phường Minh Khai (Hồng Bàng, TP.Hải Phòng), đơn của các giáo viên tại Hải Phòng. Bị cáo Đương nộp thêm tài liệu gia đình có công với cách mạng…
Đỗ Hữu Ca: Chỉ có ý khắc phục hậu quả cho Đước
Trả lời HĐXX, bị cáo Đỗ Hữu Ca cho biết coi Đước như người em nên "không cho tiền Đước thì thôi chứ không có ý đồ lừa tiền vợ chồng Đước, mà lại lừa một cách ngớ ngẩn".
Bị cáo Ca nói thêm, khi Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra hành vi mua bán hóa đơn trái phép liên quan đến công ty của vợ chồng Đước, Ngọc Anh đã đến nhà nhờ Ca cứu Đước. Bị cáo đã hướng dẫn Ngọc Anh lo 10% số tiền thu lợi bất chính từ các doanh nghiệp mua bán hóa đơn trái phép để khắc phục, nộp lại cho nhà nước.
Sau đó, vợ chồng Ngọc Anh 4 lần mang tiền đến nhà ông Ca. Theo lời ông Ca, khi mang tiền đến Ngọc Anh không nói gì, chỉ nói cất tiền hộ. Khi đó, ông Ca hiểu là số tiền đó vợ chồng Ngọc Anh dùng để khắc phục hậu quả hành vi vi phạm pháp luật. Cựu Giám đốc Công an Hải Phòng phân trần có sự hiểu nhầm giữa Ngọc Anh và ông. Bản thân ông chỉ tư vấn phải chuẩn bị số tiền để khắc phục hậu quả, còn Ngọc Anh thì hiểu rằng mang tiền đến nhờ ông chạy án.
"Tôi nhận tiền không hỏi lý do, để số tiền đó của vợ chồng Ngọc Anh hơn 3 tháng trong nhà là sai. Bị cáo thấy rất ân hận, ăn năn hối cải. Khi bị cáo biết công an đang điều tra đến công ty Đước thì bị cáo nói với Ngọc Anh tìm Đước về để hỏi rõ, tìm cách khắc phục hậu quả.
Cho đến khi bị cáo nhận được điện thoại của một cán bộ Công an tỉnh Quảng Ninh nói đang điều tra vụ án liên quan đến công ty của Đước, bị cáo thấy mừng và mời cán bộ điều tra đến nhà để xử lý số tiền mà vợ chồng Ngọc Anh đem đến. Tôi mời họ đến nhà tôi để xử lý số tiền vợ chồng Ngọc Anh mang đến. Khi tổ công tác Công an tỉnh Quảng Ninh đến nhà tôi, tôi chỉ vào chỗ vợ chồng Ngọc Anh để tiền vẫn còn nguyên. Công an kiểm đếm số tiền báo tôi là 35 tỉ đồng, lúc đó tôi mới biết số lượng tiền là như vậy", bị cáo Ca khai.
Đối chất với ông Ca, vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh vẫn giữ nguyên lời khai tại phiên tòa sơ thẩm rằng 4 lần mang 35 tỉ đồng đến nhà Đỗ Hữu Ca là để nhờ chạy án.
Khi được HĐXX hỏi: "Bị cáo nhận tiền của vợ chồng bị cáo Ngọc Anh, Đước nhằm mục đích gì?", bị cáo Ca vẫn khẳng định chỉ nhận tiền để giúp vợ chồng Ngọc Anh khắc phục hậu quả về hành vi vi phạm pháp luật chứ không nhằm mục đích chạy án.
Bị cáo Ca nói trước tòa rằng mình không kêu oan. Bản thân bị cáo tự nhận thấy việc mình nhận tiền của vợ chồng Ngọc Anh và để số tiền này trong nhà hơn 3 tháng là vi phạm pháp luật.
"Bị cáo chỉ mong HĐXX nhìn nhận đúng bản chất câu chuyện này, bị cáo không hề vụ lợi, không có ý đồ lừa đảo để chiếm đoạt tiền của vợ chồng Ngọc Anh, Trương Xuân Đước", cựu Giám đốc Công an Hải Phòng nói.
Chủ tọa lưu ý bị cáo Đỗ Hữu Ca khai báo thành khẩn để được hưởng tình tiết giảm nhẹ. HĐXX nhấn mạnh việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan tố tụng, bị cáo khai thành khẩn hay không là quyền của bị cáo.
Đề nghị giảm án cho 5/6 bị cáo
Trong phiên phúc thẩm, 5 bị cáo còn lại đều không kêu oan, chỉ mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình, xã hội.
Kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKS Tối cao giữ quyền công tố đưa ra các nhận định và đề nghị mức án. Trong đó, 5/6 bị cáo được đề nghị giảm án; cụ thể bị cáo Đước được đề nghị giảm 1 năm tù giam, bị cáo Đỗ Hữu Ca được đề nghị giảm từ 2 - 3 năm tù giam. Riêng với bị cáo Đặng Khắc Thành, VKS đề nghị giữ nguyên mức án tòa sơ thẩm đã tuyên.
Trong phần tranh tụng, đối đáp lại đề nghị của VKS, luật sư Bùi Phương Lan, người bào chữa cho bị cáo Đỗ Hữu Ca cảm ơn VKS, HĐXX đã đưa ra những nhận định và đề nghị giảm mức án cho thân chủ của mình.
Luật sư Lan đề nghị bỏ việc áp dụng điểm g khoản 1 điều 52 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với bị cáo Đỗ Hữu Ca về hành vi phạm tội nhiều lần. Theo bà Lan, dù bị cáo Ngọc Anh đã 4 lần mang tiền đến nhà bị cáo Ca, tổng số tiền vẫn là 35 tỉ đồng, nhưng căn cứ lời khai của vợ chồng Đước và Ngọc Anh tại hồ sơ vụ án rằng do số tiền 35 tỉ là quá lớn, không thể lo một lúc mà đủ được và không thể mang 1 lần đủ được nên vợ chồng Đước và Ngọc Anh phải đem thành nhiều lần.
Luật sư Lan đề nghị HĐXX xem xét tới nguyên nhân, ý thức chủ quan của bị cáo từ đó xem xét lượng hình có thể giảm hơn nữa mức án so với đề nghị của VKS giữ quyền công tố đối với bị cáo Ca.
Đối với phần trình bày bào chữa của luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Hữu Ca, HĐXX ghi nhận và sẽ xem xét.