Phối hợp chặt chẽ trong huấn luyện bay và tìm kiếm cứu nạn

Sau nhiều nỗ lực, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã tìm thấy chiếc máy bay Yak-130 số hiệu 2101 của Trung đoàn Không quân 940, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) rơi tại vị trí thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Như vậy, vị trí định vị cuối cùng trên vệ tinh tương đối sát với vị trí tìm kiếm máy bay rơi. Điều đó khẳng định chất lượng đào tạo, huấn luyện và hiệu quả công tác TKCN của các lực lượng.

Ban bay xử lý tình huống rất phức tạp

Như thông tin Báo Quân đội nhân dân đã đưa, ngày 6-11, Trung đoàn Không quân 940 tổ chức ban bay huấn luyện ban ngày tại sân bay Phù Cát, với máy bay Yak-130, số hiệu 2101, bay bài 208, bay đường dài-không vực-xuyên mây trong điều kiện khí tượng phức tạp. Ban bay do Thượng tá Nguyễn Tất Thắng, Phó trung đoàn trưởng Quân huấn, chỉ huy bay chính; Thiếu tá Phạm Văn Năm, Phi đội trưởng Phi đội 1, chỉ huy cất, hạ cánh; Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng, bay buồng lái trước và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay, bay buồng lái sau; các thành phần bảo đảm hậu cần-kỹ thuật và lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Máy bay cất cánh lúc 9 giờ 54 phút, đến 10 giờ 1 phút, khi đối chuẩn đường băng thả càng để xuyên mây xuống hạ cánh thì phi công phát hiện càng phải không ra. Thượng tá Nguyễn Tất Thắng kể lại: “Qua 37 phút với nhiều lần khắc phục sự cố nhưng không được, mặc dù phải đưa ra quyết định khó khăn, nhưng chúng tôi phải lệnh cho phi công tìm vị trí nhảy dù lúc 10 giờ 38 phút. Đến 10 giờ 51 phút, hai phi công mới chọn được vị trí phù hợp, nhảy dù về hướng khu vực Trường bắn TB2”.

Anh Nguyễn Quang Ẩn, nhân viên kỹ thuật của Viettel Bình Định tại cụm Tây Sơn-Vĩnh Thạnh chia sẻ: “Tôi thường xuyên tham gia bảo dưỡng, sửa chữa các trạm phát sóng tại huyện Tây Sơn (Bình Định), nhiều lần nhìn thấy máy bay huấn luyện. Quá trình tham gia cùng đoàn tìm kiếm, được biết các đồng chí phi công đã nỗ lực hết sức, đấu tranh tư tưởng cố gắng giữ máy bay nhưng không thành mới buộc phải nhảy dù. Vì vậy, khi tìm thấy họ, tôi rất mừng, càng khâm phục hơn bản lĩnh, ý chí, tinh thần trách nhiệm với đất nước, với nhân dân của các anh”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Đại tá Lê Văn Uy, Chính ủy Trường Sĩ quan Không quân cho biết: “Với sự cố kỹ thuật này, hai phi công thực hiện nhảy dù theo lệnh chỉ huy bay là hoàn toàn hợp lý. Đồng thời vị trí định vị cuối cùng trên vệ tinh tương đối sát với vị trí tìm kiếm máy bay rơi cho thấy sự tính toán rất kỹ của phi công khi xử lý tình huống”.

Sử dụng UAV của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tìm kiếm máy bay Yak-130 gặp nạn. Ảnh: QUỲNH ANH

Sử dụng UAV của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tìm kiếm máy bay Yak-130 gặp nạn. Ảnh: QUỲNH ANH

Dồn lực trong công tác tìm kiếm

Theo Trung tá Vũ Dũng, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn Không quân 940, lúc 10 giờ 1 phút, khi phi công báo cáo không thả được càng, sở chỉ huy Trung đoàn Không quân 940 lập tức báo động lực lượng trực TKCN đường không, mặt đất. Đồng thời hiệp đồng với Trung đoàn 925, Sư đoàn 372 (Quân chủng PK-KQ), Cảng hàng không Phù Cát; LLVT các địa phương như: Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia 2, Bộ CHQS và công an các tỉnh: Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk; Ban CHQS, công an các huyện, thị xã: Thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn (Bình Định), thị xã An Khê, huyện Kong Chro, thị xã Auyn Pa, huyện Ia Pa, huyện Phú Thiện (Gia Lai), huyện Ea Súp (Đắk Lắk) chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng phối hợp tổ chức TKCN. Do vậy, khi phi công, máy bay gặp nạn, các lực lượng TKCN đã triển khai thực hiện nhiệm vụ được ngay.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Quân chủng PK-KQ chủ trì, phối hợp với lực lượng của Quân khu 5 và các địa phương khẩn trương tổ chức tìm kiếm cấp cứu mặt đất và trên không. Theo Đại tá Trần Thanh Hải, Phó tham mưu trưởng Quân khu 5, các lực lượng chức năng nhanh chóng triển khai công tác tìm kiếm và cứu hộ. Song địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết xấu gây không ít khó khăn cho công tác tìm kiếm. Tuy nhiên, phát huy tốt tinh thần “4 tại chỗ”, huy động các lực lượng, phương tiện, nhất là các lực lượng quân sự, công an, kiểm lâm, dân quân trên địa bàn và nhân dân huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, hai phi công đã được tìm thấy và đưa ra khỏi rừng an toàn.

Tiếp đó, lúc 4 giờ ngày 7-11, các lực lượng xuất phát từ huyện Phú Thiện (Gia Lai) đi huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk (vị trí định vị cuối cùng máy bay trên vệ tinh thuộc xã Ea Bung, huyện Ea Súp-vùng giáp ranh buôn Đrăng Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) để phối hợp với địa phương tổ chức tìm kiếm máy bay. Sau khi nhận lệnh tìm kiếm, Bộ CHQS tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, Trường Sĩ quan Không quân, Trung đoàn 940, chính quyền tỉnh Đắk Lắk và các lực lượng chức năng đã triển khai công tác tìm kiếm máy bay và chủ động nắm bắt các nguồn thông tin liên quan.

Chiều 8-11, Đại tá Nguyễn Công Tuấn, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Từ thông tin nghe tiếng nổ bất thường trong rừng do người dân tại buôn Đrăng Phôk cung cấp, lực lượng chức năng đã có thêm cơ sở để tìm kiếm”. Theo đó, lực lượng chức năng sử dụng UAV của Tập đoàn Viettel tìm kiếm trên địa bàn khu vực biên giới huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk và phát hiện nhiều mảnh vỡ của máy bay Yak-130.

Ngay sau khi có thông tin, lực lượng tìm kiếm mặt đất thuộc Trường Sĩ quan Không quân do Đại tá Lại Công Hoan, Phó hiệu trưởng nhà trường chỉ huy đã cơ động vào vị trí được thông báo và tiếp cận hiện trường máy bay Yak-130 rơi lúc 14 giờ 52 phút cùng ngày. Như vậy, máy bay rơi tại vị trí Tiểu khu 428, Vườn Quốc gia Yok Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), không có dấu vết của cháy, nổ, không gây thiệt hại về người và tài sản ở mặt đất. Vị trí máy bay rơi tại hiện trường cách vị trí phi công nhảy dù 165km và cách sân bay Phù Cát 185km về hướng Tây.

Trường Sĩ quan Không quân đã hiệp đồng với Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk và Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng Vườn Quốc gia Yok Đôn triển khai canh gác, bảo vệ hiện trường; đồng thời tiến hành tháo, thu hồi hộp đen, niêm phong và bàn giao theo quy định. Trong ngày hôm nay (9-11), Trường Sĩ quan Không quân sẽ triển khai thu hồi, tháo dỡ và vận chuyển máy bay Yak-130 từ hiện trường về sân bay Phù Cát, kết thúc nhiệm vụ tìm kiếm.

Bài và ảnh: MAI ĐÔNG - DUY HIỂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/phoi-hop-chat-che-trong-huan-luyen-bay-va-tim-kiem-cuu-nan-802252
Zalo