Ông cha ta đánh giặc: Tạo thế nghi binh, chia cắt địch

Đầu năm 1975, nhận nhiệm vụ vào chiến trường Tây Nguyên, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, xác định những vấn đề then chốt.

Đặc biệt, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng trăn trở: Làm thế nào để giành thắng lợi ở Tây Nguyên, nhất là đánh Buôn Ma Thuột bằng cách nào? Đánh như thế nào để địch nhanh chóng sụp đổ?...

Trong hồi ký “Đại thắng mùa Xuân” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 1977), Đại tướng Văn Tiến Dũng kể lại: “Tôi nhớ đến kiểu đánh truyền thống của dân tộc ta, kiểu đánh độc đáo của Quân đội ta hơn 30 năm qua. Kiểu đánh quen thuộc của tôi cũng trở lại trong óc. Bất ngờ và bất ngờ đối với địch, đánh như sét giáng, đập nát ngay đầu não chỉ huy của chúng”. Rút kinh nghiệm những chiến dịch trước đây và xuất phát từ yêu cầu chiến lược mới của giai đoạn kết thúc chiến tranh, căn cứ vào điều kiện chiến trường, vào thế và lực của ta, sau một quá trình bàn bạc, Đại tướng Văn Tiến Dũng và Bộ tư lệnh chiến dịch xác định phương án tác chiến trong Chiến dịch Tây Nguyên: Sử dụng lực lượng tương đối lớn cỡ trung đoàn và sư đoàn để cắt các Đường số 19, 14, 21, tạo ra thế chia cắt địch về chiến lược, tách Tây Nguyên với đồng bằng ven biển. Về chiến dịch, phải cô lập Buôn Ma Thuột với Pleiku, Pleiku với Kon Tum; đồng thời, tích cực hoạt động nghi binh, giam chân địch, thu hút sự chú ý và lôi kéo lực lượng của chúng về phía Bắc Tây Nguyên, tạo điều kiện cho ta có thể giữ bí mật, bất ngờ ở phía Nam cho đến khi nổ súng đánh Buôn Ma Thuột.

Đại tướng Văn Tiến Dũng (thứ hai, từ trái sang) bàn kế hoạch tác chiến tại Sở chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên, tháng 3-1975. Ảnh tư liệu

Đại tướng Văn Tiến Dũng (thứ hai, từ trái sang) bàn kế hoạch tác chiến tại Sở chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên, tháng 3-1975. Ảnh tư liệu

Xác định đây là mặt chủ yếu, Đại tướng Văn Tiến Dũng và Bộ tư lệnh chiến dịch xác định tổ chức thực hiện chắc thắng trận then chốt mở đầu chiến dịch đánh chiếm Buôn Ma Thuột bằng cách tổ chức lực lượng đột kích binh chủng hợp thành tương đối mạnh cỡ trung đoàn, tập kết từ xa vận động đến, bỏ qua các mục tiêu của địch bảo vệ vòng ngoài, bất ngờ thọc sâu vào bên trong thị xã, phối hợp với các đơn vị đặc công và bộ binh bí mật bố trí sẵn từ trước, nhanh chóng tiêu diệt ngay các mục tiêu chỉ huy đầu não và vị trí xung yếu, đánh chiếm và giữ vững các mục tiêu bên trong xong rồi mới từ trong thị xã đánh ra ngoài, tiêu diệt những cứ điểm cô lập đã mất chỉ huy. Trong quá trình đó, nhanh chóng hình thành một lực lượng dự bị binh chủng hợp thành rất mạnh, sẵn sàng đánh bại các cuộc phản kích của địch hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột.

Để bảo đảm bất ngờ, buộc địch lâm vào thế bị động, Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ đạo các đơn vị nghi binh đánh mạnh hơn nữa theo kiểu “đánh một, la mười”, làm cho đối phương càng lún sâu vào những nhận định sai lầm. Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Văn Tiến Dũng, công tác nghi binh thu hút sự chú ý của địch ở Bắc Tây Nguyên được tiến hành khoa học, chặt chẽ.

Trên thực tế, kế hoạch đánh thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột dự kiến mở màn từ ngày 20 đến 25-2-1975, nhưng không thực hiện được, bởi trước đó, tại Tây Nguyên, quân ta đã sử dụng Sư đoàn 10 và nhiều đơn vị khác bố trí từ Đức Lập đến Đắk Song để tiêu diệt địch và mở đoạn Đường 14 đánh thông hành lang vận chuyển vào Nam Bộ. Lúc này, nếu điều chỉnh lại đội hình sẽ gây xáo trộn lớn, lại mất nhiều thời gian và dễ bộc lộ ý đồ tiến công của ta. Trước tình hình đó, Đại tướng Văn Tiến Dũng quyết định điều chỉnh phương án từ đánh thẳng vào mục tiêu then chốt sang phương án đánh Đức Lập, triển khai lực lượng cài thế bao vây chặt quanh thị xã, rồi tiến công vào Buôn Ma Thuột...

SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/ong-cha-ta-danh-giac-tao-the-nghi-binh-chia-cat-dich-816799
Zalo