Ông cha ta đánh giặc: Nắm thời cơ hạ máy bay địch, vít cổ giặc lái

Những ngày này, trong ngôi nhà của cựu chiến binh (CCB) Đoàn Ngọc Sao (84 tuổi, ở tổ 7, khu 6, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), nguyên Khẩu đội trưởng Khẩu đội 2, Trung đội 5 súng máy cao xạ 14,5mm, Đại đội 141, Tiểu đoàn 217 (Quân chủng Phòng không-Không quân) đông khách hơn thường lệ.

Những người lính của Tiểu đoàn 217 tìm đến nhà ông Sao để cùng ôn lại kỷ niệm đánh Mỹ của quân và dân vùng đất mỏ trong chiến thắng trận đầu cách đây 60 năm.

Thăm hỏi sức khỏe, bày tỏ ấn tượng với Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, 25 năm hợp nhất quân chủng do Quân chủng Phòng không-Không quân tổ chức sáng 30-7, CCB Đoàn Ngọc Sao vào mạch chuyện: "Tôi vẫn nhớ như in khẩu lệnh của Đại đội trưởng Đinh Công Sự đầu giờ chiều 5-8-1964: “Trên thông báo, máy bay Mỹ đang vào vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Các bộ phận tập trung theo dõi, bắt mục tiêu, sẵn sàng nổ súng...”. Ít phút sau mệnh lệnh của Đại đội trưởng Đinh Công Sự, các tốp máy bay địch từ hướng biển tiến vào, bổ nhào thay nhau bắn phá các mục tiêu của ta. Ngoài biển, trên các con tàu, Bộ đội Hải quân đánh trả dữ dội. Trên bờ, Bộ đội Phòng không và các lực lượng giăng lưới lửa tiêu diệt lũ “giặc trời”.

Cựu chiến binh Đoàn Ngọc Sao (thứ ba, từ phải sang) và cựu chiến binh Phạm Khắc Định (thứ hai, từ trái sang) cùng các chiến sĩ Tiểu đoàn 217 từng tham gia chiến đấu và giành chiến thắng trận đầu, ngày 5-8-1964.

Cựu chiến binh Đoàn Ngọc Sao (thứ ba, từ phải sang) và cựu chiến binh Phạm Khắc Định (thứ hai, từ trái sang) cùng các chiến sĩ Tiểu đoàn 217 từng tham gia chiến đấu và giành chiến thắng trận đầu, ngày 5-8-1964.

Sau 30 phút chiến đấu, tại trận địa súng máy cao xạ 14,5mm ở mỏm đồi gốc đa Hà Tu xuất hiện một máy bay từ hướng biển tiến vào. Các khẩu đội đồng loạt nổ súng nhưng không diệt được mục tiêu. Chỉ huy đơn vị lập tức yêu cầu các khẩu đội bám sát mục tiêu, quay súng mau lẹ, mục tiêu vào tầm bắn hiệu quả mới nổ súng. Chiếc máy bay thứ hai quần lượn trên bầu trời Hà Tu, 4 khẩu súng máy cao xạ 14,5mm của Trung đội 5 bám, bắt mục tiêu, đón đúng đường bay, đồng loạt nổ súng. Chiếc A-4D trúng đạn buộc phi công phải nhảy dù cách trận địa khoảng 2km. Khi hắn điều dù hạ xuống khu vực Khe Cá, Hà Tu thì bị quân dân ta bắt sống. Đây là tù binh phi công Mỹ đầu tiên trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc Việt Nam, được trao trả cho Chính phủ Mỹ ngày 12-2-1973, sau gần 9 năm bị giam giữ trong nhà tù Hỏa Lò.

Theo CCB Phạm Khắc Định, ít phút sau khi hạ chiếc A-4D, Đại đội 141 và Đại đội 143 (Tiểu đoàn 217) phối hợp với Bộ đội Hải quân và dân quân tự vệ mỏ tiếp tục bắn rơi chiếc A-4D thứ hai. Ngay sau trận đánh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Tiểu đoàn 217 và căn dặn: “Thắng lợi của chúng ta rất lớn, nhưng mới chỉ là trận đầu. Địch có thể còn đánh trở lại với lực lượng lớn hơn nữa. Điều quan trọng là ta phải rút kinh nghiệm để chiến đấu giỏi hơn, giành thắng lợi lớn hơn. Cần cảnh giác cao độ, luôn sẵn sàng chiến đấu. Đừng để có một sơ suất nhỏ nào...”.

Không để cuộc nói chuyện trầm lắng, CCB Đoàn Ngọc Sao tiếp lời: “Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng trận đầu, lãnh đạo Quân chủng Phòng không-Không quân nhấn mạnh, ngày 5-8-1964, Bộ đội Phòng không cùng với quân và dân miền Bắc đã mưu trí, dũng cảm bắn rơi 8 trong số 64 lần chiếc máy bay địch (đạt 12,5%). Đây là tỷ lệ rất cao trong tác chiến phòng không. Chỉ với vũ khí phòng không thông thường mà quân và dân ta đã bắn rơi nhiều máy bay hiện đại của địch, bắt sống được giặc lái. Có lẽ chỉ có Việt Nam mới làm được điều phi thường đến vậy!”.

Bài và ảnh: SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/ong-cha-ta-danh-giac-nam-thoi-co-ha-may-bay-dich-vit-co-giac-lai-788107
Zalo