Ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực phát triển (Bài cuối)
Những năm qua, các doanh nghiệp Nhà nước đã thể hiện rõ vai trò chủ đạo trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH) và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Chuẩn bị kết thúc “sứ mệnh”của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), các doanh nghiệp sẽ nỗ lực giữ đà phát triển, sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả, góp phần tạo động lực phát triển của nền kinh tế…
Thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội
19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng. Vốn chủ sở hữu và tài sản được bảo toàn, hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) của nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước được duy trì, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, năm 2024, đã khắc phục tình trạng trước đây nhiều nhiệm vụ chưa được thực hiện đầy đủ hoặc tồn đọng nhiều năm, thể hiện sự bứt phá, chuyển mình qua 12 "đại dự án" làm ăn thua lỗ, trì trệ nay đã có sự hồi sinh, khởi sắc, làm ăn có lãi...
Nhiều công việc được thực hiện tốt như: Giao kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển hằng năm cho doanh nghiệp sớm hơn; công tác quy hoạch cán bộ được làm thống nhất, bài bản hơn; công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước, hoạt động SXKD và đầu tư tại các doanh nghiệp thường xuyên, chặt chẽ hơn, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; sâu sát, kịp thời hơn trong nắm bắt, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp đề chỉ đạo khắc phục hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền những giải pháp xử lý phù hợp; tuân thủ đầy đủ hơn các quy định về chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp, cơ chế giám sát về tài chính đối với các doanh nghiệp; nhiều dự án đầu tư trọng điểm, quan trọng có tác động lớn đến thúc đẩy phát triển KTXH của đất nước đã được tháo gỡ khó khăn vướng mắc đi vào triển khai thực hiện.
Các tập đoàn, tổng công ty đã chú trọng đề cao nguyên tắc tuân thủ pháp luật và bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước, nhất là đối với các dự án đầu tư lớn. Đối với những vấn đề pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa đủ rõ, Ủy ban đã chủ động đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn làm rõ để bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ. Qua đó, tránh những sai phạm, sơ hở trong quá trình thực hiện như trước đây đã từng xảy ra ở một số doanh nghiệp...
Những năm qua, các tập đoàn, tổng công ty có vốn Nhà nước đã phát huy thành tựu trong lĩnh vực bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế bền vững; có nhiều giải pháp chiến lược trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty cũng đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch...
Các hoạt động an sinh xã hội của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu được chú trọng và đóng góp ý nghĩa vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, theo tinh thần của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để "không ai bị bỏ lại phía sau". Trong một bài viết, chúng tôi không thể nêu hết công việc ý nghĩa, rất đáng trân trọng của các tập đoàn, tổng công ty, nhưng điểm qua hoạt động một số đơn vị cho thấy, ngoài sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đã trích một phần tiền lãi để thực hiện công tác an sinh xã hội.
Tiêu biểu như, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), hằng năm đơn vị luôn duy trì đóng góp hàng trăm tỷ đồng, góp phần làm thay đổi những vùng quê nghèo, không những mang lại hạnh phúc cho nhiều cảnh đời bất hạnh mà còn góp phần ổn định KTXH của nhiều địa phương trong cả nước.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, Petrovietnam đã dành 480 tỷ đồng cho hoạt động an sinh xã hội, trong đó kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà "Đại đoàn kết" 95 tỷ đồng; hỗ trợ chương trình giáo dục, đào tạo 227 tỷ đồng; hỗ trợ chương trình y tế 52,3 tỷ đồng; hỗ trợ các tổ chức, quỹ hội 105,7 tỷ đồng.
Gần đây, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại chương trình "Mái ấm cho đồng bào tôi", Petrovietnam đã trao 150 tỷ đồng tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các địa phương trên cả nước. Hiện, tập đoàn đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư (35 căn nhà) tặng bà con thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai bị thiệt hại do bão số 3...
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) luôn chú trọng công tác an sinh xã hội với tinh thần tương thân, tương ái, ý thức trách nhiệm vì sự phát triển cộng đồng. Trong 11 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn đã dành hơn 227 tỷ đồng thực hiện công tác hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục, hỗ trợ các gia đình chính sách, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới... Ngoài ra, Petrolimex còn tổ chức thành công chương trình cấp phát 1.000 bình lọc nước tới các hộ dân thiếu nước sạch tại tỉnh Lào Cai, khẳng định vị thế tiên phong của Petrolimex trong các hoạt động vì khí hậu và cộng đồng khi trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên triển khai chương trình cấp phát thiết bị lọc nước quy mô lớn...
Những điểm sáng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc
Quá trình đi thực tế ghi nhận, phản ánh về những đơn vị điển hình, chúng tôi nhận thấy, nhiều doanh nghiệp đã trở thành đơn vị tiêu biểu được Bộ Công an khen thưởng, là "điểm sáng" trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đảm bảo an ninh trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thành lập các tổ công tác liên ngành thực hiện việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, vi phạm luật lâm nghiệp. Việc này giúp răn đe, ngăn ngừa tái diễn các hành vi vi phạm; đồng thời, tạo môi trường pháp lý nghiêm minh, bảo đảm ANTT tại địa phương. Phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng đường dây "nóng" để kịp thời báo cáo những hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ rừng, lấn chiếm đất đai, khai thác rừng trái phép...
Các đơn vị thuộc Vinafor cũng phối hợp các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ tài nguyên rừng, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào công tác bảo vệ rừng và góp phần đảm bảo ANTT tại địa phương. Vinafor còn có những giải pháp sáng tạo và linh hoạt, đặc biệt trong phối hợp Công an địa phương đảm bảo ANTT trong việc thu hồi lấn chiếm đất, công tác bảo vệ rừng và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất đai, góp phần duy trì trật tự xã hội, bảo vệ môi trường, và thúc đẩy kinh tế địa phương...
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tự hào là đơn vị tiên phong trong việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Bộ Công an như: Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục Kỹ thuật nghiệp vụ và Công an các tỉnh, thành phố trên cả nước đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực viễn thông và an ninh mạng. Để bảo vệ người dùng và tăng cường an ninh thông tin, VNPT và Bộ Công an đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm về bảo mật thông tin. VNPT đã xây dựng hệ thống giám sát an toàn mạng lưới, với khả năng phát hiện sớm và cảnh báo các mối đe dọa bảo mật nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra. Đặc biệt, thông qua việc chia sẻ dữ liệu và phối hợp điều tra; kịp thời hỗ trợ xử lý các vụ việc vi phạm, từ tình trạng lừa đảo trực tuyến đến các hành vi lợi dụng mạng viễn thông để phát tán thông tin sai lệch, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Bộ Công an và Tập đoàn VNPT đã phối hợp, hợp tác trong hoạt động chia sẻ tài nguyên, các cơ sở hạ tầng dùng chung để phát triển hạ tầng số, mang lại lợi ích chung cho hai bên, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, cùng nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian trong công tác phối hợp, hỗ trợ đắc lực cho việc đấu tranh, truy bắt các đối tượng tội phạm, lừa đảo trên không gian mạng... VNPT cũng là một trong những đơn vị tham gia thực hiện kiểm định an toàn thông tin cho hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần quan trọng xây dựng và bảo vệ hệ thống dữ liệu dân cư an toàn...
Tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, doanh nghiệp đã quan tâm chỉ đạo, gắn nhiệm vụ SXKD với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 của Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đảng ủy Tổng Công ty ban hành Chỉ thị, Kế hoạch công tác quân sự, quốc phòng hằng năm và triển khai kế hoạch công tác đến các đơn vị. Ban chỉ huy Quân sự Tổng công ty đã hoàn thành tốt các mục tiêu nhiệm vụ được giao. Thường xuyên tham gia công tác chống khủng bố theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải; ký quy chế phối hợp với Cục An ninh nội địa Bộ Công an; triển khai thực hiện quy chế phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trong việc huy động nhân lực tàu thuyền phục vụ an ninh, quốc phòng…
Theo kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ ban hành ngày 6/12 vừa qua, sẽ kết thúc hoạt động của Ủy ban, chuyển quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hiện đang giao Ủy ban về các bộ quản lý ngành và nghiên cứu mô hình tổ chức trực thuộc Chính phủ... Như vậy, có thể nói, sứ mệnh của Ủy ban sắp kết thúc, nhưng những gì mà 19 tập đoàn, tổng công ty đạt được trong thời gian vừa qua đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển KTXH của đất nước. Kết thúc mô hình Ủy ban nhưng lại mở ra những hướng đi mới cho các ngành, lĩnh vực với kỳ vọng đột phá, vươn mình, phát triển hơn nữa trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...
Phát huy năng lực, trách nhiệm, đóng góp vào phát triển KTXH
Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định tại buổi Tổng kết công tác năm 2024 của Ủy ban (ngày 6/12/204) nêu rõ, 6 năm qua, Ủy ban đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty; khắc phục tình trạng trước đây nhiều nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa được thực hiện đầy đủ hoặc tồn đọng qua nhiều năm. Hầu hết, các tập đoàn, tổng công ty đều hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được Ủy ban giao: Tổng giá trị vốn Nhà nước được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách đều tăng; giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng; một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn. Đồng thời, chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao, gây thua lỗ, thất thoát, lãng phí vốn Nhà nước...
Đồng tình và thống nhất cao chủ trương của Đảng, Chính phủ về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" trong giai đoạn quan trọng phát triển đất nước để bước vào "kỷ nguyên vươn mình", Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh mong muốn, dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, các cán bộ của Ủy ban cũng như các tập đoàn, tổng công ty sẽ luôn nỗ lực cố gắng; phát huy tối đa năng lực, trách nhiệm; vượt qua mọi khó khăn, thách thức; nắm bắt cơ hội, đóng góp vào sự nghiệp phát triển KTXH chung của đất nước…