OCOP Hòa Bình - đánh thức tinh hoa bản địa: Bài 2 - Bệ đỡ chính sách cho những ngôi sao OCOP

"Đằng sau mỗi sản phẩm được gắn sao là cả một hệ thống hỗ trợ vận hành âm thầm: cán bộ kỹ thuật về tận thôn, xóm; chuyên gia đồng hành cùng hợp tác xã; hội chợ kết nối, sàn thương mại điện tử mở đường cho đặc sản nông thôn ra thị trường lớn. OCOP không thể đi xa nếu không có những chính sách đi trước một bước”- đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường khẳng định.

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo cấp hội cơ sở mở các cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, tạo điều kiện để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Ảnh: Cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn huyện Tân Lạc.

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo cấp hội cơ sở mở các cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, tạo điều kiện để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Ảnh: Cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn huyện Tân Lạc.

Rót vốn đúng chỗ, đỡ lưng kịp thời

"Không có vốn thì chẳng thể làm được gì”. Câu nói ấy được nói nhiều lần trong nhiều cuộc trò chuyện với các chủ thể OCOP trong tỉnh, từ người trồng cam ở Cao Phong đến hộ sản xuất thổ cẩm ở Mai Châu. Và tỉnh Hòa Bình đã thấu hiểu điều đó từ rất sớm.

Trong giai đoạn 2018 - 2020 - tức ngay khi bắt đầu triển khai chương trình OCOP, Hòa Bình đã huy động được hơn 47,5 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện. Theo đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, nguồn vốn chủ yếu đến từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngân sách địa phương và lồng ghép từ các đề án phát triển kinh tế - xã hội khác. Không dàn trải, tỉnh chọn cách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm là ưu tiên các sản phẩm có tiềm năng vươn xa, thị trường rộng, gắn với vùng nguyên liệu ổn định, hoặc có yếu tố bản sắc văn hóa đặc trưng.

Để bảo đảm tính bền vững, nhiều chương trình lớn của tỉnh cũng được thiết kế để "cõng” OCOP cùng đi. Trong đó nổi bật là Đề án số 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (năm 2021) về hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản; Đề án số 03-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và Đề án phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025. Nhờ sự lồng ghép này, các chủ thể OCOP không chỉ được hưởng lợi từ chính sách chuyên biệt, mà còn tiếp cận thêm các nguồn lực về hạ tầng, đào tạo, xúc tiến thương mại, hỗ trợ lãi suất, đất đai…

Cơ chế cấp huyện cũng được khuyến khích linh hoạt bố trí ngân sách riêng cho OCOP. Một số huyện như Lương Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi chủ động trích quỹ phát triển nông nghiệp, kinh tế hợp tác để hỗ trợ cải tiến bao bì, in tem nhãn, xây dựng nhà xưởng, kho lạnh… cho các hợp tác xã có sản phẩm OCOP. Có nơi, lãnh đạo huyện trực tiếp làm việc với ngân hàng để tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các chủ thể.

Nhờ dòng vốn được "bơm đúng lúc, đúng chỗ”, nhiều sản phẩm OCOP ở Hòa Bình đã có bước chuyển mình rõ rệt, được đầu tư vùng nguyên liệu ổn định, nâng cấp dây chuyền chế biến, đạt tiêu chuẩn VietGAP, HACCP…

Từ chợ phiên tới sàn số

Không ít sản phẩm OCOP của Hòa Bình khởi đầu từ những gian hàng nhỏ lẻ trong chợ phiên vùng cao. Nhưng OCOP không dừng ở đó. Với mục tiêu đưa đặc sản bản địa từ nếp nghĩ "nhà làm” sang tư duy thị trường, Hòa Bình đã triển khai chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại có chiều sâu - từ hội chợ truyền thống đến thương mại điện tử, từ gian hàng giới thiệu sản phẩm đến cửa ngõ xuất khẩu.

Ngay từ những năm đầu thực hiện OCOP, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chủ trì tổ chức nhiều đoàn kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm tại các tỉnh Tây Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La… Không dừng ở việc "mang đi giới thiệu”, Hòa Bình còn đăng cai tổ chức các hội chợ OCOP quy mô khu vực, tạo cơ hội để các sản phẩm đặc sản "chào sân” ngay trên quê nhà. Các phiên chợ vùng cao, hội chợ nông nghiệp thường niên tại thành phố Hòa Bình thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, ký kết hợp đồng tiêu thụ, mở rộng hệ thống phân phối qua các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.

Khi Covid-19 bùng phát, thay vì chờ đợi hội chợ, tỉnh đã chuyển hướng mạnh sang xúc tiến thương mại trên nền tảng số. Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, trực thuộc Sở Công Thương đã đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee, Sendo. "Tính đến cuối năm 2024, khoảng 3.000 sản phẩm nông sản và OCOP Hòa Bình đã được đưa lên sàn, trong đó có gần 300 sản phẩm OCOP lên Voso, góp phần tiêu thụ hơn 1.300 tấn nông sản các loại. Một số sản phẩm đã có đơn hàng đi Mỹ, Nhật, EU - điều chưa từng có trước thời OCOP”, đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin.

Đằng sau những cú "chuyển làn” thị trường đó là sự vào cuộc thầm lặng của nhiều cấp, ngành. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh làm đầu mối kết nối với doanh nghiệp thương mại điện tử; cán bộ kỹ thuật hỗ trợ từng hộ dân tạo gian hàng, chụp ảnh sản phẩm, viết mô tả, gắn mã QR… Các chủ thể OCOP - từ hợp tác xã đến hộ gia đình dần hình thành tư duy mới: bán sản phẩm không chỉ là ra chợ, mà là hiện diện ở bất cứ đâu có khách hàng.

Tuy nhiên, biến tư duy đó thành hiện thực lại là hành trình không dễ dàng. Nhiều sản phẩm chất lượng vẫn "kẹt” ở khâu phân phối: thiếu điểm bán, thiếu nhận diện, thiếu niềm tin từ thị trường. Hiểu rõ điều đó, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng chiến lược đưa OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, bắt đầu từ hệ thống trưng bày, điểm giới thiệu và cách làm thương hiệu gắn với bản sắc vùng miền.

Hội Nông dân tỉnh một lần nữa nhập cuộc. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 15 cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện và thành phố, trưng bày, tiêu thụ sản phẩm OCOP cùng nông sản đặc sản địa phương. Nhiều huyện như Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy còn bố trí các điểm bán OCOP lưu động tại chợ phiên, khu du lịch cộng đồng, lễ hội truyền thống… Không chỉ là kênh tiêu thụ, đây còn là "mặt tiền” để sản phẩm OCOP hiện diện trong đời sống hàng ngày, tăng khả năng nhận diện trong cộng đồng.

Đồng chí Bùi Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Bên cạnh kênh phân phối, địa phương đặc biệt chú trọng truyền thông thương hiệu OCOP. Các chủ thể được hỗ trợ thiết kế logo, bao bì chuyên nghiệp, hoàn thiện hồ sơ truy xuất nguồn gốc, in mã QR và tem nhãn chống giả. Các sản phẩm được gắn sao đều phải tuân thủ bộ nhận diện chung của chương trình OCOP quốc gia, nhưng vẫn giữ được dấu ấn riêng của vùng đất sản xuất. Một số sản phẩm còn được hỗ trợ chi phí tham gia quảng bá trên báo chí, website tỉnh, fanpage thương hiệu nông sản Hòa Bình...

Cùng với bệ đỡ chính sách, thương hiệu OCOP Hòa Bình ngày một lan tỏa. Không chỉ là hàng hóa có chất lượng, OCOP trở thành sản phẩm mang hồn quê, mang bản sắc của đồng bào Mường, Thái, Dao… được giữ gìn và nâng tầm bằng chính bàn tay người dân địa phương.

(Còn nữa)

Hải Yến

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/200841/ocop-hoa-binh-danh-thuc-tinh-hoa-ban-dia-bai-2-be-do-chinh-sach-cho-nhung-ngoi-sao-ocop.htm
Zalo