Ốc vòi voi Mỹ hết đường sang Trung Quốc
Ốc vòi voi Mỹ vốn được ưa chuộng tại Trung Quốc, nhưng nay không thể nhập khẩu do mức thuế lên đến 125%.

Ốc vòi voi là một "xa xỉ phẩm" được ưa chuộng tại Trung Quốc. Ảnh: Kevin Tao/Flickr.
Từ hơn 20 năm qua, thợ lặn Joshua George Suquamish đã đắm mình xuống làn nước xanh ngọc của biển Salish, thuộc Tây Bắc nước Mỹ, để tìm ốc vòi voi - loại thủy sản được săn đón cách đó hàng nghìn km ở Trung Quốc.
Tuy nhiên gần đây, ngành khai thác ốc vòi voi đã đã bị tê liệt hoàn toàn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, theo AP.
Ốc vòi voi phải "chịu trận"
Những năm qua, ốc vòi voi trở thành đặc sản được giới sành ăn Trung Quốc ưa chuộng. Khoảng 90% sản lượng từ tiểu bang Washington được xuất khẩu sang thị trường này, tạo nên một ngành hàng giá trị hàng chục triệu USD mỗi năm.
Trước khi căng thẳng thương mại leo thang, giá ốc vòi voi tại các nhà hàng Trung Quốc có thể lên đến 100 USD/kg, tương đương hơn 2,3 triệu đồng. Ở Mỹ, người dân thường ăn sống như sashimi, còn người tiêu dùng Trung Quốc thích dùng trong các món xào hoặc lẩu. Đây là món ăn chỉ xuất hiện trong những dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán hay tiệc chiêu đãi đối tác kinh doanh.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc và bị trả đũa. Đến nay, khi trở lại Nhà Trắng, ông tiếp tục áp thuế 145% với hàng Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cũng áp thuế đến 125% lên hải sản Mỹ, trong đó có ốc vòi voi.
"Đây là lần đầu tiên trong 24 năm tôi không biết liệu mình có được đi làm lại không, hay phải đổi nghề hoàn toàn", Joshua George chia sẻ.
Không giống các mặt hàng có thể lưu trữ, ốc vòi voi cực kỳ nhạy cảm. Chúng phải được chuyển đến nhà hàng trong vòng vài giờ sau khi thu hoạch, đóng gói và lên máy bay ngay trong ngày. Điều này khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng tức thì khi thị trường đầu ra biến mất.
"Cả thị trường buộc phải dừng lại. Chúng tôi nhận hàng loạt cuộc gọi hủy đơn từ Trung Quốc", Jim Boure, Tổng giám đốc Suquamish Seafoods, cho biết.
Mỗi năm, hàng nghìn tấn ốc vòi voi được Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, chủ yếu từ hai nguồn là khai thác tự nhiên tại các vùng đáy biển và ốc nuôi từ các trang trại.
Đến cuối tháng 4, thợ lặn ở bang Washington mới chỉ thu hoạch được một nửa sản lượng kỳ vọng từ các khu vực đáy biển địa phương quản lý, theo Blain Reeves - Trưởng Bộ phận tài nguyên thủy sinh tại Cơ quan quản lý Tài nguyên Thiên nhiên bang. Chính quyền không thống kê lượng ốc vòi voi thu hoạch bởi các nông trại tư nhân.

Nhiều công ty Mỹ "trắng" đơn hàng mua ốc vòi voi từ Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock.
Dù không còn đơn hàng nào, Suquamish Seafoods vẫn phải duy trì hoạt động để sẵn sàng khi thị trường hồi phục.
"Chúng tôi yêu công việc này. Nhờ đi lặn từ sáng sớm, tôi được nhìn các con lớn lên mỗi ngày", George chia sẻ.
Đồng nghiệp của George, thợ lặn Kyle Purser, cũng nói anh rất gắn bó với nghề, nhưng giờ đây đang sống trong cảm giác bị cướp đi sinh kế.
"Khi nhìn tiền bạc 'đội nón ra đi', phải lo miếng ăn cho cả gia đình mà không biết bao giờ mới có lương trở lại, đó là một áp lực rất lớn", anh chia sẻ.
"Ngư ông đắc lợi" Canada
Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ ốc vòi voi tại Trung Quốc đã giảm nhẹ từ sau đại dịch Covid-19 do nền kinh tế phục hồi chậm. Các mức thuế mới càng khiến tình hình thêm bi đát với các nhà xuất khẩu Mỹ, trong khi lại vô tình giúp đối thủ Canada hưởng lợi.
Hiện ốc vòi voi Canada chỉ bị Trung Quốc áp thuế 25%, thấp hơn nhiều so với mức 125% với hàng Mỹ. Điều này khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc gần như chuyển hết đơn hàng sang Canada.
Hai khu vực chính có ốc vòi voi tự nhiên là bang Washington của Mỹ và tỉnh British Columbia của Canada. Cả hai đều có điều kiện khai thác nghiêm ngặt, đòi hỏi thợ lặn chuyên nghiệp, có thể đào sâu nhiều mét dưới đáy biển để tìm ốc.
"Họ (người tiêu dùng Trung Quốc - PV) thích hương vị mặn mà như biển cả. Đây là món hàng đắt giá, tượng trưng cho sự sang trọng", James Austin, Chủ tịch Hiệp hội Khai thác dưới nước Canada chia sẻ.
Austin ước tính Canada sẽ thu hoạch gần 1.250 tấn ốc vòi voi năm nay, mang về khoảng 60 triệu CAD, tương đương hơn 43 triệu USD.
Nhu cầu không cao như trước do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại nhưng vẫn duy trì ổn định. Canada hiện là nước xuất khẩu hàng đầu mặt hàng này cho Trung Quốc. Lợi thế này giúp họ thương lượng mức giá cao hơn.
"Chúng tôi hiện không có đối thủ cạnh tranh nào", Austin khẳng định.
Yang Bin - đại diện công ty nhập khẩu thủy sản Beihai Huaxiashougang (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) - cho biết: "Chúng tôi không còn nhập ốc vòi voi từ Mỹ. Mức thuế cao khiến giá không ổn định, trong khi chúng tôi có thể mua từ nơi khác rẻ hơn".