Oanh liệt trận đánh cầu Rạch Chiếc, góp phần vào chiến thắng 30/4 lịch sử
Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, ông Nguyễn Đức Thọ, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Z.23, Lữ đoàn 316, lặng lẽ trở lại dòng Rạch Chiếc. Nơi này, 50 năm trước, máu của hơn 50 đồng đội của ông đã nhuộm đỏ dòng nước trong trận đánh sinh tử giữ cầu Rạch Chiếc - cửa ngõ phía đông Sài Gòn. Giữa âm vang chiến thắng 30/4, ký ức về những đêm lặn ngụp dưới mưa bom, bão đạn vẫn hiện về như mới hôm qua…

Ông Nguyễn Đức Thọ, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Z.23, Lữ đoàn 316.
Ông Nguyễn Đức Thọ kể: "Ngay từ sau chiến thắng Buôn Ma Thuột tháng 3/1975, 2 đại đội đặc công nước đã được tập hợp, nhận lệnh vào nam. Các chiến sĩ gấp rút hành quân dọc đường Trường Sơn; có đoạn được ngồi trên xe ô-tô cho nên cơ động khá nhanh; nhiều đoạn phải đi bộ. Tất cả đều mang trên vai một balô chừng 30 đến 40 cân bao gồm quân trang và vũ khí, những khí cụ chuyên dụng...".
Vào đến Phước Long mới là đoạn đường gian khổ nhất. Cả đội phải tự lần tìm hướng đi bằng la bàn né tránh các căn cứ địch, khẩn trương hành quân suốt đêm, bí mật không được hé lộ là lính đặc công nước.
Cung đường từ Phước Long xuống Lộc Ninh, về hướng Bà Rịa, qua Long Thành, xuống Nhơn Trạch, vào đồng bưng Thủ Đức phía đông nam Sài Gòn, lặn lội mất gần một tháng trời mới tới, nhưng các chiến sĩ đơn vị Z23 đã có mặt đầy đủ quân số, đúng hẹn.
Từ đây, đơn vị đặc công nước được bổ sung vào Lữ đoàn 316 Đặc công-Biệt động Sài Gòn mới được thành lập, chiến đấu dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Chính ủy Lữ đoàn và đồng chí Nguyễn Thanh Tùng (Mười Cơ), Lữ đoàn trưởng.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) cho biết: Nhiệm vụ được giao cho Tiểu đoàn Z.23 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là “Chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc, cửa ngõ Sài Gòn”. Đây là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn nhất của Lữ đoàn 316. Lực lượng địch canh giữ cầu Rạch Chiếc khi đó rất đông. Muốn tiếp cận mục tiêu, chiến sĩ ta phải hành quân bí mật, không còn cách nào khác ngoài việc lặn ngụp dưới dòng nước. Các chiến sĩ ngậm ống thở, đội những lùm cỏ, lục bình để bơi dưới nước cùng với vũ khí rất nặng: Súng AK, hộp tiếp đạn, 16 quả thủ pháo, 2 quả lựu đạn; có những đồng chí còn mang theo B40, B41 cùng với 10 trái đạn.
Để vào tới vị trí, các chiến sĩ phải lội qua nhiều đồng bưng (vùng đất trũng, thấp, thường xuyên bị ngập nước), bơi qua nhiều rạch nước sâu, lúc triều cường nước chảy xiết. Mặc dù vậy, tất cả vẫn đến đúng vị trí ém quân.
3 giờ 15 phút đêm 27/4/1975, giữa đêm tối, bất ngờ, các chiến sĩ như những mũi tên bay từ mặt nước lao lên cầu. Các mũi xung phong xông lên. Quân địch bị bất ngờ, hoảng loạn nhưng ngay sau đó chúng kịp chống trả. Hai bên giao tranh rất dữ dội. Sau một tiếng đồng hồ, quân địch yếu thế, tháo chạy. Quân ta đã chiếm hoàn toàn cầu Rạch Chiếc.
Các chiến sĩ đặc công bám chặt vị trí, giữ cầu. Trên bầu trời, máy bay địch bắt đầu xuất hiện, hòng ném bom phá các cầu Đồng Nai, Rạch Chiếc, Sài Gòn -nhằm cắt tuyến cửa ngõ vào nội thành, ngăn bước tiến của các quân đoàn chủ lực cùng xe tăng của quân Giải phóng đang trùng trùng tiến về.
Pháo hạng nặng từ các căn cứ địch, từ các tàu chiến dưới sông bắn lên tới tấp. Pháo phòng không của ta lập tức nhả đạn, đón bắn máy bay địch, quyết không để chúng thả bom trúng mục tiêu. Tiếng nổ rung chuyển cả vùng trời đất. Xen lẫn trong hỗn loạn, có cả những chiếc máy bay địch tháo chạy từ Tân Sơn Nhất, cất cánh bay ra phía biển; có chiếc trúng đạn, bốc cháy rực sáng trên bầu trời đêm.
Đến 8 giờ sáng 28/4/1975, các lực lượng địch từ nhiều hướng bắt đầu phản công mãnh liệt. Máy bay không kích từ trên không, tàu chiến dưới sông với hỏa lực pháo binh mạnh bắn lên, trong khi bộ binh, thiết giáp và pháo binh địch từ hai phía đồng loạt ập vào, quyết chiếm lại cầu Rạch Chiếc. Quân ta cố giữ cầu, nhưng chưa có lực lượng chủ lực kịp thời đến tiếp ứng. Lực lượng mỏng, nguy cơ bị tiêu diệt rất lớn.
Trận chiến nảy lửa, kiên cường giữa những chiến sĩ đặc công với quân địch kéo dài suốt hơn 5 giờ đồng hồ. Các chiến sĩ quyết tâm bám trụ tại các vị trí chiến đấu trên và quanh cầu, chống trả quyết liệt từng đợt tấn công.
Đến hơn 15 giờ chiều, sau khi lượng định tình hình không thể giữ vững được nữa, chỉ huy buộc phải ra lệnh rút khỏi cầu. Máu các anh đã đổ xuống cầu Rạch Chiếc - nơi nhiều chiến sĩ đã ngã xuống, để bảo vệ con đường tiến vào trung tâm Sài Gòn trong những giờ phút quyết định của chiến dịch lịch sử.

Ông Nguyễn Đức Thọ bên dòng Rạch Chiếc ngày nay. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
16 giờ chiều 28/4/1975, địch tạm chiếm lại cầu Rạch Chiếc. Những chiến sĩ còn sống buộc phải lặn xuống sông, rút lui vài trăm mét, cố thủ trên bờ rạch. Lữ đoàn 316 kịp thời tăng cường lực lượng, chi viện cho đại đội đặc công nước. Khi đêm vừa xuống, ta nhanh chóng củng cố đội hình, bổ sung vũ khí, chuẩn bị tấn công cầu lần thứ hai. 23 giờ đêm 28/4, các chiến sĩ bí mật bơi áp sát, chiếm lĩnh vị trí, sẵn sàng nổ súng. Trận đánh lần này, lợi thế nghiêng về phía địch.
Từ trên cầu, liên thanh địch liên tục nhả đạn xuống mặt nước - nơi các chiến sĩ đặc công của ta đang lặng lẽ áp sát. Dưới làn đạn xối xả, quân ta vẫn quyết tử xông lên, giao chiến ác liệt. Nhưng hỏa lực địch quá mạnh, áp đảo toàn tuyến. Trận đánh cầu lần thứ hai không thành. Hơn 50 chiến sĩ đặc công đã ngã xuống trong đêm lịch sử ấy, những người lính cảm tử quyết giành giật từng mét cầu, mở đường cho đại quân tiến vào Sài Gòn.
Đêm 29/4/1975, Đoàn đặc công thuộc Lữ đoàn 316 nhận mệnh lệnh: Bằng mọi giá phải chiếm lại cầu Rạch Chiếc. Rút kinh nghiệm từ trận đánh trước, thay vì mở cuộc tấn công lúc 23 giờ đêm như hôm qua, chỉ huy và các chiến sĩ quyết định thay đổi chiến thuật, ém quân dưới mặt nước, giữ im lặng tuyệt đối.
3 giờ 30 phút rạng sáng 30/4, từ dưới sông, đặc công ta đồng loạt nổ súng, tấn công chớp nhoáng, đánh thốc lên cầu. Quân địch lúc này đã rệu rã, không còn sức kháng cự. Lớp bị tiêu diệt, lớp tháo chạy trong hỗn loạn.
5 giờ 30 phút sáng, cầu Rạch Chiếc hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của ta. Không gian lặng đi sau những giờ phút nghẹt thở. Và rồi, đúng 7 giờ 30 phút, cầu Rạch Chiếc cùng những chiến sĩ đặc công cảm tử đón chiếc xe tăng đi đầu của quân Giải phóng ầm ầm lao qua cầu, thừa thắng xông lên, tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn.
Giữa cờ bay rợp trời, đoàn xe tăng của Quân đoàn 2 hùng dũng vượt qua cầu Rạch Chiếc, tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc chiến tranh.
Cây cầu Rạch Chiếc hôm ấy không chỉ nối hai bờ rạch nước, mà còn bắc qua bao mất mát, đau thương để đưa dân tộc đến ngày toàn thắng. Mỗi năm, vào dịp 30/4 lịch sử, các cựu chiến binh đều trở lại nơi này tổ chức ngày giỗ trận, tưởng nhớ hơn 50 đồng đội đã anh dũng ngã xuống. Dòng Rạch Chiếc vẫn trôi lặng lẽ, mang theo câu chuyện về những người con đã nằm lại - cho Tổ quốc được hồi sinh trong hòa bình!