Trên quê hương chị Sứ anh hùng
Nơi đây từng diễn ra những trận đánh kéo dài nhiều ngày đêm giữa ta với địch và nữ anh hùng Phan Thị Ràng đã hiên ngang hy sinh trong một trận đánh như thế
Những ngày cuối tháng 4, tôi trở lại vùng đất anh hùng huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang để ôn lại câu chuyện bi hùng của người nữ anh hùng Phan Thị Ràng, một nhân vật lịch sử có thật được nhà văn Anh Đức tái hiện qua chân dung chị Sứ trong tác phẩm văn học nổi tiếng "Hòn Đất".
Đau thương và hào hùng
Dưới chân tượng đài ở trung tâm Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh Ba Hòn (xã Thổ Sơn, huyện Hòn Ðất) có một ngôi mộ lớn bằng đá, trên bia mộ có ảnh một cô gái mặc áo dài, tóc buộc gọn, cùng dòng chữ "Liệt sĩ Phan Thị Ràng, sinh năm 1937, quê xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, hy sinh ngày 9-1-1962".
Hình ảnh ấy làm tôi liên tưởng đến những dòng nhà văn Anh Ðức viết trong tiểu thuyết "Hòn Ðất": "Kìa, chị đang khẽ mỉm cười và lặng lẽ. Kia, khuôn mặt trái xoan thon thả của chị đang mở to đôi mắt đẹp đẽ chân thật. Kia là mái tóc óng mượt mà cả Hòn Ðất ai cũng lấy làm hãnh diện".
Mộ chị Ràng nằm ngay dưới chân Hang Hòn, hướng ra con lộ có ngôi chợ Thổ Sơn khá sầm uất. Nhìn vào cảnh vật ấy, khó có thể hình dung được nơi đây từng là bình địa trắng, bị giặc cày nát với hàng ngàn hố bom san sát. Một trong những hố bom lớn nhất nằm giữa khuôn viên khu di tích, nay đã được tu sửa thành hồ hoa sen. Sau lưng mộ chị là 37 bậc thang để đi lên Hang Hòn, nơi lưu giữ ký ức những năm tháng đau thương và hào hùng của quân dân Thổ Sơn. Đôi bên là hai tấm bảng dài tựa lưng vào núi, khắc ghi tên gần 1.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc tại Hang Hòn.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang viếng mộ và tượng đài liệt sĩ Phan Thị Ràng trong Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh Ba Hòn
Là nơi tiếp giáp giữa biển và đất liền, thiên nhiên đã kiến tạo cho Hang Hòn hệ thống hàng trăm hang, hầm ăn thông với nhau tạo thành thế phòng thủ lý tưởng cho những trận đánh không cân sức trong cuộc chiến chống Mỹ. Nơi đây từng diễn ra những trận đánh kéo dài nhiều ngày đêm giữa ta với địch và người nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh như thế.
Ngay trên xứ sở của nữ anh hùng Phan Thị Ràng, người ta hiểu chị Ràng chính là chị Sứ trong tác phẩm văn học "Hòn Đất" và chị Sứ là nhân vật trong đời thực. Cũng trên đường đi, tôi ngang qua một ngôi trường mang tên Phan Thị Ràng, bên dưới vẫn mở ngoặc ghi thêm dòng chữ nhỏ: "Chị Sứ". Hoặc trong nhà tưởng niệm Khu di tích lịch sử - thắng cảnh Ba Hòn, dưới ảnh thờ liệt sĩ Phan Thị Ràng cũng có thêm dòng ghi chú giản dị: "Chị Sứ"!
Một lòng trung kiên với cách mạng
Còn vào thời điểm chị tham gia cách mạng với bí danh Tư Phùng, người dân xứ này cũng không nhiều người biết tên thật của chị là Phan Thị Ràng. Chị sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Cha chị bị địch tra tấn đến chết khi chị còn rất nhỏ. Mẹ chị tảo tần nuôi dạy 5 người con. Từng ngày chị lớn lên chứng kiến cảnh quê hương chìm trong khói lửa đạn bom, mối thù cha bị giặc giết, chị quyết tâm đi theo lý tưởng cách mạng khi mới 13 tuổi. Nhà chị trở thành trạm liên lạc của Công binh xưởng tỉnh Long Châu Hà, nhận vũ khí của các đơn vị trong tỉnh đem sửa, chị còn phụ giúp chở vũ khí, đi mua lúa từ Nam Thái Sơn về xay xát cung cấp cho Công binh xưởng…
Ngày 20-12-1994, chị Phan Thị Ràng được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Trong quá trình công tác tình báo, trinh sát, chị được cấp trên đánh giá cao, được đồng đội tin yêu, bà con quý mến người nữ cán bộ có mái tóc đen mượt, hay chải phồng lên ở phía trước.
Sau hiệp định đình chiến, tình hình vùng giải phóng vô cùng hỗn loạn, lực lượng giáo phái truy bắt những người tham gia kháng chiến, giết người cướp của, làm tiền... gia đình chị Ràng liên tục lẩn tránh khắp nơi, đến đâu cũng bị lộ.
Năm 1960, toàn miền Nam đồng khởi, chị được Huyện ủy Hòn Đất giao phụ trách thanh niên đi phá lộ, đắp cản và bao vây đồn bót giặc. Thời gian này, chị cùng lãnh đạo huy động dân đấu tranh với địch chống bắn pháo bừa bãi và buộc tỉnh trưởng chấp nhận yêu sách bồi thường cho gia đình nạn nhân. Chị còn tích cực vận động quần chúng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, dự trữ lương thực, vận động thanh niên nhập ngũ và tổ chức chiến đấu.
Tháng 1-1962, địch tập trung hơn 2.000 quân đánh vào vùng căn cứ cách mạng ở Ba Hòn (Hòn Đất - Hòn Me - Hòn Sóc). Cuộc chiến đấu giữa quân giải phóng và địch vô cùng ác liệt. Chị Ràng vừa liên lạc giữa các đơn vị trong khu căn cứ, vừa tổ chức vận động nhân dân đấu tranh chính trị, binh vận… phối hợp với các hoạt động quân sự tấn công địch.
Đêm 8 rạng ngày 9-1-1962, trên đường đi làm nhiệm vụ, chị bị địch bắt. Từ mua chuộc, dụ dỗ đến dùng mọi cực hình tra tấn dã man nhưng chị vẫn kiên quyết không khai nửa lời, một lòng trung kiên với cách mạng, tin tưởng thắng lợi thuộc về nhân dân, tiếp tục tuyên truyền, vận động binh lính địch và tìm cách thông báo cho đồng chí, đồng bào những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù.
Địch lồng lộn, tức tối giết chị hết sức tàn bạo.
Chị Phan Thị Ràng hy sinh khi vừa mới bước sang tuổi 25, là Huyện ủy viên huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự hy sinh và tấm gương sáng ngời của chị đã truyền thêm sức mạnh và lòng căm thù giặc sâu sắc cho các lực lượng vũ trang và nhân dân vùng Ba Hòn quyết tâm đánh địch, bảo vệ quê hương đi đến ngày toàn thắng.