Ở phía mặt trời lên
Tết đến, xuân về là dịp để mọi nhà, mọi người đoàn viên, thế nhưng nơi đảo tiền tiêu Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) vẫn luôn có những người chiến sĩ Biên phòng canh giữ cho đất liền được vui xuân yên bình.
Con tàu của Hải Đội 2, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị, sau khi cất lên một hồi còi dài đã cập vào âu đảo để chúng tôi đến với Cồn Cỏ khi ngày Tết nguyên đán Ất Tỵ-2025 đang chạm vào từng con sóng biển và trên những búp xanh của loài cây bàng vuông.
Trung tá Lê Thái Bình- Chính trị viên Đồn Biên phòng Cồn Cỏ cũng có mặt trên chuyến tàu ra đảo ngày áp Tết. Gần 30 năm mang trên vai áo mình đôi quân hàm màu xanh, hết xuống biển lại lên rừng, với sự dạn dày kinh nghiệm trong đời binh nghiệp thì việc đón cái Tết cổ truyền nơi đảo xa cũng sẽ chẳng làm anh bồi hồi như bao chàng lính trẻ tuổi mười chín, đôi mươi nhưng nỗi nhớ khi xa gia đình, người thân buổi Tết đến, xuân về cũng làm anh có đôi chút xuyến xao. Anh chia sẻ "Những người chiến sĩ Biên phòng chỉ thật sự yên tâm hoàn thành nhiệm vụ khi chủ quyền biển đảo được giữ vững. Ngày Tết nhớ quê hương, đất liền, người thân là lẽ tự nhiên, bất kỳ ai cũng vậy thôi, từ người lính già hay anh chiến sĩ trẻ thì chẳng ai là không có một chút xao lòng ngày đầu xuân phải xa gia đình, nhưng tất cả đều gác lại bởi tất cả những người lính Biên phòng dẫu trong điều kiện, hoàn cảnh nào luôn đặt nhiệm vụ giữ sự bình yên, vững chắc chủ quyền biển đảo lên hàng đầu".
Anh lính trẻ, Binh nhất Nguyễn Văn Minh, 19 tuổi ở Phường 3, thành phố Đông Hà mới nhập ngũ hồi tháng 3-2024, về công tác ở đội Vũ Trang Đồn Biên phòng Cồn Cỏ thì đây là lần đầu tiên Minh đón Tết cùng đồng đội nơi hòn đảo tiền tiêu Tổ quốc. Minh được những người đàn anh nhập ngũ trước dạy gói bánh chưng. Cậu lính trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố đầy đủ các loại dịch vụ nên cứ lóng nga, lóng ngóng trong từng động tác, nhưng cuối cùng Minh cũng gói xong chiếc bánh chưng đầu tay, tuy không vuông vức song "đủ tiêu chí" chưng bàn thờ Tổ quốc. "Đây là cái Tết đầu tiên xa gia đình, bố mẹ, người thân. Nhớ đất liền lắm nhưng cũng rất đỗi tự hào", Minh chia sẻ.
So với sự náo nức, nhộn nhịp ở đất liền thì không khí đón Xuân trên đảo Cồn Cỏ có phần yên ả, giản dị hơn, nhưng lại thắm thiết tình cảm quân dân. Anh Võ Văn Sáng cùng vợ là chị Phan Thị Mỹ cùng con trai Võ Văn Đức ra đảo từ năm 2017 Tết này quyết định cùng ở lại vui xuân nơi đảo nhỏ. Anh Sáng cho biết "Tết trên đảo bây giờ cũng đủ đầy chẳng kém gì trong đất liền. Gia đình tôi cũng đã chuẩn bị khá đầy đủ bánh, mứt, hoa.... để vui tết cùng mọi người trên đảo, tôi tin rằng Tết năm nay đảo Cồn Cỏ sẽ rất vui".
Cồn Cỏ đang đón chào một mùa xuân mới nơi phía "mặt trời lên" xa ngàn con sóng nhưng Cồn Cỏ vẫn ấm nồng tình cảm từ đất liền gửi tặng. Những ngày áp Tết, mặc dù điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi, song đảo nhỏ mỗi ngày vẫn có nhiều đoàn khách từ đất liền ra thăm và tặng quà xuân. Bao tình cảm ấm nồng từ đất liền là động lực để chính quyền địa phương cùng các lực lượng vũ trang, nhân dân trên đảo có thêm nguồn năng lượng để yên tâm bám biển, canh trời, bảo vệ sự bình yên vùng biển thiêng liêng. Vẫn từ lời chia sẻ của Trung tá Lê Thái Bình: "Điều đó đã làm ngắn khoảng cách đón xuân giữa người dân đất liền với đảo tiền tiêu của Tổ quốc".
Tạm biệt Cồn Cỏ thân yêu, chúng tôi trở lại đất liền, trên chuyến tàu rời đảo hôm nay có thêm Đại úy Phùng Hải Trường- Đội trưởng Vũ Trang, Đồn Biên phòng Cồn Cỏ được cấp trên cho về vui Tết cùng gia đình ở thành phố Đông Hà. Con tàu đã nhổ neo, hướng mũi vào bờ, nơi đất liền đang chờ đợi, thế nhưng Trường vẫn hướng đôi mắt nhìn lên đơn vị với nét mặt trầm tư lưu luyến. Giọng Trường trầm xuống "Lính đảo tình nghĩa lắm anh ạ, được về vui Tết cùng gia đình nhưng lòng vẫn hướng về đơn vị, về đảo xa. Về quê, chắc em sẽ thường xuyên liên lạc với đơn vị trong những ngày Tết để vơi đi nỗi nhớ đồng chí, đồng đội của mình nơi đảo xa".
Tết cổ truyền Ất Tỵ-2025 đang đến, ở giữa trùng dương tít tắp ấy, những người chiến sĩ Biên phòng đang cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân trên hòn đảo tiền tiêu Cồn Cỏ vững vàng tay súng canh giữ chủ quyền biển đảo cho đất liền đón xuân yên bình.