Ở nơi ứng xử văn minh công cộng
Từ khi được chọn thực hiện mô hình điểm về ứng xử văn minh công cộng, tình làng, nghĩa xóm tại các thôn Đồng Xá Nam và Ngọc Hòa ở Hải Dương đã chuyển biến tích cực, gắn bó hơn xưa.
Ấm áp tình làng, nghĩa xóm
Dẫn chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Minh là hộ cận nghèo, chị Lưu Thị Tân, Trưởng thôn Đồng Xá Nam (xã Đồng Cẩm, Kim Thành) cho biết hoàn cảnh của ông Minh rất khó khăn. Vợ ông mất sớm, hai người con hiện sinh sống ở miền Nam nhưng cũng nghèo túng nên không giúp được bố. Bão số 3 vừa qua đã làm bay mất mái nhà của ông.
Trước hoàn cảnh đó, các tổ chức đoàn thể trong thôn, trong xã chung tay giúp đỡ ông làm lại mái nhà để ông yên tâm sống những tháng ngày tuổi già. Xúc động trước tình yêu thương, đùm bọc của làng xóm, ông Minh nói: “Nếu không có sự giúp đỡ này, tôi rất khó làm lại mái nhà bởi quá sức của tôi. Tôi thấy tình làng, nghĩa xóm thật đáng trân quý”.
Trước đây, việc hỗ trợ, đùm bọc hoàn cảnh khó khăn ở Đồng Xá Nam đã được chú trọng nhưng chưa đi vào chiều sâu. Từ khi thực hiện mô hình điểm về ứng xử văn minh nơi công cộng, các hoạt động hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn nói riêng và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn xã được quan tâm, thực hiện bài bản hơn.
Thôn đã thành lập mô hình “Mái ấm tình thương”, “Tết nhân ái” để hỗ trợ, giúp đỡ người khó khăn. Việc hỗ trợ được thực hiện thường xuyên chứ không rời rạc như trước đây, đồng thời các thành viên của mô hình này cũng đến từng nhà nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng gia đình để hỗ trợ phù hợp. “Các mô hình này hoạt động hiệu quả, người dân trong thôn rất tích cực tham gia ủng hộ cả về vật chất và tinh thần”, chị Tân nói.
Từ khi triển khai mô hình ứng xử văn minh nơi công cộng, quan hệ làng xóm, cách ứng xử của người dân ở thôn Ngọc Hòa (xã Vĩnh Hòa, Ninh Giang) thay đổi rất nhiều. Ông Nguyễn Trọng Giao, Trưởng thôn Ngọc Hòa cho biết trước đây thỉnh thoảng trong thôn xảy ra mâu thuẫn giữa người dân với nhau, chuyện nhỏ nhặt thôi nhưng mọi người cũng to tiếng. Thế nhưng gần đây, tình trạng này đã được khắc phục.
Từ đầu năm đến nay, tại thôn chỉ xảy ra 1 vụ tranh chấp về làm rãnh thoát nước nhưng khi được cán bộ thôn tuyên truyền, giải thích, các bên đã hiểu và vui vẻ với nhau. “Chúng tôi cảm nhận mọi người cư xử văn minh, lịch sự hơn trước, chú ý đến lời ăn, tiếng nói của mình. Tình cảm xóm làng vì thế cũng được bồi đắp thắm thiết hơn”, ông Giao nói.
Là tiêu chí bình xét gia đình văn hóa
Do là mô hình điểm nên khi bắt tay vào thực hiện, 2 thôn cũng gặp những khó khăn nhất định. Đó là việc người dân chưa hiểu các tiêu chí ứng xử văn minh nơi công cộng gồm những gì, thực hiện như thế nào. Để khắc phục điều này, mỗi địa phương lại có những cách làm phù hợp.
Ông Nguyễn Trọng Giao cho biết địa phương coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân. Ngoài việc treo pa nô, áp phích có nội dung về ứng xử văn minh nơi công cộng tại khu vực nhà văn hóa thôn, đình, chùa, cổng chợ, thì còn tuyên truyền trong các cuộc giao ban, họp chi bộ, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể các nội dung, việc cần làm về ứng xử văn minh nơi công cộng.
Với thôn Đồng Xá Nam, cán bộ thôn đi đến từng nhà ký cam kết với các hộ dân thực hiện quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng. Thông qua việc ký cam kết này cũng tuyên truyền đến từng hộ dân các nội dung, tiêu chí ứng xử văn minh nơi công cộng. Ông Vũ Quang Nguyên, một người dân Đồng Xá Nam cho biết: “Chúng tôi đều đồng thuận thực hiện các nội dung trong bản cam kết. Tôi thấy việc thực hiện này không khó mà mang lại lợi ích cho bản thân cũng như cộng đồng dân cư”.
Ở cả 2 thôn đều đưa kết quả ứng xử văn minh nơi công cộng vào là tiêu chí bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” và đạt được những kết quả cao hơn so với năm trước. Ở Đồng Xá Nam, tỷ lệ gia đình văn hóa năm nay đạt 97%, tăng 1,9% so với năm trước. Còn ở thôn Ngọc Hòa, tỷ lệ này là 96,11%, tăng 0,81% và có 24 gia đình được công nhận danh hiệu “Ông bà mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”, tăng 3 gia đình so với năm trước. Ở những nơi này, cảnh quan môi trường sạch sẽ, phong trào luyện tập thể dục, thể thao phát triển mạnh mẽ. Các câu lạc bộ thể thao, bóng chuyền, dân vũ thu hút đông đảo người dân, không kể lứa tuổi tham gia.
Đánh giá về phong trào này, nhiều người dân và lãnh đạo 2 thôn đều khẳng định có những biến chuyển tích cực, người dân cư xử với nhau văn minh, lịch sự hơn. Những mẫu thuẫn lớn được biến thành nhỏ, nhỏ được dung hòa thành không có. Mong muốn của người dân và cán bộ thôn ở những nơi này là phong trào được lan tỏa rộng thêm nữa để có thêm nhiều mô hình ứng xử văn minh công cộng.