Nút báo động, drone, lính bắn tỉa bảo vệ bầu cử Mỹ
Mỹ đang áp dụng nhiều biện pháp tinh vi, phức tạp chưa từng có để củng cố các địa điểm liên quan bầu cử tổng thống ngày 5/11, bao gồm bố trí các tay súng bắn tỉa trên nóc nhà để bảo vệ trụ sở kiểm phiếu quan trọng, nút báo động khẩn cấp cho nhân viên bầu cử, máy bay không người lái (drone) giám sát từ trên cao…
Giới phân tích cho rằng, các biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhằm bảo vệ cử tri, nhưng cũng cho thấy tác động sâu rộng từ việc cựu Tổng thống Donald Trump phủ nhận kết quả bỏ phiếu trong lần bầu cử trước.
Các kế hoạch an ninh chưa từng có
Các kế hoạch an ninh chưa từng có được thiết kế để chống lại bạo lực và những kịch bản ác mộng khác vào Ngày Bầu cử (5/11) cũng như thời kỳ hậu bầu cử. Các cơ quan thực thi pháp luật đã bố trí nhiều lực lượng ứng phó khẩn cấp và tăng cường tuần tra trên đường phố.
Ít nhất hai bang, Nevada và Washington, đã huy động Lực lượng Vệ binh Quốc gia trong trường hợp xảy ra bất ổn. Thư ký bang Arizona, người chịu trách nhiệm xác nhận kết quả bỏ phiếu toàn bang, cho biết ông mặc áo chống đạn để đề phòng bị tấn công. Tại Arizona, các khóa cửa ở một số tòa nhà đã được nâng cấp và hệ thống camera giám sát được tăng cường.
Ở Georgia, một trong những bang chiến trường năm nay, hàng rào an ninh đã được dựng lên xung quanh trụ sở cơ quan lập pháp.
Ở nhiều bang, hàng trăm văn phòng bầu cử đã được củng cố bằng kính chống đạn, cửa thép và thiết bị giám sát. Một số địa phương đã phân phát nút báo động khẩn cấp đeo trên dây đeo cổ cho nhân viên phụ trách từng điểm bỏ phiếu. Một số nơi khác chuẩn bị bộ đồ chống nhiễm độc và Narcan (thuốc giải độc cho quá liều opioid) để đối phó những loại bột khả nghi có thể đến qua thư, như đã xảy ra trong những năm gần đây.
Khi một gói hàng được gửi đến Ủy ban Bầu cử quận Wake, bang Bắc Carolina vào cuối tháng 10, trông có vẻ nặng hơn mức bình thường, các quan chức đã lập tức đánh giá xem họ có đang đối mặt mối đe dọa hay không. Tuy nhiên, bên trong gói hàng đó là một hộp bánh quy và lá thư cảm ơn.
Các nhà phân tích chính trị và các nhóm ủng hộ dân chủ đưa ra hai kết luận chính về kế hoạch an ninh chưa từng có này. Một là, người Mỹ nên tin tưởng vứng chắc rằng việc bỏ phiếu là an toàn và hệ thống sẽ hoạt động nhờ các biện pháp bảo vệ bổ sung sau hậu quả hỗn loạn từ nỗ lực của ông Trump nhằm lật ngược thất bại vào năm 2020. Hai là, đây không nên là điều bình thường.
Các nhà phân tích cho rằng, mối đe dọa lớn nhất đến từ phong trào phủ nhận bầu cử cánh hữu nổi lên vào năm 2020 khi ông Trump từ chối chấp nhận thất bại của mình trước đối thủ Joe Biden.
Sự thúc đẩy các thuyết âm mưu liên quan đến bầu cử của ông Trump đã thu hút hàng nghìn người xuống đường trong các cuộc biểu tình “Stop the Steal” (Chặn đứng gian lận), lên đến đỉnh điểm là cuộc tấn công vào Tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 6/1/2021 nhằm ủng hộ mục tiêu của ông là ngăn chặn Quốc hội xác nhận kết quả bầu cử Tổng thống.
Những năm sau đó, phong trào phủ nhận kết quả bầu cử đã chuyển từ bên lề sang cốt lõi của đảng Cộng hòa, phát triển thành một lực lượng mạnh ủng hộ ông Trump, sẵn sàng phủ nhận thất bại từ trước.
Ứng viên Trump không cam kết chấp nhận kết quả bầu cử năm nay và tuyên bố rằng, đảng Dân chủ sẽ gian lận để đưa đối thủ của ông, Phó Tổng thống Kamala Harris, lên nắm quyền. Ứng viên Harris cam kết bầu cử tự do và công bằng cũng như chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Tập trung giai đoạn hậu bầu cử
Phần lớn công tác chuẩn bị an ninh tập trung vào giai đoạn hậu bầu cử, khi việc kiểm phiếu sẽ tiếp tục ở một số bang, đặc biệt là Arizona và Pennsylvania. Hơn 20 bang đã sẵn sàng gửi lực lượng Vệ binh quốc gia đến thủ đô Washington trong những tuần sau bầu cử và trước lễ nhậm chức nếu được yêu cầu.
Các điểm bỏ phiếu và kiểm phiếu đã được tăng cường an ninh trước ngày bầu cử 5/11. Lực lượng chức năng triển khai chó nghiệp vụ đánh hơi bom và súng, lắp đặt máy dò kim loại, trang bị nút báo động, bố trí lính bắn tỉa trên nóc nhà để bảo vệ nhân viên bầu cử và cử tri.
Sự không chắc chắn của kết quả, cùng với một lượng lớn thông tin sai lệch dự kiến xuất hiện trên mạng xã hội trong những ngày sau bầu cử, có thể kích động bất ổn và thúc đẩy các hoạt động nhằm phá vỡ quy trình.
Một địa điểm tiêu biểu cho sự chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là quận Maricopa, nơi có đông đảo cử tri Arizona. Tòa nhà kiểm phiếu ở trung tâm thành phố Phoenix được bảo vệ như một pháo đài và nhân viên theo dõi mạng xã hội theo thời gian thực để báo cáo về các vấn đề. Trong khi đó, giám sát bằng drone sẽ giúp cơ quan thực thi pháp luật phát hiện các mối đe dọa tiềm ẩn từ sớm, từ xa.
Quận Maricopa là trung tâm của các nỗ lực của ông Trump và đồng minh sau cuộc bầu cử năm 2020 nhằm ngăn chặn việc kiểm phiếu, với hàng trăm người ủng hộ ông biểu tình bên ngoài trung tâm kiểm phiếu của quận khi các lá phiếu vẫn đang được đếm.
Cảnh sát trưởng quận Maricopa, Russ Skinner, huy động tới 200 nhân viên (so với tối đa 50 người trong các đợt bầu cử trước năm 2020) để làm việc suốt ngày đêm trong suốt đợt bầu cử, giám sát các điểm bỏ phiếu và hộp bỏ phiếu ngoài trời. Quận có kế hoạch bố trí các tay súng bắn tỉa trên mái nhà.
Đến nay, các sự cố liên quan bầu cử chủ yếu là rời rạc, ngẫu nhiên, không phải là các cuộc tấn công lớn có tổ chức. Nhiều hộp bỏ phiếu đã bị đốt cháy ở bang Washington và bang Oregon, nhưng giới chức đã cứu được hầu hết các lá phiếu bị hư hỏng hoặc đã liên hệ thành công với cử tri để họ bỏ phiếu lại.
Một nhân viên bầu cử ở thành phố San Antonio, bang Texas bị đấm vào mặt sau khi yêu cầu một cử tri tháo mũ MAGA (Make American Great Again - Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại) theo luật cấm khẩu hiệu chính trị trong các điểm bỏ phiếu.