Nuôi thú cưng, ăn rau sống, nhiều người ngỡ ngàng phát hiện nhiễm ký sinh trùng

Từ thói quen hằng ngày, ăn rau sống, ăn gỏi, chăm sóc thú cưng... mà nhiều người nhập viện trong tình trạng áp xe gan do nhiễm ký sinh trùng.

Áp xe gan vì nhiễm ký sinh trùng

Chàng trai trẻ H.N.Q (20 tuổi), nhập viện với triệu chứng đau bụng âm ỉ kéo dài ở vùng hạ sườn phải và bác sĩ nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng. Khi nhập viện, bệnh nhân không có biểu hiện sốt, nhưng kết quả siêu âm gan cho thấy có nhiều khối áp xe gan rải rác, trong đó khối áp xe lớn nhất có kích thước lên đến 30mm.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ đang khám cho 1 bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng do thói quen ăn rau sống (Ảnh: K.T).

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ đang khám cho 1 bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng do thói quen ăn rau sống (Ảnh: K.T).

Xét nghiệm máu cho thấy số lượng bạch cầu tăng cao, đặc biệt là bạch cầu ưa axít. Bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm ký sinh trùng và tiến hành xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán để tìm kháng thể kháng giun sán.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với ba loại ký sinh trùng, bao gồm sán lá gan lớn (Fasciola hepatica), sán dây chó (Toxocara canis) và giun lươn (Strongyloides stercoralis).

Dựa trên kết quả này, Q được chẩn đoán bệnh áp xe gan do nhiễm ký sinh trùng và được chỉ định phác đồ điều trị đặc hiệu theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Dự kiến, quá trình điều trị sẽ kéo dài từ 2-3 tuần.

Q cho biết, mình vốn có sức khỏe ổn định, thỉnh thoảng có ăn rau sống và không ăn gỏi cá. Q không có thói quen tẩy giun sán định kỳ, điều này có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng bệnh lý hiện tại.

Cũng điều trị tại đây, ông N.V.T (54 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) nhập viện với triệu chứng đau bụng âm ỉ ở vùng hạ sườn phải. Khi khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết thi thoảng có ăn gỏi sống. Sau khi thăm khám và siêu âm gan, bác sĩ phát hiện nhiều ổ áp xe gan rải rác, trong đó ổ lớn nhất có kích thước 38 x 26mm. Kết quả xét nghiệm huyết thanh cho thấy ông T dương tính với sán lá gan lớn và giun đũa chó mèo (Toxocara spp.).

Xét nghiệm bạch cầu cho thấy mức độ bạch cầu ưa axít của bệnh nhân tăng nhẹ. Bệnh nhân được chẩn đoán áp xe gan do nhiễm ký sinh trùng và đã được chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Sau một thời gian điều trị, tình trạng của ông T đã ổn định và các triệu chứng lâm sàng đã giảm hẳn.

Còn bà N.L (65 tuổi, ở Quảng Ninh) đang được điều trị tại đây cũng phát hiện nhiễm ký sinh trùng do chăm sóc thú cưng. Bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm và có kết quả dương tính với sán lá gan lớn (Fasciola hepatica) và giun đũa chó mèo (Toxocara spp).

Nguy hiểm tính mạng nếu không điều trị sớm

BSCKII Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Virus, Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết: "Khai thác bệnh sử của cả hai bệnh nhân cho thấy rằng môi trường sống và thói quen sinh hoạt, ăn uống có vai trò quan trọng trong việc lây nhiễm bệnh. Ở đây có rất nhiều yếu tố khác nhau, từ điều kiện sống, thói quen sinh hoạt và ăn uống, đến môi trường sống của con người. Các tác nhân gây bệnh cũng rất đa dạng, bao gồm vi khuẩn, ký sinh trùng và các yếu tố môi trường như độ ẩm, mưa. Mỗi yếu tố đều có tác động riêng biệt".

"Đối với hai bệnh nhân trên, các ổ áp xe đều có kích thước lớn nhất lên đến 38 x 26mm, rải rác trong gan. Nếu không được điều trị kịp thời, các ổ áp xe này có thể gây ra hàng loạt hậu quả nguy hiểm như: Nhiễm trùng bội nhiễm, nhiễm trùng ổ bụng nếu áp xe vỡ vào ổ bụng; nhiễm trùng huyết nếu vi khuẩn từ ổ áp xe lan vào máu; suy gan, suy đa cơ quan nếu tổn thương gan nghiêm trọng và kéo dài", BS Hưng nhấn mạnh.

Để phòng tránh nhiễm ký sinh trùng, BS Hưng khuyến cáo, người dân cần chú ý đến việc ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn và đặc biệt hạn chế ăn đồ sống như rau sống, gỏi cá sống, thịt chua... nếu có sử dụng rau sống thì phải rửa thật kỹ bằng nước sạch và rửa dưới vòi nước. Ngoài ra, việc tẩy giun sán định kỳ mỗi 6 tháng/lần là rất quan trọng để giảm nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Đặc biệt việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, như rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với đất. Đối với các gia đình nuôi chó, mèo, cần tẩy giun định kỳ cho vật nuôi để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nuoi-thu-cung-an-rau-song-nhieu-nguoi-ngo-ngang-phat-hien-nhiem-ky-sinh-trung-192250220144957686.htm
Zalo