'Nuôi lợn bằng chè xanh' tại Thái Nguyên
Việc triển khai mô hình nuôi lợn bằng chè xanh tại Thái Nguyên đã giúp lợn nhanh lớn, tăng sức đề kháng và chất lượng thịt thơm ngon. Không chỉ vậy, từ mô hình 'nuôi lợn bằng chè xanh' được xem như một bài học kinh nghiệm độc đáo trong việc 'nâng tầm' cho nông sản tại Việt Nam.
Bài 1: Độc đáo mô hình "nuôi lợn bằng chè xanh"
Nuôi lợn bằng nguyên liệu đặc biệt
Nằm tách biệt trên một khu đồi cao, khu trang trại của bà Nguyễn Thị Liễu (xóm Đức Hòa, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên) luôn được giám sát bằng camera 24/24h mỗi ngày. Đây là một trong những trang trại đầu tiên được lựa chọn để triển khai đề tài "Nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên".
Đề tài chính thức được triển khai từ tháng 6/2023, do Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên, Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) nghiên cứu, thực hiện.
Trước khi thực hiện, các nhà khoa học đã đi khảo sát thực tế quy mô chuồng trại của các hộ chăn nuôi, đảm bảo tiêu chuẩn. Cùng với đó, các chủ trang trại tham gia dự án cũng được hướng dẫn kỹ thuật bổ sung lượng bột chè xanh theo đúng tỷ lệ, kỹ thuật ủ lên men nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
Bắt đầu từ tháng 12/2023, tổng đàn lợn nuôi thí điểm gồm 36 con giống lợn trắng và 36 con giống lợn đen bản địa. Mỗi đàn chia thành 4 ô chuồng, gồm 1 chuồng nuôi truyền thống đối chứng, 3 chuồng còn lại có sử dụng thức ăn bổ sung bột chè xanh tỷ lệ 1%, 3% và 5%.
“Tôi quyết định lựa chọn mô hình này bởi vì thấy rằng đây là hướng đi rất tiềm năng. Thứ nhất là những hộ chăn nuôi hiện nay đều mong muốn có một cái sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Thứ hai, nếu mình xây dựng được một sản phẩm có thương hiệu rồi thì sẽ ổn định được giá cả, ổn định được đầu ra để yên tâm chăn nuôi, sản xuất”, bà Nguyễn Thị Liễu chia sẻ.
Cũng theo bà Liễu, từ khi áp dụng mô hình này đã thấy rõ sự khác biệt. Lợn không chỉ khỏe mạnh hơn mà còn cho chất lượng thịt tốt hơn. Việc sử dụng chè xanh giúp chuồng trại giảm mùi hôi thối và môi trường sạch hơn rất nhiều.
Tương tự, bà Dương Thị Bích - HTX chăn nuôi xanh (Tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn, TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) cũng đang tiến hành nuôi thử nghiệm với 30 con lợn bằng bột chè xanh.
“Dù thời tiết thay đổi, đàn lợn vẫn khỏe mạnh, tiêu hóa tốt. Việc phối trộn thức ăn cũng đơn giản, chỉ cần thêm bột chè xanh vào khẩu phần hàng ngày theo đúng công thức đã được hướng dẫn của các cán bộ”, bà Dương Thị Bích cho biết.
Kết quả ban đầu của nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung bột chè xanh vào thức ăn của lợn đã có tác động tích cực đến chất lượng thịt lợn. Thức ăn cho lợn đều là thực phẩm tự nhiên (cám gạo, cám ngô, đậu tương, khoáng - vitamin tổng hợp…) ủ men vi sinh kết hợp với bột chè xanh.
Đặc biệt, so với phương pháp thông thường, nhóm lợn được nuôi bổ sung chè xanh có khả năng miễn dịch cao hơn, giảm các bệnh thông thường trong đường tiêu hóa và cho chất lượng thịt ngon hơn và có thể có mức giá bán cao gấp 2-3 lần giá lợn thông thường.
Bên cạnh đó, lợn thí nghiệm được nuôi trên nền đệm lót có bổ sung men vi sinh nên nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ, không phải tắm cho lợn, giúp giảm mùi hôi trong chuồng nuôi và môi trường xung quanh.
Kết quả đầy triển vọng
Tiến sĩ Nguyễn Thu Quyên – Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên (Thành viên nhóm thực hiện đề tài) cho biết, chè xanh không chỉ tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp mà còn là giải pháp giảm thiểu kháng sinh trong chăn nuôi. Trong quá trình thử nghiệm, những đàn lợn mà được ăn bổ sung bột chè xanh vào trong thức ăn sẽ tăng sức đề kháng, tiêu hóa tốt, ít bệnh tật rõ rệt so với những đàn lợn không được ăn bột chè xanh.
Theo TS Quyên, qua nghiên cứu thấy rằng với mức bổ sung 3% bột chè vào thức ăn chăn nuôi thì đã có tác động rất tốt đến đàn lợn. Việc bổ sung cho ăn chè xanh cũng làm cho con lợn lớn lên, tăng về khối lượng nhưng đồng thời cũng cải thiện rất tốt thành phần dinh dưỡng trong chất lượng thịt.
“Với xu hướng hiện nay, tình trạng làm dụng kháng sinh trong chăn nuôi đang rất báo động nên việc sử dụng bột chè xanh vào thức ăn cho lợn cũng là một trong những biện pháp để chúng ta giảm thiểu tối đa việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi”, Tiến sĩ Nguyễn Thu Quyên chia sẻ.
“Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng với mức bổ sung 3% bột chè xanh vào thức ăn chăn nuôi lợn thì sẽ có tác dụng rất tốt và tăng giá trị dinh dưỡng trong thịt lợn thành phẩm”.
- Tiến sĩ Nguyễn Thu Quyên
Trước đây, trên thế giới tại một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc… đã nghiên cứu thử nghiệm sử dụng lá chè xanh để nuôi lợn thịt đều mang đến những kết quả tích cực có hàm lượng khoa học và đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Chè xanh được biết đến là một sản phẩm tự nhiên có chứa: catechin, cafein, Theanine, saponin, vitamin, khoáng và chất diệp lục. Catechin từ lâu được gọi là tannin. Có bốn loại catechin chính được tìm thấy trong lá chè: Epicatechin, epigallocatechin, epicatechin gallate và epigallocatechin gallate. Catechin rất dễ bị oxy hóa.
Trong chè xanh, do quá trình sản xuất chè thô nên hầu hết các catechin vẫn giữ nguyên. Catechin có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu, chống oxy hóa, kháng khuẩn. Trong lá chè xanh còn có chứa các axit amin là thành phần trong trà góp phần tạo nên hương vị độc đáo, đậm đà của chè. Trong số các axit amin này, hơn 60% là theanine, chỉ có ở chè.
Theanine đã cho thấy các đặc tính giúp giảm huyết áp cao và bảo vệ các tế bào của hệ thần kinh trung ương. Saponin có đặc tính chống nấm, chống viêm và chống dị ứng và đã được chứng minh là làm giảm huyết áp, ngăn ngừa béo phì và cúm.
Tại Việt Nam, cũng có một số tổ chức đã áp dụng phương thức nuôi lợn hữu cơ có sử dụng lá chè xanh trong khẩu phần cho lợn thịt và đã có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên đó chỉ là những thử nghiệm tự phát chưa có nghiên cứu khoa học.
Nhằm kết hợp các thế mạnh ngành nông nghiệp của địa phương, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo triển khai cho nghiên cứu việc chăn nuôi lợn bằng thức ăn tự nhiên có bổ sung thêm nguyên liệu chè xanh.
Trên cơ sở tận dụng các nguyên liệu sẵn có của địa phương, bổ sung lá chè xanh vào khẩu phần ăn cho lợn thịt, nâng cao chất lượng thịt lợn, cũng như hướng tới xây dựng mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ gắn với thương hiệu đặc trưng của người dân Thái Nguyên.