Nuôi gà tuần hoàn bằng sâu canxi
Gia đình ông Lưu Văn Đức, bà Lê Thị Hương (Thôn 10, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh) đang nuôi gà Minh Dư, một giống gà cổ truyền thịt chắc, trọng lượng lớn. Ông Lưu Văn Đức cho biết, gà Minh Dư của gia đình được nuôi theo mô hình kín, trong chuồng có phủ trấu. Gà Minh Dư ăn rất dễ; cám, rau, bắp hạt, chuối quả, chuối thân… gà đều ăn và hấp thụ tốt.

Ông Lưu Văn Đức nuôi gà tuần hoàn trên sàn trấu
Là giống gà có ưu thế lớn nhanh, khi mới mua về, gà chỉ đạt một ngày tuổi. Sau khi “úm gà”, nuôi gà trong chuồng hẹp có thắp đèn từ 10 - 15 ngày tùy thời tiết, ông bà có thể cho gà ra nuôi trực tiếp trên sàn phủ trấu. Ngoài các thức ăn bình thường, ông Đức còn cho gà ăn thêm một loại thức ăn đặc biệt, đó là những con sâu canxi, ấu trùng của ruồi lính đen. Ông Lưu Văn Đức chia sẻ: “Nuôi ruồi lính đen cũng đơn giản, thu được rất nhiều sâu canxi cho gà ăn thêm. Ăn sâu canxi thì gà khỏe, thịt thơm. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cho gà ăn sâu mà phải có giới hạn. Như gia đình tôi, cho gà ăn thêm sâu khoảng hai tới ba bữa một tuần. Lượng canxi này bổ sung rất tốt cho bầy gà, giúp gà lớn rất nhanh”.
Theo ông Lưu Văn Đức, nuôi sâu canxi cũng khá đơn giản, chỉ cần những thức ăn, vật phẩm dư thừa trong bữa ăn của gia đình. Ruồi lính cha mẹ được nuôi trong mùng kín, sau đó sẽ sinh ra trứng, nở thành ấu trùng. Trong quá trình phát triển, giai đoạn ấu trùng đạt trọng lượng lớn và rất thích hợp để nuôi gia cầm như gà. Ở giai đoạn này, ấu trùng tiêu thụ một lượng lớn thức ăn, trong đó có cả phân gà. Ngoài ra, Ông Lưu Văn Đức còn sử dụng men khử trùng EM để phun vào lớp trấu, giảm mùi trong chuồng gà. Men khử mùi giúp phân hủy nhanh lượng chất thải của gà, giữ chuồng sạch sẽ, không có mùi, không ẩm thấp, gà ấm, không bị bệnh phổi. Sau một thời gian chăn nuôi, khi bầy gà đến tuổi xuất chuồng thì lượng trấu cũng có thể sử dụng để bón cho cây trồng hoặc tiếp tục ủ thêm cho hoai mục, sử dụng như một loại phân hữu cơ hiệu quả. Gia đình ông Lưu Văn Đức, bà Lê Thị Hương là một trong các nông hộ tham gia Mô hình Nuôi gà tuần hoàn ứng dụng ấu trùng ruồi lính đen của huyện Di Linh.
Bà Nguyễn Thị Kim Yến, cán bộ Trung tâm Nông nghiệp Di Linh cho biết, là huyện thuần nông, chăn nuôi cũng là một hướng phát triển sản xuất của người nông dân. Gà là vật nuôi truyền thống, tuy nhiên, người nông dân cũng chịu nhiều áp lực từ chăn nuôi như: Giá cám cao, gà hay bị bệnh, giá cả thị trường lên - xuống, chất thải gây mùi, ô nhiễm môi trường sống. Với mục tiêu hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi bền vững, khắc phục nguồn chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu vào, Trung tâm Nông nghiệp Di Linh đã thực hiện Mô hình Nuôi gà tuần hoàn ứng dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho gà và xử lý chất thải của gia cầm, hướng dẫn nông hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, quy trình chăn nuôi hướng tới nông nghiệp tuần hoàn. “Trung tâm đã hỗ trợ thực hiện 7 mô hình nuôi gà thả vườn tuần hoàn, quy mô một mô hình là 500 con với kinh phí nhà nước hỗ trợ gần 58% và hộ dân đóng góp 42%. Tổng số lượng 3.500 con gà đã trao tận chuồng 7 nông hộ tại các xã Hòa Ninh, Đinh Trang Hòa, Liên Đầm, Bảo Thuận và Gia Hiệp. Cán bộ kỹ thuật cũng tới hướng dẫn, tập huấn, đào tạo bà con rất chu đáo về kỹ thuật nuôi ruồi lính đen, sử dụng ruồi xử lý phân gia cầm cũng như thức ăn thừa”, bà Kim Yến cho biết.
Được biết, sau 3 tháng thả nuôi, cả 7 nông hộ tham gia đều đánh giá mô hình rất thành công. Người nông dân bắt đầu làm quen với việc nuôi ruồi lính đen, sử dụng sâu canxi cho gà ăn đồng thời cho sâu ăn chất thải từ gà, rau, cỏ, trái cây…, giúp giải quyết một lượng lớn chất thải hữu cơ. Lượng chất thải này, sau khi sâu tiêu hóa, sẽ cho ra lượng phân hữu cơ không mùi, tơi xốp, có thể bón rất tốt cho cây trồng. Sau 90 ngày thả nuôi, tỷ lệ sống của gà cao 92%, trọng lượng gà bình quân 2,45 kg/con, là trọng lượng đạt chuẩn rất tốt. Đặc biệt, do bổ dung sâu canxi có hàm lượng dinh dưỡng cao, gà rất khỏe, thịt giòn.
Bà Nguyễn Thị Kim Yến nhấn mạnh: “Điều quan trọng là chúng tôi đã hướng dẫn và bắt đầu xây dựng được ý thức tiết kiệm đầu vào cho người nông dân. Xưa nay bà con vẫn quen với việc xem giá bán nhưng thực tế, tiết kiệm đầu vào cũng góp phần lớn vào gia tăng thu nhập cho nông hộ. Nuôi ruồi lính đen vừa giảm mùi, bảo vệ môi trường, vừa giảm chi phí thức ăn cho gà, nhiều nông hộ đã nhận thấy hiệu quả của chăn nuôi tuần hoàn”. Cũng theo bà Yến, chăn nuôi ruồi lính đen để xử lý chất thải gia cầm, gia súc, có nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia cầm, cá đang là hướng phát triển bền vững cho nhiều nông hộ vùng sâu, được ngành Nông nghiệp ủng hộ và đồng hành cùng phổ biến rộng rãi.