Nuôi dưỡng những ước mơ

Không chỉ là đòn bẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…, tín dụng chính sách xã hội còn góp phần hiện thực hóa những giấc mơ chinh phục tri thức, lập thân, lập nghiệp của các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; giúp họ trở thành những công dân có ích, quay trở về xây dựng quê hương.

Từ "hơi ấm" chính sách

Chỉ thị số 40 ra đời, đi vào cuộc sống và đã mang lại cho người nghèo nhiều cơ hội đổi đời. Hơi ấm của Chỉ thị lan tỏa sâu rộng tới từng thôn, bản, buôn làng, gõ cửa từng hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách; giúp bà con có điều kiện hiện thực hóa khát khao thay đổi cuộc đời.

Bác sĩ H’Yên Niê - Trưởng trạm y tế xã Krông Jing, huyện M’Drăk, tỉnh Đắk Lắk trưởng thành từ nguồn vốn NHCSXH. Ảnh: Đức Kiên

Bác sĩ H’Yên Niê - Trưởng trạm y tế xã Krông Jing, huyện M’Drăk, tỉnh Đắk Lắk trưởng thành từ nguồn vốn NHCSXH. Ảnh: Đức Kiên

Nhớ lại năm 2009, khi nhận được giấy báo đỗ đại học y khoa, cô gái trẻ H’Yên Niê - hiện là bác sĩ, Trưởng trạm Y tế xã Krông Jing, huyện M’Drăk, tỉnh Đắk Lắk rất lo lắng vì lúc đó bản thân H’Yên Niê và gia đình rất nghèo, không đủ tiền để đóng học phí. Nhưng vào thời điểm đó, chương trình tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã giúp cô gái người dân tộc Êđê này biến ước mơ thành hiện thực.

"Thực sự lúc đó bản thân tôi và cả gia đình chỉ nghĩ về cùng một hướng là phải tìm cách để đi học. Với tôi, được đi học đại học, trở thành bác sĩ là ước mơ lớn, cháy bỏng đã ấp ủ từ lâu. Và thật may mắn, lúc đấy, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên do NHCSXH thực hiện với mức lãi suất cho vay rất thấp, điều kiện vay thuận lợi… nên tôi có cơ hội thực hiện ước mơ. Sau khi tốt nghiệp và được về công tác tại chính địa phương của mình, tôi thực sự hạnh phúc với những gì mà mình đã được học, rồi áp dụng vào chăm sóc sức khỏe cho người dân" - Bác sĩ H’Yên Niê, Trưởng Trạm Y tế xã Krông Jing trải lòng.

Đến bây giờ, bà Trần Thị Giang ở xóm 2, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn vẫn không quên cảm giác vừa mừng, vừa lo khi cầm trên tay tờ giấy báo trúng tuyển đại học của con trai đầu lòng. Nỗi lo của bà Giang được giải tỏa khi đồng vốn chính sách "gõ cửa" gia đình bà.

Bà Trần Thị Giang chia sẻ, "con đỗ đại học tôi vui lắm nhưng cũng thật tủi bởi không biết lấy tiền đâu cho con đi học khi một mình đang phải nuôi 4 đứa con ăn học. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào 2 mẫu ruộng và nghề thuốc nam gia truyền. Thương mẹ, con tôi bảo để cháu bảo lưu kết quả, đi làm thêm phụ giúp mẹ nuôi các em trước, rồi đi học sau nhưng tôi thương con, không nỡ. Biết được hoàn cảnh của gia đình, đại diện cấp ủy, chính quyền xã, các tổ chức đoàn thể đã đến vận động cho cháu đi học và hỗ trợ mọi thủ tục để tôi được vay vốn chương trình học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ NHCSXH…".

Đến những công dân có ích

Bí thư Đảng ủy xã Krong Jing, huyện M’Drăk, tỉnh Đắk Lắk, Y Lốc Niê tâm sự, xã Krông Jin là một xã đặc biệt khó khăn, dân cư đông, hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Đồng bào sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng việc chăm sóc sức khỏe luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Đặc biệt, nhờ sự vận động tuyên truyền của các y, bác sĩ Trạm Y tế xã, bà con có ý thức chăm lo, bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em.

"Nhân đây, thay mặt Đảng ủy xã, tôi cảm ơn NHCSXH - bằng cách triển khai các chương trình tín dụng chính sách, Ngân hàng đã giúp cho đồng bào khó khăn có vốn phát triển kinh tế, có kinh phí chi trả cho con em học tập và giúp chúng tôi hoàn thành nhiều mục tiêu trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn nhân văn đã xây dựng nên những công dân có ích và Bác sĩ H’Yên Niê là một trong số đó - đã trưởng thành từ Chương trình cho vay Học sinh, sinh viên!" - Bí thư Y Lốc Niê khẳng định.

Chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã Krong Jing, huyện M’Drăk, tỉnh Đắk Lắk, Y Lốc Niê cũng là tâm sự của Bí thư Đảng ủy xã Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình Hoàng Văn Thắng khi nói về nguồn vốn học sinh sinh viên.

Ông Hoàng Văn Thắng cho biết, 4 năm sau ngày nhận vốn hỗ trợ của NHCSXH đi học, con trai bà Giang đã có tấm bằng kỹ sư trong tay; được tuyển vào một Công ty cơ khí với mức lương cao và trở thành trụ cột của gia đình nuôi các em đang theo học đại học và THPT.

"Chúng tôi rất mừng vì ngoài các chương trình cho vay hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, NHCSXH đã thiết kế những chương trình cho vay rất thiết thực; tạo nhiều cơ hội cho người yếu thế có điều kiện phát triển, khẳng định bản thân. Hơn thế, các chương trình của NHCSXH còn giúp chúng tôi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Huyện ủy đã đề ra" - ông Hoàng Văn Thắng nói.

Trên hành trình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, không thiếu những tấm gương vượt lên số phận, khắc phục mọi khó khăn trở ngại. Nhiều người trong số họ đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, người quản lý và cả những tỷ phú… Nhưng đáng quý hơn, khi thành công, quay trở về địa phương họ lại là những người có nhiều đóng góp xây dựng quê hương và tiếp tục truyền lửa, gieo niềm tin, hy vọng cho những mảnh đời yếu thế!

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/nuoi-duong-nhung-uoc-mo-i384046/
Zalo