Nuôi dưỡng nền văn hóa đổi mới sáng tạo toàn dân trong kỷ nguyên số
Việt Nam không chỉ phát triển KH&CN, mà còn nuôi dưỡng một nền văn hóa đổi mới sáng tạo toàn dân. Khơi dậy tinh thần sáng tạo toàn dân trong kỷ nguyên số, mở rộng đổi mới sáng tạo ra ngoài phòng thí nghiệm tới doanh nghiệp, trường học, công sở, cộng đồng và địa phương.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025 - Ảnh: VGP/TG
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh thông điệp trên tại Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025, diễn ra chiều 21/4.
Phát biểu tại Lễ hưởng ứng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Sáng tạo và đổi mới không chỉ dành riêng cho giới khoa học, nghiên cứu, mà cho toàn dân, mọi lĩnh vực, mọi quốc gia".
Với Việt Nam, Ngày Sáng tạo và Đổi mới 21/4 không chỉ là ngày của nhà khoa học hay doanh nghiệp công nghệ, mà là ngày để tôn vinh tư duy sáng tạo của mọi người trong mọi ngành, mọi lĩnh vực (nông dân cải tiến máy móc nông nghiệp, học sinh tạo ra sản phẩm học tập), khuyến khích tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới" trong toàn xã hội, kết nối sáng tạo và đổi mới với phát triển bền vững.
Theo Bộ trưởng, các nước đi sau buộc phải nhảy cóc công nghệ. Tiếp thu công nghệ sẵn có, rồi cải tiến, tái tạo, ứng dụng sáng tạo theo ngữ cảnh địa phương. Đổi mới sáng tạo cho phép sáng tạo trong điều kiện hạn chế, rất phù hợp với bối cảnh của các nước đang phát triển.
Chi cho KH&CN của các nước đang phát triển thấp, nên cần lấy đổi mới sáng tạo làm đòn bẩy. Nếu chỉ dựa vào KH&CN hàn lâm, các nước đang phát triển sẽ không theo kịp các nước phát triển. Đổi mới sáng tạo cho phép tận dụng thành tựu nghiên cứu phát triển từ nơi khác, rồi cộng với đổi mới mô hình, tổ chức, nội địa hóa sản phẩm.
"Đổi mới sáng tạo không cần đầu tư các phòng lab, mà cần tư duy đổi mới và văn hóa đổi mới. Đây chính là con đường khả thi hơn cho các nước chưa đủ tiềm lực nghiên cứu sâu nhưng có năng lực tổ chức, thích nghi và sáng tạo xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thăm khu triển lãm Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025 tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - Ảnh: VGP/TG
Theo Bộ trưởng, Bộ Chính trị đã giao Bộ KH&CN viết đề án Quốc gia khởi nghiệp, nội dung chính của đề án là hình thành tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn dân, đưa đổi mới sáng tạo trở thành lối sống, phong cách sống của mọi người dân, mọi tổ chức. Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khuyến khích khám phá, khoan dung thất bại.
Muốn sáng tạo và đổi mới có thể trở thành toàn dân thì phải chuyển đổi số toàn diện, số hóa toàn bộ thế giới thực, đưa mọi hoạt động lên môi trường số. Môi trường số là môi trường lý tưởng cho mọi ý tưởng có thể hiện thực hóa nhanh nhất, vì nó phi vật lý, phi khoảng cách và phi tiếp xúc. Đổi mới sáng tạo Việt Nam phải đặt trong ngữ cảnh chuyển đổi số quốc gia.
"Việt Nam không chỉ phát triển KH&CN, mà còn nuôi dưỡng một nền văn hóa đổi mới sáng tạo toàn dân. Khơi dậy tinh thần sáng tạo toàn dân trong kỷ nguyên số, mở rộng đổi mới sáng tạo ra ngoài phòng thí nghiệm tới doanh nghiệp, trường học, công sở, cộng đồng và địa phương. Mỗi năm đến dịp này, chúng ta sẽ tổ chức Tuần lễ đổi mới sáng tạo, phát động phong trào "Mỗi người dân một ý tưởng cải tiến, mỗi cán bộ công viên chức đổi mới từ việc nhỏ nhất" Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Đồng thời nhấn mạnh, xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo toàn dân sẽ là cốt lõi tạo nên thành công của công cuộc đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Việt Nam mà Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát động.
Đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, với Nghị quyết 57, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đã được coi là ưu tiên chiến lược hàng đầu của Việt Nam trên con đường đạt được thu nhập cao vào năm 2045. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ - được hỗ trợ bởi cam kết dành 3% ngân sách quốc gia cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nền kinh tế số của Việt Nam hiện chiếm 18,3% GDP, tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á. Gần như tất cả công dân đều được phủ sóng băng thông rộng và 5G đang phát triển nhanh chóng.
Đại diện Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới một cách táo bạo nhưng có trách nhiệm, đồng thời kêu gọi kết nối con người chứ không chỉ thiết bị; đảm bảo rằng tương lai số không chỉ nhanh và thông minh mà còn công bằng và dành cho tất cả mọi người.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu tại Lễ hưởng ứng - Ảnh: VGP/TG
Bà Pauline Tamesis kêu gọi: "Hãy cùng nhau đón nhận một văn hóa nơi đổi mới và sáng tạo trở thành lối sống của các cá nhân và tổ chức. Điều này có nghĩa là tạo ra môi trường nơi các ý tưởng mới được khuyến khích, sự sáng tạo được tôn vinh và tư duy đổi mới được tích hợp vào các thực hành hằng ngày".
Ngày 21/4 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn làm Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới (The World Creativity and Innovation Day) nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội bền vững và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người.
Năm 2025 là năm thứ tư Bộ KH&CN tổ chức Lễ hướng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới. Sự kiện nhằm lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo toàn dân, trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.