TSMC thừa nhận 'lỗ hổng' trong chuỗi cung ứng chip AI

TSMC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới - mới đây đã lên tiếng cảnh báo rằng họ đang đối mặt với những giới hạn đáng kể trong việc kiểm soát chặt chẽ đích đến cuối cùng của các sản phẩm bán dẫn do mình sản xuất.

Theo Bloomberg, cảnh báo được đưa ra trong báo cáo thường niên công bố tuần trước, trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại rằng chip AI do TSMC sản xuất có thể đã rơi vào tay các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách bị trừng phạt của Mỹ, bao gồm cả Huawei.

Bên ngoài trụ sở của TSMC tại Tân Trúc, Đài Loan - Ảnh: Bloomberg

Bên ngoài trụ sở của TSMC tại Tân Trúc, Đài Loan - Ảnh: Bloomberg

"Lỗ hổng" trong chuỗi cung ứng

Trong báo cáo, TSMC thẳng thắn thừa nhận vai trò của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn vốn mang tính chất trung gian, hạn chế khả năng tiếp cận thông tin về việc sử dụng cuối cùng của các chip mà họ sản xuất. Điều này khiến công ty gặp khó trong việc ngăn chặn nguy cơ sản phẩm của họ bị chuyển hướng sử dụng vào những mục đích ngoài ý muốn, hoặc đến tay những thực thể đang chịu các biện pháp trừng phạt.

“Không có sự đảm bảo nào rằng các chip do TSMC sản xuất không bị sử dụng sai mục đích hoặc không rơi vào tay các bên bị hạn chế”, công ty có trụ sở tại Tân Trúc, Đài Loan, cho biết.

Dù TSMC khẳng định đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và các đối tác quốc tế, công ty vẫn nhấn mạnh rằng khả năng giám sát toàn bộ chuỗi phân phối - đặc biệt là sau khi giao chip cho khách hàng - là rất hạn chế.

Vết nứt từ vụ việc Huawei

Cảnh báo của TSMC được đưa ra vài tháng sau khi một cuộc điều tra của công ty nghiên cứu TechInsights (Canada) phát hiện con chip Ascend 910B của Huawei - một loại chip AI tiên tiến - có chứa chất bán dẫn do TSMC sản xuất.

Huawei hiện đang nằm trong danh sách đen thương mại của Mỹ và bị hạn chế nghiêm ngặt về quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến. Việc một sản phẩm như Ascend 910B của Huawei có dấu hiệu sử dụng chip từ TSMC đã làm dấy lên câu hỏi lớn về khả năng giám sát và tuân thủ của các nhà sản xuất chip.

Theo báo cáo, TSMC đã phát hiện vấn đề và ngay lập tức dừng giao hàng cho khách hàng liên quan. Công ty cũng chủ động thông báo với giới chức tại Washington và Đài Bắc vào tháng 10 năm ngoái về khả năng chip do họ sản xuất đã bị chuyển hướng tới một thực thể bị cấm.

TSMC là đối tác sản xuất chip cho nhiều công ty lớn không có nhà máy (fabless) như Apple, Nvidia, Qualcomm và MediaTek. Những công ty này thiết kế chip, sau đó chuyển bản thiết kế đến TSMC để sản xuất. Tuy nhiên, bản thân TSMC không kiểm soát khâu tích hợp và phân phối sản phẩm cuối cùng, vốn được thực hiện bởi các bên thứ ba.

Điều này tạo ra "vùng mờ" trong chuỗi cung ứng, đặc biệt khi các thiết bị sử dụng chip TSMC được lắp ráp và bán lại thông qua các nhà sản xuất tại Trung Quốc hoặc các công ty trung gian không rõ ràng về sở hữu.

Ví dụ, chip di động do TSMC sản xuất cho Qualcomm và MediaTek có thể được sử dụng trong điện thoại của các thương hiệu như Xiaomi - điều vốn không có gì bất thường. Tuy nhiên, nếu chip bị chuyển hướng cho các công ty như Huawei, điều đó lại vi phạm các quy định kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt của Mỹ.

Mỹ siết chặt kiểm soát công nghệ

Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc được khởi xướng từ Tổng thống Joe Biden, nhằm hạn chế dòng chảy của công nghệ tiên tiến - đặc biệt là chất bán dẫn - vào Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.

Hồi đầu tháng 4, Mỹ đã công bố một loạt quy định mới nhằm thắt chặt khả năng tiếp cận chip AI tiên tiến của các công ty Trung Quốc. Một trong những yêu cầu quan trọng là buộc các nhà sản xuất chip như TSMC và Samsung phải tăng cường giám sát khách hàng, xác minh mục đích sử dụng sản phẩm và ngăn ngừa hành vi chuyển hướng không minh bạch.

Washington cũng đã thêm 16 công ty Trung Quốc vào danh sách đen, trong đó có Sophgo Technologies Ltd., đơn vị bị cáo buộc giúp Huawei tiếp cận công nghệ của TSMC một cách gián tiếp. Cùng bị đưa vào danh sách cấm là PowerAir Pte, công ty có trụ sở tại Singapore, sau khi tờ South China Morning Post đưa tin nghi ngờ công ty này liên quan đến việc chuyển hướng chip TSMC cho Huawei.

Trước áp lực ngày càng gia tăng, TSMC đã chủ động phối hợp với chính quyền Mỹ trong việc cung cấp thông tin và tài liệu để làm rõ các nghi vấn liên quan đến hành vi chuyển hướng chip. Tuy nhiên, công ty cũng thừa nhận ranh giới trong khả năng giám sát và điều phối chuỗi cung ứng của mình.

“TSMC không thể kiểm soát toàn bộ quá trình tích hợp và phân phối sản phẩm sau khi chip được giao cho khách hàng. Dù đã nỗ lực tối đa để tuân thủ luật pháp và quy định, nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra chuyển hướng mà công ty không thể phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời”, báo cáo thường niên TSMC viết.

Áp lực địa chính trị gia tăng

Vấn đề kiểm soát công nghệ đang ngày càng trở nên phức tạp và mang tính địa chính trị rõ nét. Với vị thế là nhà sản xuất bán dẫn tiên tiến hàng đầu thế giới, TSMC đang bị kéo vào cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung không mong muốn.

Dù trụ sở đặt tại Đài Loan, TSMC có các cơ sở sản xuất và mối quan hệ hợp tác toàn cầu, trong đó Mỹ và Trung Quốc đều là thị trường quan trọng. Việc phải vừa duy trì hoạt động kinh doanh, vừa tuân thủ các quy định kiểm soát xuất khẩu khắt khe đang khiến công ty phải "đi dây" trong một môi trường ngày càng khó lường.

TSMC và các đối tác có thể buộc phải đầu tư mạnh hơn vào hệ thống giám sát chuỗi cung ứng, kiểm tra lý lịch khách hàng và tích hợp công cụ theo dõi chip tiên tiến.

Một số chuyên gia thậm chí cho rằng, để tuân thủ đầy đủ các yêu cầu từ Mỹ, ngành công nghiệp chip toàn cầu có thể phải tái cấu trúc lại chuỗi giá trị - điều sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chi phí và thời gian sản xuất. Trong khi đó, áp lực từ các chính sách kiểm soát xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Và với việc Trung Quốc tiếp tục tìm cách tự chủ trong lĩnh vực bán dẫn, cuộc đua công nghệ này vẫn còn rất nhiều diễn biến khó lường phía trước.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tsmc-thua-nhan-lo-hong-trong-chuoi-cung-ung-chip-ai-231798.html
Zalo