Nuôi động vật hoang dã làm 'thú cưng': Coi chừng vi phạm pháp luật
Nhiều người nuôi động vật hoang dã làm 'thú cưng' nhưng không biết là vi phạm pháp luật. Trước tình hình trên, ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân giao nộp động vật hoang dã.

Qua công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng đã tiếp nhận nhiều động vật hoang dã do người dân tự nguyện giao nộp
Dễ vi phạm pháp luật
Theo quy định, việc nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc và phải đăng ký với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tình trạng mua bán, nuôi nhốt ĐVHD làm “thú cưng” vẫn còn diễn ra, trong khi một số người không biết hành vi trên là vi phạm pháp luật. Theo ghi nhận của P.V, việc mua bán chim hoang dã làm chim cảnh diễn ra rất phổ biến, từ những loại chim thông thường như chào mào, chích chòe… đến các loại chim quý hiếm như nhồng (yểng), vẹt, khướu, kim oanh… với giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng một con. Như trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An), nhiều cửa hàng chim cảnh bày bán công khai nhiều loại chim, trong đó có cả nhồng, khướu (thuộc nhóm IIB).
Trên mạng xã hội, việc trao đổi mua bán một số ĐVHD như rùa, rái cá, khướu, kim oanh, đại bàng... để làm “thú cưng” cũng diễn ra khá sôi động. Từ các nhóm công khai đến các nhóm kín với hàng ngàn người theo dõi. Nhưng hội nhóm này đã trở thành “chợ ảo” để nhiều người mua bán ĐVHD làm thú cưng, với mức tiền giao dịch từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng. Qua theo dõi các hội nhóm trên mạng xã hội cho thấy các thành viên tham gia thường sử dụng tài khoản “ảo” để hoạt động mua bán chim cảnh, ĐVHD, thậm chí có cả các loài thuộc danh mục quý, hiếm, được pháp luật bảo vệ và hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Trong mỗi bài viết rao bán ĐVHD, các thành viên trong nhóm thường trao đổi riêng để thỏa thuận giá bán cùng thời gian, địa điểm giao “hàng”.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, cho biết một số người dân có sở thích nuôi khỉ, rái cá, nhồng, kỳ đà, rùa... làm “thú cưng” nhưng không biết là vi phạm pháp luật. Cụ thể theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22-1-2019 của Chính phủ quy định quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt là Nghị định 84), các loài như rái cá, rùa, khỉ, nhồng, khướu, kỳ đà, tê tê... được xem là ĐVHD. Người nuôi ĐVHD đáp ứng các yêu cầu về nuôi các loài động vật này theo quy định tại Nghị định 84. Nếu mua bán, nuôi nhốt ĐVHD không hợp pháp thì tùy mức độ vi phạm mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Nhằm bảo vệ tính đa dạng sinh học các loài ĐVHD, quý hiếm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chủ động phối hợp với lực lượng công an các địa phương và lực lượng chức năng khác tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh trái phép ĐVHD và sản phẩm của chúng trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Song song đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo tồn ĐVHD.
Nhờ thực hiện có hiệu quả các biện pháp trên mà ý thức bảo vệ ĐVHD trong nhân dân ngày càng nâng cao, đặc biệt một số người dân còn tự nguyện giao nộp ĐVHD. Từ đầu năm 2025 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiếp nhận 7 trường hợp tự nguyện giao nộp ĐVHD, gồm: 4 cá thể khỉ, 4 cá thể rùa và 1 cá thể trăn gấm. Điển hình gần đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với đơn vị liên quan tiếp nhận 1 cá thể khỉ đuôi lợn (thuộc nhóm IIB - động vật rừng nguy cấp, quý hiếm) do bà T.T.N. (sinh năm 1981, ngụ phường Vĩnh Tân, TP.Tân Uyên) giao nộp. Tại thời điểm tiếp nhận, cá thể khỉ đuôi lợn nặng 3kg, sức khỏe bình thường.
Cũng qua công tác tuyên truyền, bà T.T.L. (sinh năm 1966, ngụ phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) đã tự nguyện giao nộp 1 cá thể khỉ mặt đỏ (nhóm IIB) cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh chăm sóc, nuôi dưỡng trong thời gian hoàn thiện thủ tục xử lý theo quy định.
UBND tỉnh vừa triển khai thực hiện Quyết định số 49/ QĐ-TTg ngày 8-1-2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến các sở, ban ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện chương trình.