Nước sông Quảng Trị lên trở lại, Huế đạt đỉnh lũ lịch sử
Sau thời gian mưa lớn, các sông tại Quảng Trị bắt đầu lên cao trở lại, theo dự báo sông Thạch Hãn có thể vượt mực nước năm 1999.
Tại Thừa Thiên - Huế vào sáng 12-10, theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh này cho biết lũ trên sông Bồ đang lên và đã đạt đỉnh lũ lịch sử năm 1999.
Theo đó, mực nước tại sông Bồ đo được vào lúc 3 giờ 30 ngày sáng nay đạt đỉnh +5,18 m, tương đương lũ 1999. Còn tại sông Hương đạt đỉnh +4,17 m và đang xuống chậm.
Lượng nước đổ về các hồ, đập ở Thừa Thiên - Huế đang rất lớn: hồ Hương Điền 3.147 m3/s, Bình Điền 2.360 m3/s, A Lưới 1.225 m3/s, Tả Trạch 3.528 m3/s. Hiện nay, các hồ đập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn an toàn.
Nhiều nơi tại Thừa Thiên - Huế đến sáng nay vẫn còn ngập sâu trong nước, giao thông gần như bị tê liệt.
Tại Quảng Trị, trong 12 giờ mưa to đến rất to, tại khu vực thượng nguồn sông Thạch Hãn nhiều nơi mưa to khiến lũ trên sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu và Sêpon lên rất nhanh, mực nước lúc 7 giờ sáng nay trên sông Thạch Hãn đang lên báo động 2, sông Ô Lâu lên báo động 3.
Theo dự báo, trong 6 đến 12 giờ tới, lũ trên các sông tiếp tục lên và đạt đỉnh, sau đó dao động ở mức cao. Khả năng sông Thạch Hãn đạt 7,4 m lên trên báo động 3, vượt mức lũ lịch sử năm 1999 là 0,1 m.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các huyện Hướng Hóa, Đakrông và phía tây các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Hải Lăng. Ngập sâu diện rộng ở những nơi thấp trũng.
Trước diễn biến phức tạp của lũ, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu trực tiếp chỉ huy lượng vũ trang thực hiện các biện pháp hỗ trợ chính quyền địa phương và tham gia ứng cứu Nhân dân vùng thấp trũng bị cô lập do mưa lũ.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Man yêu cầu Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhanh chóng có các biện pháp hỗ trợ nhất là là đối với những vùng ngập lụt để di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Thực hiện cứu trợ lương thực, mì tôm, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân ở những vùng bị chia cắt, cô lập để người dân không đói rét.