Bệnh nhân BHYT nhẹ gánh lo

Từ 1-1-2025 sẽ bãi bỏ quy định người mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo phải xin giấy chuyển viện; phân chia danh mục thuốc BHYT theo hạng bệnh viện, tuyến chuyên môn

Giảm quá tải tuyến trên

. Phóng viên: Thông tư 37/2024 của Bộ Y tế quy định các cơ sở y tế được sử dụng toàn bộ thuốc trong danh mục BHYT phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn mà không phân biệt hạng bệnh viện. Tại sao có sự thay đổi này, thưa bà?

- Bà VŨ NỮ ANH, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế: Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024, các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước, tư nhân được chia thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật, gồm: khám chữa bệnh ban đầu, khám chữa bệnh cơ bản và khám chữa bệnh chuyên sâu.

Theo quy định hiện hành, danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT được phân chia theo hạng bệnh viện (hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV). Đồng thời, một số nội dung hướng dẫn trong Thông tư 20/2022 của Bộ Y tế được xây dựng căn cứ vào tuyến chuyên môn kỹ thuật (tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã).

Bà VŨ NỮ ANH, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế

Bà VŨ NỮ ANH, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế

Ngoài ra, người bệnh có xu hướng lựa chọn khám chữa bệnh ở những cơ sở có hạng cao hơn để được sử dụng các thuốc mà cơ sở có hạng thấp hơn không được sử dụng. Điều này góp phần gây ra tình trạng quá tải tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh được xếp hạng cao, đồng thời hạn chế sự phát triển của hệ thống y tế cơ sở.

Vì vậy, cần có hướng dẫn, sửa đổi các quy định về tuyến, hạng cơ sở khám chữa bệnh trong việc sử dụng, thanh toán BHYT để phù hợp với quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 (có hiệu lực đối với cấp chuyên môn kỹ thuật từ ngày 1-1-2025), bảo đảm phù hợp với yêu cầu chuyên môn, phạm vi hoạt động, điều kiện trang thiết bị và nhân lực của cơ sở.

. Theo bà, những thay đổi này liệu có đủ sức kéo người bệnh ở lại với tuyến cơ sở?

- Quy định này có hiệu lực sẽ khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh phát triển chuyên môn, kỹ thuật; thu hút nhân lực và phát triển năng lực của nhân viên y tế. Đồng thời, tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát triển nhờ bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận và chi trả BHYT đối với các loại thuốc.

Mặt khác, quy định mới cũng tạo thuận lợi cho người bệnh khi đi khám chữa bệnh, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh ở tuyến trên, trong khi các cơ sở tuyến dưới có điều kiện và cơ hội để phát triển chuyên môn, nâng cao trình độ.

Quỹ BHYT đang chi trả cho hơn 1.000 loại thuốc hóa dược, sinh phẩm. Trong đó, các loại thuốc hầu hết được sử dụng tại bệnh viện hạng II trở lên, bệnh viện hạng III sử dụng 795 loại - chiếm khoảng 77%, trạm y tế xã được sử dụng 262 loại thuốc và một số thuốc điều trị các bệnh mạn tính cấp theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế.

Danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT hiện bao phủ các thuốc điều trị đầy đủ ở các chuyên khoa, cả trong lĩnh vực tân dược và thuốc y học cổ truyền, đáp ứng tương đối đầy đủ, toàn diện nhu cầu sử dụng thuốc, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ.

Do đó, quy định này sẽ giúp người bệnh sau khi chẩn đoán ban đầu ở tuyến trên, chuyên sâu, kỹ thuật cao, có thể trở về chăm sóc tại trạm y tế xã hay bệnh viện huyện và được tiếp nhận quản lý, nhận thuốc giống như ở tuyến trên (bao gồm thuốc tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường...).

Quyền lợi của bệnh nhân BHYT ngày càng được mở rộng. Trong ảnh: Người dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: DIỆU THU

Quyền lợi của bệnh nhân BHYT ngày càng được mở rộng. Trong ảnh: Người dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: DIỆU THU

Người bệnh bớt lo chuyển BHYT

. Thời gian qua, có tình trạng nhiều bệnh viện bị chậm quyết toán chi phí thuốc BHYT, dẫn đến thiếu thuốc. Việc gỡ bỏ thanh toán thuốc theo hạng bệnh viện liệu có giải quyết được vấn đề này?

- Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã quy định nhiều nội dung liên quan khám chữa bệnh tại cấp ban đầu và trạm y tế xã. Theo đó, không phân biệt về sử dụng thuốc theo cấp chuyên môn kỹ thuật, mà thực hiện theo nguyên tắc nếu có đủ điều kiện hoạt động, đủ điều kiện về nhân lực, thiết bị y tế, cơ sở vật chất và được phê duyệt danh mục kỹ thuật thì được sử dụng thuốc để điều trị bệnh phù hợp với năng lực chuyên môn.

Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 25/2023 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, cần có quy định để "cởi trói" cho việc sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở, đáp ứng nhu cầu và phù hợp thực tiễn chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Thực tế những năm qua, quy định thanh toán thuốc theo hạng bệnh viện đã dẫn đến rất nhiều vướng mắc trong giám định, thanh toán chi phí thuốc BHYT, nhất là nhiều chi phí thuốc bị "treo", chưa được cơ quan BHXH chấp nhận thanh toán. Quy định gỡ bỏ thanh toán thuốc theo hạng bệnh viện khi được thực hiện sẽ giải quyết dứt điểm vướng mắc, khó khăn này.

. Một số ý kiến lo ngại việc bỏ quy định phân chia danh mục thuốc BHYT theo hạng bệnh viện có thể làm tăng sử dụng quỹ BHYT, thu nhiều hơn chi?

- Việc bỏ quy định thanh toán thuốc BHYT theo hạng bệnh viện trên thực tế sẽ góp phần giảm tình trạng người bệnh lựa chọn khám chữa bệnh tại các cơ sở thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn. Khi đến cơ sở khám chữa bệnh tại các hạng bệnh viện hoặc cấp chuyên môn thấp hơn nhưng có đầy đủ thuốc như hạng bệnh viện hoặc cấp chuyên môn cao hơn, người bệnh được tiếp cận các thuốc ngay từ đầu, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế việc chuyển cơ sở khám chữa bệnh.

Điều này có thể giúp tiết kiệm tổng chi khám bệnh ở tất cả hạng bệnh viên, cấp chuyên môn; bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT ngay từ các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Các chi phí được quỹ BHYT thanh toán giảm sẽ có tác động tích cực đến cân đối quỹ, làm giảm chi quỹ BHYT.

Bên cạnh đó, còn có nhiều giải pháp kỹ thuật khác để bảo đảm cân đối thu chi, an toàn quỹ BHYT như: kiểm soát kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc; ban hành đầy đủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; kiểm soát chỉ định nhập viện hợp lý; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giám định, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT...

Từ năm 2025, quy định mới cho phép bệnh nhân BHYT đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế ban hành có thể lên thẳng cấp chuyên sâu, không cần xin giấy chuyển viện. Bộ Y tế đang xây dựng danh mục cụ thể các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện. Danh mục này phải được tính toán phù hợp, tránh người dân đổ dồn lên tuyến cuối gây quá tải.

Bác sĩ chuyên khoa II TRẦN VĂN KHANH, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP HCM):

Bảo vệ quyền lợi của đối tượng dễ bị tổn thương

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có nhiều chính sách quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Một trong những điểm nổi bật của luật sửa đổi là không còn giới hạn địa giới hành chính khi khám chữa bệnh BHYT. Người dân có thể khám chữa bệnh BHYT tại bất kỳ cơ sở nào nên dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, nhất là người mắc bệnh hiểm nghèo. Chính sách mới cũng mở rộng quyền lợi BHYT cho trẻ dưới 18 tuổi, với việc điều trị các tật như khúc xạ, lác mắt..., qua đó bảo vệ quyền lợi của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Ngoài ra, việc được giao quản lý bệnh mạn tính sẽ tăng cường vai trò của y tế cơ sở, giúp người bệnh được theo dõi và điều trị liên tục.

Dù những chính sách trên mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đối diện một số thách thức. Trong đó, đáng lưu ý là nguy cơ quá tải tại bệnh viện tuyến trên, nhất là ở các thành phố lớn khi bệnh nhân vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận cơ sở y tế chuyên sâu. Còn việc được giao quản lý bệnh mạn tính đòi hỏi y tế cơ sở phải có đủ năng lực về nhân sự, cơ sở vật chất và trang thiết bị.

Bên cạnh đó, việc không phân biệt địa giới hành chính có thể gây khó khăn trong khâu giám sát và quản lý, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng chính sách. Việc mở rộng quyền lợi cho bệnh nhân có thể tạo áp lực tài chính lên quỹ BHYT, nếu không có cơ chế quản lý hợp lý sẽ vượt quá khả năng chi trả.

Để những chính sách mới thực sự có hiệu quả, cần sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng y tế, nhất là ở tuyến dưới. Hệ thống công nghệ thông tin cần được nâng cấp, giúp việc quản lý bệnh nhân và thanh toán BHYT diễn ra nhanh chóng, chính xác. Cũng cần có chính sách phân luồng hợp lý để tránh tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế uy tín, khuyến khích bệnh nhân BHYT lựa chọn cơ sở phù hợp.

H.Yến ghi

NGỌC DUNG thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/benh-nhan-bhyt-nhe-ganh-lo-196241201213941685.htm
Zalo