Nước ngập quốc lộ 1, Hà Nam cấm xe lưu thông chiều Hà Nội về
Do nước ngập sâu trên tuyến quốc lộ 1, lực lượng chức năng đã phải tiến hành cấm phương tiện lưu thông ở đoạn qua thành phố Phủ Lý từ sáng nay 11/9.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Đội tuần tra kiểm soát giao thông số 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam cho biết: Do nước sông Đáy dâng cao gây ngập một phần quốc lộ 1 đoạn thành phố Phủ Lý nên chúng tôi đã cấm toàn bộ xe lưu thông chiều từ Hà Nội về Hà Nam. Ở chiều ngược lại xe vẫn có thể lưu thông chậm.
Các phương tiện đi từ Hà Nội về sẽ được phân luồng di chuyển theo tuyến tránh thành phố Phủ Lý.
Như vậy đến thời điểm này, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô đang có nguy cơ tê liệt. Bởi từ hôm qua, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã cấm ô tô lưu thông chiều từ Hà Nội đi về phía Nam. Đồng thời, thực hiện phân luồng cho phương tiện lưu thông theo quốc lộ 1 cũ về Hà Nam.
Lộ trình an toàn nhất hiện nay để đi các tỉnh phía Nam Thủ đô là đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, xuống nút giao Yên Mỹ (Hưng Yên). Sau đó, đi theo đường Hưng Yên - Thái Bình về cầu Hưng Hà.
Ngoài ra, các phương tiện vẫn có thể đi theo lộ trình Pháp Vân về Văn Điển theo quốc lộ 1. Sau đó, đi về Cầu Giẽ, rồi chuyển hướng đi theo đường tránh TP Phủ Lý từ nút giao cầu vượt Đồng Văn về thị trấn Kiện Khê.
Tuy nhiên, lộ trình này có rất đông phương tiện nên giao thông khó khăn. Ngoài ra, sẽ có nguy cơ gặp nước ngập khi mà sông Đáy vẫn đang không ngừng dâng cao.
Một lộ trình khác dành cho các xe cỡ nhỏ là đi từ Hà Đông (Hà Nội) về Ứng Hòa rồi hướng theo chợ Dầu ra quốc lộ 21 Kim Bảng (Hà Nam).
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam, tính đến 1h sáng nay (11/9) mực nước trên sông Đáy tại Trạm Thủy văn Phủ Lý là 4,81m (vượt mức Báo động III: 0,81m), mực nước sông Hồng đến 10h sáng (11/9) là 7,02m (trên báo động III là 2cm).
Trong thời gian từ 7h ngày 9/9 đến 20h ngày 10/9, hệ thống công trình đê điều ở tỉnh này đã ghi nhận các sự cố, hiện tượng như sau:
Tuyến kè bờ Hữu sông Đáy đoạn từ cầu Hồng Phú đến cầu Châu Sơn nước đã tràn qua cao trình đỉnh kè.
Đê bối Phù Vân trên địa bàn xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý xảy ra sạt trượt mái đê phía sông với chiều dài khoảng 20m (mái đê đã được gia cố bằng đá xây).
Địa phương đã tiến hành giăng dây, cắm biển cảnh báo và tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến.
Trên tuyến đê bối Thụy Xuyên, xã Ngọc Sơn xảy ra tràn với chiều dài 20m
Trên tuyến bối Hồng Lý, cống tưới trạm bơm Hồng Lý có hiện tượng rò nước do cánh cống đóng không kín, địa phương đã tiến hành hoành triệt cống.
Sạt trượt mái đê thượng lưu đê hữu Hồng tại K154,258 đến K154,280 thuộc địa bàn xã Tiến Thắng (phía thượng lưu đoạn sạt lở có bối Nhân Hòa bao phía ngoài).
Cao trình đỉnh cung sạt +6,9m (thấp hơn cao trình mặt đê 0,27m), độ sâu cung sạt từ 0,7-1,0m.
Đến tối 10/9, lực lượng chức năng đã triển khai di dời, sơ tán 642 hộ dân/2.795 người từ khu vực ngập đến các khu vực an toàn.
Tại các địa điểm sơ tán, đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sinh hoạt về thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt của các hộ dân.
Ngoài ra, còn tổ chức di dời khoảng 40.419 con gia súc, gia cầm và khoảng 850 vật dụng, tài sản của nhân dân.
Các địa phương đã huy động đầy đủ nhân lực, vật tư sẵn sàng xử lý các tình huống theo các phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê toàn tuyến đã được phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ” và các phương án phát sinh do mực nước trên hệ thống các sông trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục lên rất nhanh.