Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 4/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển KT - XH năm 2025; tình hình thi hành hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết và một số nội dung khác.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ dành một ngày để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển KT - XH năm 2025; tình hình thi hành hiến pháp và thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Tham gia thảo luận, đại biểu Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đồng tình và thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024 và dự kiến kế hoạch phát triển KT - XH năm 2025.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.

Đại biểu cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trở thành điểm sáng nổi bật, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Dự toán tổng thu ngân sách năm 2024 đạt 1,7 triệu tỷ đồng, ước cả năm thực hiện 1,87 triệu tỷ đồng, vượt cao so với dự toán. Kết cấu hạ tầng giao thông có bước đột phá mới, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai và đưa vào khai thác…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất trân trọng thì tình hình KT - XH nước ta năm 2024 vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm của cả nước còn chậm; việc thực hiện nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ giải ngân đạt thấp, còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, giải quyết kịp thời…

Liên quan đến vấn đề khắc phục và phục hồi KT - XH đối với các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề của bão số 3, đại biểu nhấn mạnh: Bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào nước ta gây thiệt hại rất lớn đối với các địa phương ven biển, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, kèm theo bão là mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại hầu hết khu vực Bắc Bộ gây những thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước (hơn 81.000 tỷ đồng). Riêng các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Cao Bằng là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra về người, tài sản, hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế… Bão số 3 đã cướp đi sinh mạng của 57 người tại Cao Bằng và gây thiệt hại cho nhân dân trên 1.000 tỷ đồng. Bão số 3 làm nhiều tuyến giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng như Quốc lộ 34, Quốc lộ 34B, Quốc lộ 4 bị hư hỏng nghiêm trọng, có hàng trăm điểm sạt lở, sụt lún rất khó khắc phục, nhiều trường học trong vùng ảnh hưởng tuy chưa thiệt hại nhưng nguy cơ sạt lở cao, để đảm bảo an toàn cho học sinh, địa phương không thể bố trí cho các em học tại địa điểm cũ… Theo đó, nhiều trường học, trạm y tế phải di dời, xây dựng tại địa điểm mới, trong khi nguồn lực của các địa phương miền núi phía Bắc không thể đáp ứng để đầu tư khắc phục.

Cử tri và nhân dân vô cùng cảm động khi ngay trong lúc xảy ra thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng của bão để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại. Hình ảnh các chiến sĩ bộ đội, công an và nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trên khắp mọi miền đất nước tích cực tham gia hỗ trợ đồng bào vũng lũ cùng chung tay, góp sức sẻ chia khó khăn, hoạn nạn với người dân bị thiệt hại đã góp phần lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt và tình cảm “tương thân, tương ái” của đồng bào ta trong và ngoài nước; khích lệ, tiếp sức mạnh mẽ cho nhân dân các dân tộc các tỉnh vùng thiệt hại vượt qua khó khăn, mất mát, ổn định cuộc sống. Thay mặt cử tri, nhân dân và các gia đình bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại Cao Bằng, gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân Cao Bằng. Sự hỗ trợ cùng những món quà kịp thời, có ý nghĩa đã giúp nhân dân Cao Bằng từng bước khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Đại biểu nhận định, báo cáo của Chính phủ năm 2024 cho thấy thu ngân sách Nhà nước tăng cao, dư địa thu ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm còn lớn. Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, nghiên cứu có gói phục hồi kinh tế sau bão số 3 cho các địa phương bị ảnh hưởng từ nguồn tăng thu năm 2024, ngoài việc bố trí nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, cần đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn lực phục hồi kinh tế các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, nhất là các tỉnh biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, giao thông kết nối liên vùng, trường học, các dự án bố trí ổn định dân cư…, giúp nhân dân ổn định lâu dài, tiếp tục bám đất, giữ làng, góp phần bảo vệ biên giới vững chắc và vươn lên phát triển KT - XH.

Dương Tường

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tham-gia-phien-thao-luan-tai-hoi-truong-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-ngan-3173322.html
Zalo