Nước Mỹ và Trung Đông tìm lại con đường cũ
Không còn nghi ngờ gì nữa, chuyến công du tới Trung Đông vừa khép lại vào trung tuần tháng 5/2025 có thể xem là một dấu ấn, một thành tựu ngoại giao ấn tượng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được, trong lần 'chấp chính' thứ hai của mình. Dĩ nhiên, cách mà ông tiếp cận vấn đề vẫn luôn làm dấy lên những cuộc tranh luận. Song, điều cốt yếu là những thay đổi rõ rệt đã hiện hữu. Tuy nhiên, đây có lẽ không hẳn là một chiến lược mới mẻ, trong tư duy của nhà lãnh đạo ấy.
Những chuyến bay chở đầy lợi ích
Một cách ngắn gọn, sau khi chuyến công du kết thúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố các thỏa thuận đầu tư với Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) với tổng trị giá lên tới hơn 2.000 tỷ USD, cho các dự án hợp tác quốc phòng, hàng không, trí tuệ nhân tạo, cùng nhiều lĩnh vực khác. Trong đó, theo Tạp chí Forbes, nổi bật là cam kết 14,5 tỷ USD để mua 28 máy bay Boeing 787 và 777X sản xuất tại Mỹ của hãng hàng không Etihad (UAE); thỏa thuận đầu tư trị giá hơn 243,5 tỷ USD giữa hai nước Mỹ - Qatar, cũng như kế hoạch nâng tổng đầu tư lên 1,2 nghìn tỷ USD; hay các khoản đầu tư có trị giá 600 tỷ USD với Saudi Arabia...

Người đứng đầu nước Mỹ thăm UAE.
Hiển nhiên, những hiệu quả thực tế này nhận được nhiều phản hồi tích cực. Như tờ Arab News bình luận: Chuyến đi là “một chiến lược thực dụng mới mẻ”, mở ra “những khả năng sáng tạo trong việc tái định hình chính sách Trung Đông của Mỹ, đưa các nước Vùng Vịnh trở thành đối tác đầu tư chiến lược”.
Các quốc gia Vùng Vịnh xem đây là cơ hội để đa dạng hóa kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, phát triển các lĩnh vực công nghệ cao. Các lãnh đạo Vùng Vịnh, đặc biệt là Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed, hoan nghênh ý tưởng của ông Trump về việc biến khu vực thành trung tâm công nghệ toàn cầu, phù hợp với các chiến lược như Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia.
Ông Ahmed Al-Ibrahim, một cựu cán bộ ngoại giao Vùng Vịnh, cho rằng: Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các nước Vùng Vịnh là một thành công cho tất cả các bên liên quan, các quốc gia Vùng Vịnh đã ký các thỏa thuận kinh tế lớn với Mỹ, điều này có lợi cho cả hai bên. Các quốc gia Vùng Vịnh tin tưởng nền kinh tế Mỹ có thể tạo ra lợi nhuận tốt. Tổng thống Trump đã đảm bảo các thỏa thuận trên, điều này sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, từ đó kích thích nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ.
Định hướng “xoay trục” ở Trung Đông
Năm 2017, trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất, ông Donald Trump cũng chọn Saudi Arabia - cường quốc hàng đầu của Trung Đông cũng như cộng đồng Arab Hồi giáo - là một trong những điểm đến, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới. Điều này là rất khác biệt so với truyền thống, khi thường thì các Tổng thống Mỹ sẽ chọn đến thăm các nước láng giềng hoặc châu Âu - nơi mà nước Mỹ có những đồng minh truyền thống khăng khít.
Song, ông Trump tiếp cận vấn đề theo một hướng khác. Có lẽ, bởi chính ông cũng phủ định thế giới đơn cực đã tồn tại kể từ sau Chiến tranh Lạnh, xem nó là một điều “bất thường” (như hé lộ của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hồi đầu năm, trong một cuộc trả lời phỏng vấn), nên ông Donald Trump nhìn ra tiềm năng lợi ích địa chính trị, địa kinh tế từ Riyadh, như một “đột phá khẩu”.
Bên cạnh đó, lợi ích (cụ thể là lợi ích kinh tế) cũng chính là điểm mấu chốt trong Kế hoạch hòa bình mới cho Trung Đông mà ông chủ Nhà Trắng hiện tại đã áp dụng, ở nửa cuối nhiệm kỳ trước. Bằng những sự quyến rũ của lợi ích, ông kêu gọi được UAE, Morocco, Bahrain và Sudan tham gia Hiệp định Abraham, bình thường hóa quan hệ với Israel, giảm bớt tâm trạng “bài Mỹ”, thậm chí chấp nhận nước Mỹ như một nhà điều phối lợi ích, trong cục diện mới.
Hiện tại, năm 2025, ông Trump dường như đang cố gắng xây dựng lại vị thế (vốn đã suy giảm đáng kể trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden) ấy. Trong suốt hành trình thăm cấp cao đến 3 quốc gia giàu có nhất trong thế giới Arab, ông không hề đề cập đến vấn đề nhân quyền - một điểm từng là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới các chính quyền tiền nhiệm, như gián tiếp phát đi thông điệp rằng ông sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Hồi giáo Vùng Vịnh. Ông không “rao giảng dân chủ”, mà chỉ tập trung vào lợi ích thực chất.
Chưa hết, cho dù Syria không có trong lịch trình chính thức của chuyến công du, nhưng cuộc gặp gỡ nhà lãnh đạo mới của đất nước ấy, cũng như lời tuyên bố “Tôi sẽ ra lệnh chấm dứt cấm vận Syria để trao cho họ cơ hội đạt được sự vĩ đại. Đã đến lúc họ tỏa sáng” tràn ngập tính “hòa giải” của ông vào ngày 13/5 đã tạo nên những hiệu ứng đáng kể trong lòng thế giới Arab Hồi giáo.
Nhưng, ngược lại, cũng rất đáng chú ý, là sự hờ hững của người đứng đầu nước Mỹ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - điều tưởng chừng không bao giờ có thể diễn ra, trong quá khứ. Tổng thống Mỹ đã bắt tay Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa - người mà ông Netanyahu xem là kẻ thù của Israel - mà không buồn đoái hoài đến phản ứng của “người bạn cũ”. Động thái này rõ ràng là sự thông báo với giới quan sát quốc tế rằng đã có một bước chuyển rõ rệt, trong quỹ đạo chiến lược đối ngoại của Washington. Và, theo bình luận trên tờ Jerusalem Post (Israel) ngày 16/5, trong khi góp phần định hình Trung Đông mới, Israel lại đang đứng ngoài cuộc chơi và đối mặt với nhiều thách thức về ưu thế quân sự trong khu vực.
Nhưng, cuối cùng, “Nước Mỹ vẫn trên hết!”
Thật ra, không có mấy nhà phân tích ngạc nhiên, vì sự lạnh nhạt mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho Thủ tướng Israel. Ông Netanyahu đã liên tục từ chối đàm phán ngừng bắn ở Gaza - điều mà ông Trump cam kết đạt được trong cương lĩnh tranh cử. Chiến dịch quân sự kéo dài của Israel, khiến hơn 52.000 người Palestine thiệt mạng, tính đến giữa tháng 5/2025, đã gây làn sóng phản đối mạnh mẽ trên toàn cầu và hiện ngày càng gây khó khăn cho các nỗ lực ngoại giao của Mỹ.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Saudi Arabia, ngày 14/5.
Thủ tướng Netanyahu vẫn kiên quyết theo đuổi mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn Hamas, lực lượng vũ trang ở Gaza đã tiến hành vụ tấn công ngày 7/10/2023 khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng. Ông cũng không đưa ra bất kỳ kế hoạch hậu chiến nào rõ ràng, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về nguy cơ khủng hoảng kéo dài. Chưa hết, ông còn công khai phản đối các cuộc đàm phán mới đây giữa Mỹ và Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran, một vấn đề vốn được xem là ưu tiên của ông Trump trong việc tái lập ổn định khu vực. Vậy thì, liệu có phải Tel Aviv đã và đang đòi hỏi quá nhiều, trong khi đáp ứng quá ít những đòi hỏi từ Washington? Và, liệu một tâm trí thực dụng như ông Donald Trump có chấp nhận điều đó?
Ở một khía cạnh khác, theo nhận xét của nhiều chuyên gia được Reuters dẫn lời, một trật tự mới ở Trung Đông do các nước Arab theo Hồi giáo dòng Sunni dẫn dắt đang hình thành. Nói cách khác, Trung Đông đang được ông Donald Trump tái cấu trúc hình thái địa chính trị, mà trong đó, vị thế của nước Mỹ được bảo đảm ở mức cao nhất (đặc biệt là với việc chính phủ Bashar al-Assad, đồng minh thân cận của nước Nga, đã bị thay thế bởi chính quyền lâm thời).
Hành động “hòa giải” và lời hứa dỡ bỏ cấm vận Syria đặt nền móng cho một kiểu quan hệ mới giữa Washington với Damascus. Việc Mỹ sẵn sàng bắt tay với một quốc gia từng đối đầu trong quá khứ cho thấy sự linh hoạt thực dụng của chính quyền ông Trump, trong bối cảnh trật tự khu vực đang phân mảnh.
Hơn thế, bên cạnh các thành tựu kinh tế và ngoại giao, yếu tố quân sự - an ninh tiếp tục đóng vai trò then chốt trong chiến lược Trung Đông của Mỹ. Tại Qatar, Tổng thống Trump đã đến thăm căn cứ không quân Al Udeid - nơi đóng vai trò trung tâm trong các chiến dịch quân sự của Mỹ tại khu vực. Trong tuyên bố tại đây, ông cam kết sẽ tăng ngân sách quốc phòng và mở rộng hiện diện quân sự tại Trung Đông, nhằm “bảo vệ lợi ích chiến lược và đảm bảo an ninh lâu dài cho các đồng minh”.
Bằng việc củng cố lực lượng tại những điểm then chốt như Qatar và Saudi Arabia, Mỹ không chỉ duy trì ưu thế răn đe mà còn gửi đi tín hiệu rõ ràng đến các đối thủ như Iran và các lực lượng ủy nhiệm chống Mỹ trong khu vực. Song song, việc nhấn mạnh đến năng lực phòng thủ mạng và an ninh năng lượng cho thấy Mỹ đang thích ứng với mô hình an ninh phi truyền thống đang gia tăng tại Trung Đông.
Nước Mỹ, trong cách tư duy của ông Donald Trump, không nhất thiết vẫn phải là một thứ “cảnh sát toàn cầu/sen đầm quốc tế” như xưa, mà hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu thông qua “quyền lực mềm”, tránh xa các cuộc chiến. Ông đã cố gắng hành động như vậy trong nhiệm kỳ 2017-2020, nhưng đó vẫn còn là một con đường dang dở. Còn hiện tại, dường như, các kế hoạch đã được cập nhật và nâng cấp đáng kể, để có thể tích hợp nhanh hơn vào bối cảnh thế giới đang biến đổi từng ngày.