Nước Mỹ trong cuộc tranh luận nảy lửa Trump-Harris

Kinh tế, bầu cử, chủng tộc, phá thai,... những vấn đề gây tranh cãi nhất nước Mỹ được đề cập trong cuộc tranh luận gay gắt giữa hai ứng viên tổng thống hôm 10/9.

Ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump hôm 10/9 (giờ địa phương) có cuộc tranh luận đầu tiên và có lẽ là duy nhất của họ. Cuộc đối đầu này được dự đoán có tác động đáng kể đến cuộc bầu cử ngày 5/11 vì các khảo sát cho thấy tỷ lệ ủng hộ của hai bên đang bám đuổi nhau sát nút.

Bắt tay gượng gạo

Bước vào cuộc tranh luận, đã có câu hỏi về cách bà Harris và ông Trump, những người chưa bao giờ gặp nhau, sẽ chào nhau như thế nào.

Harris bước đến chỗ Trump trên bục của ông, đưa tay ra và giới thiệu mình là "Kamala Harris".

Khoảnh khắc bắt tay gây nhiều bàn luận của hai ứng viên tổng thống Mỹ.

Bà Harris tấn công với chiến thuật chọc tức

Bà Harris cố tình chọc tức ông Trump, như chiến dịch của bà đã dự đoán. Phó Tổng thống "mời" người xem tham dự sự kiện giống như khi tham dự một cuộc vận động tranh cử của ông Trump, và cho rằng Trump sẽ nói hàng loạt những điều kỳ lạ và không có căn cứ, khiến cho khán giả cuối cùng phải thấy mệt mỏi và chán nản.

Trong khi đó Trump, người tự hào về đám đông mà ông thu hút được, rõ ràng đã rất tức giận. "Các cuộc mít tinh của tôi, chúng tôi có những cuộc mít tinh lớn nhất, những cuộc mít tinh đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử chính trị", ông nói.

Ông chỉ trích Harris vì đưa những người tham dự đến các cuộc vận động tranh cử của bà bằng xe buýt. Sau đó, Trump đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi như cho rằng những người nhập cư bất hợp pháp vào đất nước này đang giết và ăn thịt thú cưng của người dân tại thành phố Springfield, Ohio.

Ông Trump đáp lại bằng phòng thủ

Một trong những mục tiêu khác của Harris, với tư cách là một cựu công tố viên California, là chỉ trích Trump về những hành động trong quá khứ của ông, đặc biệt là những nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử năm 2020.

Trong bối cảnh hiện tại, bất kể các ứng cử viên đề xuất gì về thuế, người chiến thắng sẽ phải đối mặt với một quyết định quan trọng vì luật cắt giảm thuế do cựu Tổng thống Trump ký thành luật sẽ hết hạn vào năm tới.

Sau một giờ tranh luận, chiến lược của Harris khiến Trump đáp lại bằng việc liên tục ở thế phòng thủ. Khi được hỏi về vụ bao vây điện Capitol ngày 6/1/2021, Trump khẳng định rằng ông "không liên quan gì đến chuyện đó, ngoài việc họ yêu cầu tôi phát biểu". Ông cũng tiếp tục khẳng định việc mình đã thắng cử năm 2020, dù không chứng minh được.

Harris tiếp tục sử dụng hành động của Trump làm lập luận để cho rằng đã đến lúc đất nước cần "lật sang trang mới". Bà cho rằng cựu Tổng thống "đã bị 81 triệu người (dân Mỹ) sa thải", và không thể để một tổng thống từng cố gắng đảo ngược ý chí của cử tri trong quá khứ tiếp tục.

Phó tổng thống tiếp tục "khoét sâu" chỉ trích cựu Tổng thống, nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới đang "cười nhạo" ông - sử dụng ngôn ngữ mà Trump từng sử dụng tại các cuộc mít tinh để ám chỉ cách các quốc gia khác nhìn nhận Tổng thống Joe Biden. Đáp lại, Trump phản bác bằng cách cho rằng Harris thực tế "không nhận được phiếu bầu" khi trở thành đề cử của đảng Dân chủ mà đã thay thế ông Biden một cách gượng ép.

Vấn đề chủng tộc

Đi sâu vào cuộc tranh luận, chủ đề về chủng tộc âm ỉ từ lâu đã xuất hiện. Trump được hỏi tại sao lại công khai đặt câu hỏi về xuất thân của Harris - một người phụ nữ da màu gốc Nam Á.“Tôi không quan tâm bà ta là ai", ông trả lời. “Tôi đọc được rằng bà ta là người da màu. Sau đó, tôi lại đọc được rằng bà ta không phải là người da màu”.

Khi được yêu cầu trả lời, Harris cáo buộc Trump sử dụng chủng tộc để chia rẽ người Mỹ trong suốt sự nghiệp của mình. Bà nhắc đến cách ông và cha mình từ chối những người thuê nhà da màu vào những năm 1970 và cách Trump dẫn đầu làn sóng phản đối công khai chống lại năm thanh niên da màu và gốc Mỹ La tinh bị kết án oan vì hành hung một người chạy bộ ở Công viên Trung tâm Thành phố New York năm 1989.

Gần đây hơn, Harris lưu ý rằng Trump đã công khai đặt câu hỏi liệu Tổng thống Barack Obama có phải là công dân Mỹ hay không."Tôi nghĩ thật là bi kịch khi chúng ta có một người muốn trở thành tổng thống, người đã liên tục, trong suốt sự nghiệp của mình, cố gắng sử dụng chủng tộc để chia rẽ người dân Mỹ", bà nói.

Thay vì cố gắng bảo vệ mình, Trump quay lại vấn đề nền kinh tế và cho rằng Harris cũng có lỗi trong các chính sách kinh tế sai lầm thời Biden. Harris đáp lại rằng bà không phải là Trump hay Biden và "mong muốn tạo ra sự thay đổi".

Kinh tế

Trong những phút đầu của cuộc tranh luận, Trump và Harris đấu khẩu về một trong những vấn đề mà cử tri quan tâm hàng đầu: nền kinh tế.

Bầ Harris trình bày chi tiết các chính sách kinh tế mà bà đã triển khai trong những tuần gần đây, bao gồm khoản tín dụng thuế đáng kể cho các công ty khởi nghiệp nhỏ. Ông Trump tập trung bình luận của mình vào thuế quan, nói rằng ông sẽ bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh của nước ngoài.

Trong khi cả hai bên đều đưa ra những lời chỉ trích, Harris là người đầu tiên phát biểu về một chủ đề mà bà không được tín nhiệm bằng Trump, dường như nhằm ép cựu tổng thống phải lùi bước. Tuy nhiên, ông Trump cho rằng bà Harris "không có kế hoạch" và "vừa đi vừa chạy".

Vấn đề phá thai

Hai ứng cử viên cũng tham gia vào một cuộc tranh luận gay gắt về phá thai, vấn đề mà các cuộc thăm dò cho thấy Harris chiếm ưu thế. Trump ủng hộ phán quyết năm 2022 của Tòa án Tối cao Mỹ chấm dứt sự bảo vệ theo hiến pháp đối với phá thai và chuyển vấn đề này trở về các tiểu bang riêng lẻ. Ông cho rằng đó là kết quả mà cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều mong muốn.

Tuy nhiên đảng Dân chủ từ lâu đã ủng hộ quyền phá thai theo hiến pháp. Harris tỏ ra phẫn nộ trước lời khẳng định của Trump rằng việc phá thai trở thành vấn đề quyền của các tiểu bang là kết quả phổ biến. Khi Trump được hỏi liệu ông có phủ quyết lệnh cấm phá thai liên bang nếu Quốc hội thông qua lệnh này không. Ông khẳng định điều đó sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng từ chối trả lời câu hỏi một cách chắc chắn.

Vấn đề thế giới

Một trong những cuộc thảo luận chính sách gay gắt nhất diễn ra khi Trump và Harris xung đột về cách họ sẽ xử lý đối với xung đột tại Ukraine. Câu trả lời của các ứng cử viên cho thấy khác biệt cơ bản trong quan điểm của họ về vai trò của Mỹ trên thế giới.

Trump từ chối nói rằng ông muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến, ngay cả khi người dẫn chương trình của ABC David Muir thúc đẩy. Trump chỉ nói rằng ông muốn kết thúc cuộc xung đột càng sớm càng tốt.

Harris phản pháo, lập luận rằng điều Trump thực sự muốn là sự đầu hàng nhanh chóng và vô điều kiện của Ukraine.

Vũ khí hóa tư pháp

Trong một cuộc trao đổi gay gắt, Trump và Harris cáo buộc nhau âm mưu "vũ khí hóa" Bộ Tư pháp trong nỗ lực truy đuổi kẻ thù của họ.

Trump cho biết các bản cáo trạng mà ông phải đối mặt vì âm mưu lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 và vì xử lý sai các tài liệu mật - cũng như bản án làm giả các tài liệu liên quan đến khoản tiền bịt miệng cho một ngôi sao phim người lớn - đều là kết quả của một âm mưu do Harris và Biden dựng lên. Không có bằng chứng nào cho lời khẳng định đó.

Harris đáp trả bằng cách chỉ ra rằng Trump đã hứa sẽ truy tố kẻ thù của mình nếu ông giành được nhiệm kỳ thứ hai. "Hãy hiểu rằng đây là người đã công khai tuyên bố rằng ông ấy sẽ chấm dứt Hiến pháp", Harris nói.

Cuộc trao đổi nhấn mạnh cách Harris và Trump đều coi đối thủ của mình là mối đe dọa đối với nền dân chủ.

Phương Anh (Nguồn: Reuters )

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nuoc-my-trong-cuoc-tranh-luan-nay-lua-trump-harris-ar895291.html
Zalo