Vụ ám sát cựu Tổng thống Trump - Bạo lực chính trị phủ bóng bầu cử Mỹ
Vụ ám sát thứ 2 chỉ trong vòng 2 tháng nhằm vào cựu Tổng thống Trump đã gây chấn động nền chính trị Mỹ khi làm gia tăng mối lo ngại về sự an toàn của các ứng cử viên và bạo lực chính trị trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.
Vụ ám sát này đã buộc chính quyền Mỹ phải gia tăng các biện pháp an ninh trước thềm bầu cử Mỹ và làm bùng nổ các cuộc tranh luận về sự phân cực sâu sắc trong chính trường nước này.
Ryan Wesley Routh, nghi phạm của vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Trump đã bị cáo buộc 2 tội danh liên quan đến súng: sở hữu súng dù là người từng bị kết án trọng tội và sở hữu súng đã bị xóa số seri. Nếu bị kết tội, Ryan Wesly Routh có thể phải đối mặt với án tù 15 năm vì tội danh thứ nhất và tối đa 5 năm vì tội danh thứ 2. Phiên điều trần tạm giam đã được ấn định vào ngày 23/09 và phiên tòa luận tội là vào ngày 30/09.
Ryan Wesley Routh đã bị phát hiện trốn trong bụi rậm với một khẩu súng trường khi cựu Tổng thống Mỹ đang chơi golf ở gần đó.
Theo Đại diện đặc biệt của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tại Miami Jeffrey B.Veltri, nghi phạm có thể đã chờ đợi gần 12 giờ để thực hiện hành vi phạm tội của mình: “Các nhóm điều tra của chúng tôi đã tiến hành rà soát khu phố để thu thập và có được các cảnh quay video có liên quan. Đối tượng có sự hiện diện trực tuyến tích cực và chúng tôi đang xem xét những gì nghi phạm đăng hay tìm kiếm. Ngoài ra, chúng tôi đang xem xét các báo cáo trên phương tiện truyền thông và các tuyên bố công khai mà nghi phạm đưa ra liên quan đến Afghanistan và cuộc xung đột tại Ukraine.”
Do không nhìn thấy ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa trong tầm mắt của mình, nghi phạm Ryan Wesley Routh đã không bắn bất kỳ phát súng nào. Tuy nhiên, vụ việc đã đặt ra câu hỏi về cách một người đàn ông có vũ trang có thể đến gần ông Đô-nan Trăm như vậy, chỉ 2 tháng sau khi một tay súng khác bắn sượt qua tai ông trong một cuộc mít-tinh vận động tranh cử vào ngày 13/7 tại Pennsylvania.
Hệ thống chính trị Mỹ đã phải đối mặt với những tình huống chưa từng có. Đương kim Tổng thống Joe Biden quyết định rút lui khỏi đường đua để ủng hộ cấp phó của mình, bà Harris, trong khi ông Trump tìm cách giành được sự ủng hộ của công chúng trong khi đối mặt với các cáo buộc hình sự. Và sự cố mới nhất và tác động của nó được dự báo sẽ chi phối diễn ngôn chính trị của các ứng cử viên trong những tuần trước Ngày bầu cử. Phát biểu ngay sau vụ việc, cả Tổng thống Biden và phó Tổng thống Harris đều tuyên bố “Bạo lực không có chỗ ở nước Mỹ”. Ông Trump cũng cam kết không có gì có thể làm chậm bước tiến hay buộc ông phải rút lui khỏi cuộc đua bầu cử.
Kết quả một cuộc thăm dò mới đây cho thấy, 2/3 số người Mỹ trưởng thành cho biết họ lo ngại rằng những kẻ cực đoan sẽ thực hiện các hành vi bạo lực sau bầu cử nếu không hài lòng với kết quả. Trước đó, hồi đầu năm nay, trong số các mối đe dọa khác, Bộ An ninh nội địa Mỹ đặc biệt lưu ý nguy cơ mất an ninh tại các điểm bầu cử địa phương, từ nỗ lực đe dọa nhân viên phụ trách bỏ phiếu, tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng bầu cử, quan chức nhà nước, các ứng cử viên hay các tổ chức chính trị, cho tới các hoạt động tác động từ nước ngoài nhằm gây phương hại cho các thể chế và quy trình dân chủ, thao túng dư luận hoặc gây chia rẽ.