Nước mặn tăng đột biến, nguy cơ ảnh hưởng nhiều diện tích lúa ở Tiền Giang
Hiện nay, độ mặn trên sông Tiền địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp và có thời điểm tăng đột biến 'tấn công' đến thành phố Mỹ Tho. Tại vùng Gò Công có nhiều diện tích lúa Đông Xuân gieo sạ trễ có nguy cơ thiếu nước ngọt.
Ngày 28/12, độ mặn xâm nhập trên sông Tiền tăng đột biến. Tại thành phố Mỹ Tho độ mặn đo được là 0,64g/lít. Tại khu vực cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) độ mặn hơn 2 gam/lít , cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn Tiền Giang, xâm nhập mặn mùa khô 2024 – 2025 sớm hơn mùa khô 2023 - 2024 gần 25 ngày. Tại thành phố Mỹ Tho ngày hôm nay (29-12) độ mặn ở sông Tiền giảm chỉ còn 0,17 gam/lít nhưng tình hình diễn biến mặn rất phức tạp, do đó, cần có giải pháp chủ động ứng phó.
Đáng lo ngại là đối với diện tích lúa Đông Xuân ở các huyện vùng “Ngọt hóa Gò Công” của tỉnh Tiền Giang có gần 20.000 ha; trong đó có hàng nghìn ha lúa gieo sạ trễ lịch thời vụ, nhất là sau ngày 20/12 có nguy cơ bị thiếu nước ngọt khi mặn xâm nhập sâu. Hiện nay, công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tiền Giang đang tăng cường khâu lấy nước ngọt vào kênh mương nội đồng, nhất là cống Xuân Hòa- đầu mối cung cấp nước ngọt cho cả khu vực phía Đông.
Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: "Qua con nước này thì giảm dần, nay mặn đã giảm rồi. Cống Bảo Định (Tp. Mỹ Tho) nay lấy nước ngọt trở lại, cống Xuân Hòa còn trên 2gam/lít, mình đang lấy gạn ở chân triều. Lúa Đông Xuân năm nay, người dân làm rất trễ, lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ tới 20/12 nhưng xuống giống sau ngày này khá nhiều. Bây giờ công ty khai thác tối đa để trữ nước, đang triều kém nếu có nước ngọt thì lấy vô luôn. Bây giờ chưa thể đánh giá được đâu, nếu mặn gay gắt luôn thì nguy cơ, nếu mà chân triều mình cứ lấy gạ đến tháng 2 mới đánh giá được, khả năng tuần sau cống Xuân Hòa lấy nước ngọt lại”.