Nước lũ tại Huế và Nha Trang đang xuống chậm, nhưng vẫn còn mưa lớn

Tính đến sáng 16-11, lũ trên các sông tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đang xuống chậm. Tuy nhiên, lũ trên một số sông thuộc địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang ở mức cao. Cơ quan khí tượng thủy văn dự báo, tình hình mưa lũ miền Trung còn phức tạp, người dân cần theo dõi sát tình hình.

Hình ảnh điểm ngập số 78 Bến Nghé thành phố Huế lúc 9h sáng ngày 16-11. Ảnh: Hue-S

Hình ảnh điểm ngập số 78 Bến Nghé thành phố Huế lúc 9h sáng ngày 16-11. Ảnh: Hue-S

Lũ tại Huế đã đạt đỉnh và xuống chậm

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong 12 giờ qua, lũ trên các sông đã đạt đỉnh và xuống chậm. Sáng 16-11, mực nước sông Hương tại trạm Kim Long là 3,33m, thấp hơn báo động 30,17m. Sông Bồ tại trạm Phú Ốc: 4,40cm, nhỏ hơn báo động 3: 0,10m. Sông Ô Lâu tại trạm Phong Bình: 2,24m. Sông Truồi tại trạm Truồi: 1,89m.

Hình ảnh điểm ngập Đập Đá, thành phố Huế lúc 8h22 ngày 16-11. Ảnh: Hue-S.

Hình ảnh điểm ngập Đập Đá, thành phố Huế lúc 8h22 ngày 16-11. Ảnh: Hue-S.

Dự báo lũ trên các sông tiếp tục xuống chậm. Với tình trạng này, một số địa phương vùng trũng thấp ven các sông nêu trên vẫn có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, nhất là tại các huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà, Phú Vang, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế, Phú Lộc, Nam Đông.

Trước tình hình lũ diễn biến phức tạp, ngày 16-11, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho học sinh tiếp tục nghỉ học trong các ngày 16 và 17-11. Tại những nơi nước đã rút hoặc không thuộc vùng ngập lụt, Sở giao hiệu trưởng các trường và giám đốc các trung tâm tự đánh giá mức độ an toàn và bảo đảm an toàn đi lại của học sinh, giáo viên để quyết định việc tổ chức học tập.

Công nhân môi trường dọn rác trên sông Hương đoạn qua thành phố Huế sáng 16-11. Ảnh: Xuân Định.

Công nhân môi trường dọn rác trên sông Hương đoạn qua thành phố Huế sáng 16-11. Ảnh: Xuân Định.

Trước đó, từ ngày 13-11, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to trên diện rộng, dự kiến kéo dài đến ngày 17-11. Lượng mưa phổ biến 120-500mm, riêng huyện Nam Đông và Phú Lộc 300-750mm. Tại thành phố Huế, lượng mưa từ 80 - 140mm. Mưa lớn khiến nhiều vùng trũng thấp ngập lụt, giao thông đường sắt qua tỉnh phải tạm ngưng.

Trong ngày 16-11, mưa có giảm, tuy nhiên, dự báo chiều tối và đêm 17-11, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 70mm. Từ ngày 18-11, mưa suy yếu và kết thúc đợt mưa lớn này.

Một điểm xâm thực bờ biển tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Một điểm xâm thực bờ biển tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tuy nước lũ trên các sông đã xuống, nhưng sạt lở bờ biển lại đang là nỗi lo mới cho một số địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tính đến sáng 16-11, bờ biển tại xã Giang Hải, huyện Phú Lộc bị xâm thực suốt 600m chiều dài, chiều sâu có nơi đến 9m. Khoảng 100 hộ dân trong vùng ảnh hưởng. Tại xã Vinh Mỹ, 3,5km bờ biển bị xâm thực, có nơi đến 6m, chính quyền địa phương tiếp tục nắm bắt tình hình để kịp thời báo cáo các cấp, ngành có liên quan.

Khánh Hòa vẫn mưa lớn

Sáng 16-11, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Khánh Hòa thông tin, mực nước lũ sông Cái đoạn qua thành phố Nha Trang đang ở mức 7,68m, dưới mức báo động 1 là 0,32m và đang xuống chậm. Nước sông Dinh tại Ninh Hòa đang ở mức 5,45m, dưới báo động 3 là 0,25m, nhưng đang tiếp tục lên chậm, sau đó xuống dần. Cơ quan này cảnh báo người dân không nên chủ quan bởi dự báo trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa lớn.

Nước lũ vẫn cao tại hạ lưu sông Cái, tỉnh Khánh Hòa sáng 16-11. Ảnh: Quốc Bảo.

Nước lũ vẫn cao tại hạ lưu sông Cái, tỉnh Khánh Hòa sáng 16-11. Ảnh: Quốc Bảo.

Dự báo, ngày 16 và 17-11, khu vực tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông; mưa lớn tập trung trong ngày 16-11, sau đó có xu hướng giảm dần. Tổng lượng mưa từ nay đến hết ngày 17-11, phổ biến 80-120mm, có nơi cao hơn 150mm.

Tính đến sáng 16-11, nhiều trường học tại các vùng trũng thấp của thành phố Nha Trang và các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa… vẫn cho học sinh nghỉ học.

Cầu gỗ Phước Kiểng bắc qua sông Cái tại xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang bị trôi đoạn giữa. Ảnh: Quốc Bảo.

Cầu gỗ Phước Kiểng bắc qua sông Cái tại xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang bị trôi đoạn giữa. Ảnh: Quốc Bảo.

Trong tối và đêm 15-11, nhiều địa phương của tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức sơ tán các hộ dân trong vùng trũng thấp đến nơi an toàn. Cụ thể, huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện sơ tán 15 hộ dân với 65 khẩu. Huyện Cam Lâm giải cứu thành công 2 người dân bị nước lũ cô lập ở thôn Tân Xương, xã Suối Cát. Thành phố Nha Trang đã vận động được 13 hộ với 51 khẩu thuộc phường Vĩnh Trường sơ tán đến nhà văn hóa phường và nhà của người thân trong khu vực.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nuoc-lu-tai-hue-va-nha-trang-dang-xuong-cham-nhung-van-con-mua-lon-648104.html
Zalo