Nước các sông tiếp tục dâng cao, Ninh Bình - Thanh Hóa triển khai phương án hộ đê
Ngày 12/9, mức tại các sông Hoàng Long, sông Đáy (Ninh Bình) và sông Bưởi, sông Cầu Chày, sông Yên (Thanh Hóa) đang lên cao, lực lượng chức năng đã triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động...
Tại tỉnh Ninh Bình, theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh này, vào 8 giờ ngày 12/9, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,67m (trên báo động 3: 0,67m), tại Gián Khẩu 4,27m (trên báo động 3 là 0,57m); sông Đáy tại Ninh Bình 4,02m (trên báo động 3 là 0,52m), trên mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017 là 0,08m.
NGẬP LỤT DIỆN RỘNG
Dự báo, trong 12-4 giờ tới, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu tiếp tục lên; tại Bến Đế khả năng lên mức 5,20-5,40m; tại Gián Khẩu lên mức 4,50 - 4,70m. Trên sông Đáy tại Ninh Bình tiếp tục lên mức 4,15- 4,35m.
Mực nước sông lên cao kết hợp mưa lớn, gây ngập lụt diện rộng vùng bãi ven sông và các xã Gia Tiến, Gia Hưng, Gia Thịnh và 2 điểm trường tại thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn; vùng trũng thấp khu vực dân cư trên địa bàn các xã Xích Thổ, Gia Thủy, Lạc Vân, Gia Lâm, Đồng Phong thuộc huyện Nho Quan; các vùng trũng, thấp, ven sông trên địa bàn thành phố Ninh Bình; lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi, sườn dốc, các xã thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp.
Để chủ động ứng phó mưa lũ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình yêu cầu, các sở, ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tập trung nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu vào mái đê, kè mái đê, cột điện trên bãi sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê và lưới điện; tạm dừng hoạt động bến đò ngang, bến phà trên sông cho đến khi lũ rút; nghiêm cấm xe có tải trọng lớn chạy trên đê.
Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê; phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là vị trí xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục; công trình đang thi công dở dang theo phương châm "4 tại chỗ"; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu sẵn sàng xử lý kịp thời tình huống phát sinh khi có lũ.
Đồng thời kiểm tra, khơi thông hệ thống thoát nước trong khu đô thị, khu dân cư và vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các công trình đang thi công ảnh hưởng đến tiêu thoát nước; sẵn sàng phương án tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp...
HÀNG TRĂM HỘ DÂN BỊ CÔ LẬP TRONG BIỂN NƯỚC
Tại tỉnh Thanh Hóa, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Thạch Thành, do mưa lớn kéo dài và nước từ thượng nguồn đổ về, sáng 12/9, lũ trên sông Bưởi lại lên trở lại. Lúc 11h sáng, mực nước đo được tại Trạm Thủy văn Kim Tân là 11,3m, trên báo động 2 là 0,3m và đang tiếp tục dâng cao.
Nước lũ dâng cao đã làm gia tăng số nhà dân bị ngập và nhiều tuyến giao thông bị chia cắt. Tính đến trưa ngày 12/9, đã có 231 nhà dân ở 7 xã, thị trấn trên địa bàn bị ngập. Chính quyền địa phương đã tổ chức di dời khẩn cấp 67 hộ gia đình có nhà bị ngập sâu trong nước lũ đến nơi an toàn. Cụ thể các xã: Thành Vinh 3 hộ, Thạch Bình 6 hộ, Thành Trực 39 hộ, Thành Tiến 9 hộ; thị trấn Kim Tân 8 hộ, thị trấn Vân Du 2 hộ.
Mưa lũ cũng khiến 20,9 km đường giao thông trên địa bàn bị ngập, khiến nhiều khu vực dân cư bị chia cắt. Cụ thể ở các xã: Thành Minh, Thành Công, Thành Tân, Thành Trực, Ngọc Trạo, Thành Tâm, Thành Tiến, Thành Long và thị trấn Kim Tân, nhiều đoạn đường bị ngập sâu đến 1,7m.
Trong số hộ dân bị ngập nhà cửa, tại khu phố Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân có tới 95 hộ trong tổng số 100 hộ dân của khu phố. 77 hộ dân trong số này đã bị ngập nhà cửa từ đầu đợt lũ này (ngày 9/9). Tuyến đường chính dẫn vào khu phố và đường nhánh với tổng chiều dài 3km cũng bị ngập sâu, có đoạn ngập hơn 1,5m, khiến toàn bị khu phố bị chia cắt.
Tại xã Thành Trực, tính đến trưa 12/9, nước lũ dâng cao tràn qua tỉnh lộ 523 khiến 79 hộ bị ngập sâu từ 0,8m-1,2m và 595 hộ bị cô lập, chia cắt. Công tác cấp phát lương thực, thực phẩm, nước uống hỗ trợ các hộ dân bị ngập nhà đã được chính quyền xã triển khai từ chiều 11/9.
PHÁT LỆNH BÁO ĐỘNG 1 TRÊN SÔNG CẦU CHÀY VÀ SÔNG YÊN
Hồi 10 giờ ngày 12/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã phát đi Công điện số 14, Công điện số 15 phát lệnh báo động 1 trên sông Cầu Chày và sông Yên.
Hồi 10 giờ ngày 12/9, mực nước trên sông Yên tại Trạm Thủy văn Chuối (Nông Cống) đạt 1,47m, dưới mức báo động I là 0,53m. Theo tin cảnh báo lũ của Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, trên sông Yên tại Trạm Thủy văn Chuối có khả năng lên mức báo động I (+2,00 m) vào khoảng 14 đến 16 giờ cùng ngày. Hồi 9 giờ cùng ngày, mực nước trên sông Cầu Chày tại trạm Thủy văn Xuân Vinh (Thọ Xuân) đạt 7,77m, dưới mức báo động I là 0,23m. Theo tin cảnh báo lũ của đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, trên sông Cầu Chày tại Trạm Thủy văn Xuân Vinh có khả năng lên mức báo động 1 (+8.00 m) vào khoảng 14 đến 16 giờ ngày 12/9.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện: Nông Cống, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa và Yên Định triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động. Tổ chức kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý bảo đảm an toàn cho công trình đê điều, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn. Chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng Thường trực Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh và văn phòng Thường trực Phòng thủ dân sự, Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa.