Công nghệ số tiếp bước 'Hành trình nét vẽ thời gian'

Khi rong ruổi trên ngàn dặm đất nước để họa nên chân dung Mẹ, đôi lúc họa sĩ Đặng Ái Việt lo lắng. Chẳng phải lo chiếc Chaly chết máy dọc đường, chẳng phải lo thân mình nhọc nhằn gió bụi, điều bà lo nhất chính là những bức tranh bị hư hại qua nắng mưa thời gian. Giờ đây, nỗi lo lắng ấy tan biến khi gia tài hơn 3.000 bức tranh Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được giữ gìn và chia sẻ bằng công nghệ số.

Ngày 11/4, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình giao lưu với họa sĩ Đặng Ái Việt và giới thiệu website “Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Ra mắt nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), website như một món quà ý nghĩa mà thế hệ trẻ hôm nay dành tặng họa sĩ Đặng Ái Việt, tri ân “Hành trình nét thời gian” tạc nên huyền thoại Mẹ miệt mài hơn 10 năm trời của bà.

Họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ tại buổi giao lưu ngày 11/4.

Họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ tại buổi giao lưu ngày 11/4.

Theo ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý, thuộc Sở Khoa học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, website “Mẹ Việt Nam Anh hùng” (https://chandungme.vn/) được Trung tâm xây dựng từ tháng 1/2020. Đây là dự án được đánh giá mang tính nhân văn cao khi số hóa hơn 3.000 bức vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng từ Nam ra Bắc do Họa sĩ Đặng Ái Việt thực hiện từ năm 2010 đến nay qua nhiều hành trình xuyên Việt.

Ngoài ảnh chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng, trang web còn thêm các trang giới thiệu về từng bức ảnh, lý lịch trích ngang hay câu chuyện về các Mẹ, cũng như hoàn cảnh ra đời bức chân dung giúp người xem dễ hình dung và thấu hiểu sự hy sinh của các Mẹ. Đây không chỉ đơn thuần là trang thông tin mà là kho lưu trữ tiện ích, góp phần tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tại buổi giao lưu, họa sĩ Đặng Ái Việt không giấu được sự xúc động khi nhìn thấy những đứa con tinh thần trên giao diện website đẹp đẽ và đầy cuốn hút: “Xin cảm ơn thế hệ các bạn trẻ đã chia lửa với tôi, để “Hành trình nét thời gian” được tiếp tục, đặc biệt là được lan tỏa mãi về sau. Thực hiện hành trình này, tôi có làm câu thơ: Ta đi đâu phải để cầu danh/ Chẳng phải thiền sư, chẳng thỉnh kinh/ Ta tìm hình ảnh người mẹ Việt/ Để lại ngàn năm cho thế nhân. Nhưng tôi cũng trăn trở rằng nếu lưu giữ bằng những tờ giấy vẽ như thế này thì e rằng lưu giữ “ngàn năm” là không thể, nên gặp được các bạn trẻ dùng kỹ thuật số để lưu lại cho ngàn đời sau thì tôi vỡ òa mừng vui, hạnh phúc. Việc số hóa và lưu giữ những bức chân dung này là dành cho thế hệ trẻ có thể xem và ghi nhớ sự hy sinh của người đi trước, qua đó hun đúc lòng yêu nước để họ biết nghiêng mình trước những con người đã hóa thành hồn sông dáng núi thiêng liêng”.

Dự án “Hành trình nét thời gian” là tâm nguyện của họa sĩ Đặng Ái Việt và người bạn đời - NSND, nhà quay phim Phạm Khắc (nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh). Họ muốn làm gì đó tri ân đồng đội, tri ân những người hy sinh xương máu vì nền độc lập tự do. Đang loay hoay chưa biết bắt đầu bằng tuyến nhân vật nào thì năm 1994, Nhà nước ra quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Hai vợ chồng mừng rỡ vì đó là biểu tượng thiêng liêng, cao quý nhất: Mẹ Tổ quốc. Nhưng khi họ chuẩn bị đâu vào đấy để lên đường thì ông mất. Sau ba năm mãn tang, bà lên đường hiện thực hóa lời hứa với bạn đời.

Chuyến đi đầu tiên khởi hành trên chiếc Chaly cũ kỹ vào một ngày mùa xuân 2010. Thấm thoắt 15 năm trôi qua, từ mũi Cà Mau đến cột cờ Lũng Cú, từ miền biển nghèo khó đến rẻo cao cheo leo của 63 tỉnh thành đều in dấu bước chân bà lão nhỏ bé ấy. Người ta tự hỏi, bà lão đó lấy đâu ra sức vóc và nghị lực để rong ruổi ngần ấy năm trên chừng ấy chặng đường, khi trèo đèo, khi lội suối, vượt bùn... với chiếc xe máy cà tàng? Họa sĩ Đặng Ái Việt cười: “Chỉ cần niềm đam mê cháy bỏng và chuẩn bị mọi thứ thật khoa học, nghiêm túc thì đều có thể vượt qua”.

Trước khi bắt đầu hành trình, mỗi ngày bà tập đi bộ cho thể lực tốt dần lên. Để tăng cường độ dẻo dai, bà đeo thêm ba lô chứa sỏi, đá. Cứ một tuần, bà lại nhịn ăn một ngày hoặc tăng lên 2, 3 ngày để rèn sức chịu đói nếu chẳng may bị lạc trong rừng. Vật dụng đi đường cũng có đầy đủ. Hễ đang chạy mà trời mưa thì có ngay cái lọng gạt lên che chắn. Lúc mệt hay đường đi quá khó, cái xe nhanh chóng trở thành chiếc lều cho bà ngả lưng. Một mình một “ngựa” nên dù thân là phụ nữ, lại già cả nhưng bà vẫn mày mò tự học về máy móc, cơ chế vận hành của xe máy để lỡ may nó dở chứng thì còn tự xoay xở dọc đường gió bụi. Trong chuyến xuyên Việt lần 3 năm 2012, chiếc Chaly hoàn thành sứ mệnh. Bà đành đồng hành cùng người bạn mới là chiếc Cub 50.

Hơn hết, bà coi hành trình của mình là một món nợ ân tình phải trả, phải chạy đua với thời gian để mà trả. Bởi “mẹ già như chuối chín cây”. Thủ pháp ký họa của bà đi theo quan niệm “hữu ư tâm xuất hình ư diện” như lời bà tâm sự: “Cái tôi vẽ không phải là gương mặt của các mẹ mà là linh hồn của họ”. Mỗi ký họa Mẹ là một câu chuyện, một số phận bi hùng khiến họa sĩ Đặng Ái Việt cầm cây cọ họa nên với tất cả sự ngưỡng vọng.

Lần đến gặp Mẹ Nguyễn Thị Nghí ở xã Đại Minh, Yên Bình (Yên Bái) thì Mẹ bị ốm, hơi thở héo hắt. Bà không định vẽ nhưng các con năn nỉ tha thiết. Trong nhật ký, bà viết: “Nhìn lên bàn thờ, 3 bằng Tổ quốc ghi công và những di ảnh liệt sĩ như nhìn mình trách móc, tôi quyết định vẽ. Vẽ trong nước mắt. Mẹ cũng cảm nhận nỗi niềm xúc động của họa sĩ. Mẹ yên lặng, mắt chớp chớp. Mẹ đang vui đấy. Cho một vài nét nhấn bắt được niềm vui của mẹ như nắng hoàng hôn sắp tắt nhưng vẫn lóe lên màu tím cuối chân trời”.

Đến vẽ Mẹ Bùi Thị Dậy ở Quảng Ngãi, bà nghẹn ngào khi gặp Mẹ không phải ở nhà mà Mẹ đang bán khoai lang ngoài chợ nhỏ. Mẹ nhặt từng củ khoai văng ra ngoài, gom lại cho khách chọn…

Website "Mẹ Việt Nam Anh hùng".

Website "Mẹ Việt Nam Anh hùng".

Trên website, những trang nhật ký viết vội trên yên xe của họa sĩ Đặng Ái Việt vẫn chưa được chia sẻ rộng rãi. Có lẽ bà không muốn kể lể nhiều về khó khăn của mình. Chỉ có những vần thơ “Tâm sự với xe Chaly” trên website hé mở phần nào hành trình gian khổ mà đầy nghị lực của bà. “Sợ Chaly đói xăng ta vội châm đầy/ Còn ta đói mềm chân, sổ mũi… át xì…/ Nhưng cứ mặc! Đừng bao giờ chùn chí”. Hay trong bài “Tâm sự với xe Chaly 5”, bà viết: “Chaly có nhớ một lần… Tại thủy điện Sông Đà/ Mi ngã ngang ta rưng rưng trong mưa bụi/ Mi tuột xích, còn ta… nhớ con, nhớ cháu nội/ Nếu chết nơi này… không có đất để chôn”.

Vụ tai nạn này từng được bà ghi lại trong nhật ký ngày 7/6/2011 ở Lai Châu: “7h15 rời Mường Lay. Trời mưa. Vẫn là đường nhựa, nhưng nhiều đoạn núi lở, những tảng đá hàng tấn không biết lở lúc nào nhưng vết đất đá vẫn còn mới lắm. 9h đến công trường thủy điện sông Đà, đường ngổn ngang bùn lầy. Tập trung toàn bộ sức lực, cho xe chạy từ từ qua mấy đoạn bùn ngập bánh xe. Chaly và mình ngã ngang giữa dốc. Chân mình va vào bô xe máy bị bỏng rát”.

Nhưng gian nan, vất vả ấy mau chóng tan biến khi bà gặp được Mẹ. Niềm hân hoan như đứa con xa nhà trở về sau bao năm cách biệt. Bởi con của Mẹ cũng chính là những đồng đội đã vào sinh ra tử cùng bà. Họa sĩ nhớ hoài giấc ngủ trưa chưa bao giờ ngon lành, say sưa đến thế khi nằm bên Mẹ Nhẹ ở Thanh Hóa. Lúc ấy, họa sĩ Đặng Ái Việt thấy mình như bé lại, như trẻ thơ rúc vào nách mẹ nghe tiếng “ầu ơ”. “Tỉnh giấc, hình như mẹ đang thút thít. “Mẹ không ngủ à?” - “Buổi trưa mẹ không ngủ, chỉ nằm thôi”. Từ lâu lắm, mẹ cô đơn một bóng không ai nằm kề bên, giờ đây chắc mẹ đang tận hưởng cái hạnh phúc được nằm bên người khách gọi mình bằng mẹ, tuy xa lạ nhưng lại rất gần gũi” - họa sĩ nhớ lại.

Trọn vẹn tấm ân tình, những năm qua, tất cả tranh bà không bán mà đều hiến tặng cho các bảo tàng như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ… Từ buổi triển lãm đầu tiên năm 2010, đến nay nữ họa sĩ 77 tuổi ấy đã có hàng chục cuộc triển lãm lớn nhỏ để mang gia tài ấy giới thiệu đến với nhân dân mọi miền Tổ quốc. Nay, khi mái tóc đã bạc màu sương gió, chân mỏi gối chùn, bà mang cả gia tài ấy trao trọn cho lớp trẻ, để hành trình uống nước nhờ nguồn được thế hệ hôm nay nối tiếp, lan tỏa bằng công nghệ số.

Phú Lữ - Quỳnh Nga

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/cong-nghe-so-tiep-buoc-hanh-trinh-net-ve-thoi-gian-i765533/
Zalo