Nửa thế kỷ đờn ca
Chúng tôi đến nhà ông Trần Ngọc Nương và bà Võ Thị Lật (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) đúng dịp ông bà kỷ niệm 43 năm ngày cưới. Sau mấy lời bông đùa, căn nhà nhỏ rộn tiếng cười. Nhờ luôn lạc quan, vui vẻ mà họ dìu nhau vượt qua bao gian khó, xây dựng cơ ngơi vững chãi dù ông chưa một lần nhìn thấy mặt bà.
Cha mẹ sinh ra lành lặn, năm lên 4 tuổi, ông Nương trải qua cơn bệnh nặng, từ đó không còn nhìn thấy gì. Năm 1972, ông đi học chữ nổi, sau đó học tân nhạc và cổ nhạc. Đến năm 1981, ông thành thạo các ngón đờn, cũng giai đoạn này ông gặp được bà.
Ban đầu, gia đình bên bà ngăn cản vì ông là người khiếm thị nhưng rồi duyên nợ cũng đưa ông bà đến với nhau. Sau đó, vợ chồng ông chuyển về sinh sống tại huyện Vĩnh Hưng.
Ông Nương kể: “Lúc đó khổ lắm! Sống ở xứ “cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn” mà có khi nhiều tháng liền không biết đến miếng cá, ăn cơm với muối quẹt là thường bởi bà sợ đỉa, có đám ruộng nhỏ nhưng không dám lội xuống, cho mướn cũng chẳng được mấy đồng. Bà gánh mắm ruốc đi bán, tôi mưu sinh bằng nhiều nghề, chỉ mong có tiền nuôi vợ, nuôi con".
Năm 1990, ông bà về lại Cần Đước với hai bàn tay trắng. Cha mẹ vợ chở lá dừa nước, cây đước từ huyện Cần Giờ (TP.HCM) lên phụ lợp căn nhà nhỏ. Có chỗ che nắng, che mưa, dù đơn sơ nhưng cũng giúp ông bà an tâm phần nào.
Có chỗ ở ổn định, cả nhà ông cùng đi bán vé số. Có hôm, gần 1 giờ sáng mà chưa thấy con về, ông bà tất tả đi tìm. Thấy con nằm ngủ ngon lành trong một cái cần xé bên hông chợ, hai vợ chồng vừa mừng, vừa tủi.
Nhờ nỗ lực không ngừng, vài năm sau, ông mua được miếng đất, sửa lại ngôi nhà vững chãi hơn. Trong thời gian 17 năm bán vé số, ông vẫn không quên nghề đờn. Sau này, nghề đờn trở thành cơ sở để gia đình vươn lên.
Hơn chục năm trở lại đây, ông “sống khỏe” nhờ nghề đờn. Người dân dần quen với hình ảnh người đàn ông mù với ngón đờn điêu luyện. Ông Nương chia sẻ: “Người xưa đờn ca chỉ để vui, ngày nay nó trở thành kế sinh nhai nhưng không phải vì tiền mà mình cẩu thả, muốn đờn thế nào, muốn ca làm sao cũng được”.
Nhờ biết chơi cả tân nhạc và cổ nhạc nên ông khá đắt "sô". Lúc nào đám tiệc nhiều, ông kiếm hơn 1 triệu đồng/ngày. Kinh tế ổn định, bà nghỉ bán vé số, ở nhà nội trợ và phụ chăm các cháu. Đến nay, ông đã dạy gần 100 người biết đờn, hơn 100 người biết ca.
Hiện tại, ông là Chủ tịch Hội Người mù huyện Cần Đước. Với vai trò này, ông hết lòng chăm lo cho hội viên. Nhiều năm nay, ông dạy đờn và chữ nổi miễn phí cho người cùng cảnh ngộ. Bà Nguyễn Thị Mến có 2 người thân bị khiếm thị. Do khâm phục tinh thần, nghĩa cử của ông Nương mà bà tình nguyện lái xe chở ông đi dạy đờn cho hội viên, chỉ lấy tiền đủ đổ xăng.
Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Kim Lành, ông Trần Ngọc Nương có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Bên cạnh được nhận đầy đủ chế độ bảo trợ xã hội dành cho người khuyết tật, ông còn tự nỗ lực, nhờ đó kinh tế đi lên, cuộc sống ổn định.
Khi được hỏi niềm mong mỏi hiện tại, ông Nương trải lòng: “Tôi từ tay trắng đi lên, hiện giờ cuộc sống đã ổn, không cần gì. Tôi chỉ mong có kinh phí để thành lập câu lạc bộ đờn ca người mù huyện Cần Đước để tạo sinh kế cho người mù, giúp họ có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống”.
Hiện tại, Hội Người mù huyện Cần Đước có 162 hội viên, đã có 5 người biết đờn ca. Mong rằng, ước nguyện của ông Nương sớm thành hiện thực./.