'Nữ tướng' gây mê

Gần 35 năm công tác trong ngành y tế, bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Thị Kim Loan, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thống Nhất, đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Bà được xem là 'nữ tướng' trong các ca mổ khó, giúp hàng ngàn bệnh nhân bình phục ngoạn mục.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan thăm hỏi một bệnh nhân sau ca mổ. Ảnh: H.Dung

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan thăm hỏi một bệnh nhân sau ca mổ. Ảnh: H.Dung

Với người dành toàn bộ tâm, trí, lực cho bệnh viện và luôn xem bệnh nhân là trung tâm như BS Kim Loan thì việc được cứu chữa cho bệnh nhân là để thỏa đam mê và nhận về niềm hạnh phúc lớn lao.

Ca mổ để đời

BS Kim Loan tâm sự, từ khi là BS điều trị đến khi là Phó giám đốc phụ trách bệnh viện, bà luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Không chỉ phát triển chuyên môn đáp ứng yêu cầu phẫu thuật ngoại khoa theo từng giai đoạn, BS Kim Loan còn là người tiên phong ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu để gây mê, hồi sức cho bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân có bệnh lý nền, giảm đau đa mô thức bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng, giảm đau chuyển dạ…

Năm 2016, BVĐK Thống Nhất là bệnh viện đầu tiên trong tỉnh triển khai mổ tim hở. BS Kim Loan trực tiếp quản lý, điều hành việc mổ cho bệnh nhân trong các ca mổ tim. Trong số hàng ngàn ca phẫu thuật, BS Kim Loan ấn tượng nhất với trường hợp bệnh nhân H.T.T.L. (quê tỉnh Bình Thuận) bị tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến giập phổi, vỡ bàng quang, gãy xương chậu, gãy xương đùi, chấn thương ngực. Mặc dù mất 2/3 lượng máu trong cơ thể, được các BS của 4 bệnh viện tại Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh giải thích cần phải truyền máu trong mổ nhưng bệnh nhân và người nhà có tâm nguyện không nhận máu.

Sau khi nhận được thông tin, Ban giám đốc BVĐK Thống Nhất đã xin ý kiến lãnh đạo Sở Y tế và đồng ý tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, ngay lập tức được mổ cấp cứu khẩn, dẫn lưu màng phổi hai bên, cố định xương chậu, xương đùi, cầm máu. BS Kim Loan là người trực tiếp “canh” bệnh nhân, nuôi ăn dinh dưỡng, thường xuyên động viên, giúp đỡ bệnh nhân và người nhà. Đồng thời, thành lập ê kíp gồm các BS, chuyên gia giỏi, sẵn sàng thực hiện các lần mổ tiếp theo.

Bác sĩ chuyên khoa II NGUYỄN THỊ KIM LOAN đã nhận được nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công đoàn Y tế Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh... Bà là một trong 16 cá nhân của tỉnh được phong tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc Ưu tú trong năm 2024.

4 ngày sau ca mổ đầu tiên, lượng máu trong cơ thể bệnh nhân tăng lên, ca mổ thứ 2 được tiến hành. BS Kim Loan gây mê, BS Nguyễn Sơn (Trưởng khoa Ngoại tổng quát) thực hiện phẫu thuật khâu bàng quang nội soi cho người bệnh. Sau đó 7 ngày, lượng máu của bệnh nhân tiếp tục lên, BS Kim Loan lại trực tiếp gây mê, BS Nguyễn Tường Quang khi đó là Trưởng khoa Ngoại, chấn thương chỉnh hình thực hiện ca phẫu thuật kết hợp liên mấu chuyển xương đùi, cố định xương chậu.

Điều đặc biệt, trong cả 3 lần mổ không tưởng này là bệnh nhân không truyền bất kỳ giọt máu nào theo tâm nguyện của người bệnh. Do bệnh nhân bị đa chấn thương, để tiến hành phẫu thuật, ê kíp gây mê - hồi sức và phẫu thuật phải phối hợp thực hiện các thao tác rất nhanh, thuần thục, không được phép sơ suất.

“Chúng tôi theo dõi sát mọi chỉ số sinh tồn của người bệnh xuyên suốt trước, trong và sau mổ để điều chỉnh lượng thuốc, chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bệnh nhân hồi phục rất tốt và được xuất viện sau một tháng điều trị. Từng có giảng viên của Bộ môn Gây mê hồi sức Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh sau đó đã lấy ví dụ về trường hợp này để đào tạo cho học viên các khóa gây mê hồi sức, về sự cá thể hóa từng bệnh nhân và thực tế áp dụng kiến thức tổng hợp để giúp cho bệnh nhân” - BS Kim Loan chia sẻ.

Những người hùng thầm lặng

Sau mỗi ca mổ, người được nhắc đến nhiều nhất là các BS phẫu thuật, nhưng ít ai biết, BS gây mê - hồi sức là những người hùng thầm lặng, góp công rất lớn để ca mổ được diễn ra an toàn, suôn sẻ.

Trước mổ, BS gây mê phải khám để đánh giá xem bệnh nhân có đủ điều kiện để phẫu thuật hay không. Từ đó, lựa chọn phương pháp gây mê phù hợp với thể trạng, sức khỏe của từng người bệnh, tiên lượng được ca mổ kéo dài bao lâu, có những vấn đề nào có thể xảy ra để chuẩn bị nhân lực, dụng cụ, vật tư, thiết bị cần thiết, đặc biệt là nguồn máu dự trữ.

BS Kim Loan cho rằng, với BS gây mê, ngoài kiến thức, chuyên môn vững, yêu nghề, thương bệnh nhân, cần phải có sự khéo léo, tỉ mỉ, kỹ năng giao tiếp tốt, kiên trì, nhẫn nại, biết thấu hiểu để trấn an bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, giúp họ vượt qua nỗi lo sợ trước khi phẫu thuật.

Từng chỉ huy nhiều vụ cấp cứu hàng loạt như vụ sập tường ở huyện Trảng Bom hay vụ nổ lò hơi ở huyện Vĩnh Cửu, BS Kim Loan cho biết, với các tình huống khẩn cấp như trên, người “thuyền trưởng” phải thật sự bình tĩnh, nắm chắc quy trình chuyên môn, đội ngũ nhân lực để xử lý, điều phối thứ tự công việc, nếu quyết định chậm là làm chậm đi thời gian can thiệp cho bệnh nhân.

BS Kim Loan mong muốn những BS trẻ sẽ luôn giữ được “lửa” nghề, không ngừng nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi y đức, làm chủ công nghệ, phối hợp tốt với các chuyên khoa khác, cá thể hóa từng bệnh nhân để chăm sóc, nâng cao hơn nữa sức khỏe cho người dân không những trong điều trị, mà còn phòng bệnh chủ động tại nhà.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202502/nu-tuong-gay-me-08f74c9/
Zalo