Nữ thị trưởng ở Philippines có xuất thân bí ẩn
Alice Guo - cựu Thị trưởng thị trấn Bamban trên đảo Luzon đã bị dẫn giải về Philippines sau khi bị bắt giữ ở Indonesia. Người phụ nữ có xuất xứ bí ẩn này đã bỏ trốn khỏi đất nước khi đang bị điều tra về cáo buộc có quan hệ với các tổ chức tội phạm Trung Quốc.
Bộ Tư pháp Philippines thông báo, Alice Guo bị bắt đêm 3-9-2024 tại thành phố Tangerang ở Jakarta, Indonesia. Sau khi bị trục xuất, người phụ nữ này tiếp tục đối mặt với cuộc điều tra ở Philippines.
Alice Guo có tên Trung Quốc là Guo Hua Ping, bị Thượng viện Philippines truy nã vì không hợp tác với cuộc điều tra của Quốc hội xung quanh cáo buộc phạm tội liên quan. Các cơ quan thực thi pháp luật của Philippines, trong đó có Hội đồng chống rửa tiền (AMLC), tháng trước đã đệ trình lên Bộ Tư pháp cáo buộc về tội rửa tiền đối với Alice Guo và 35 người khác. Theo đó, Guo và đồng phạm được cho là đã rửa hơn 100 triệu peso (1,8 triệu USD) thu được từ các hoạt động tội phạm. Alice Guo đã bị cách chức Thị trưởng thị trấn Bamban ở tỉnh Tarlac và trốn khỏi Philippines hồi tháng 7-2024, sau đó sử dụng hộ chiếu Philippines đi du lịch đến Malaysia, Singapore, Indonesia.
Thời còn làm Thị trưởng thị trấn Bamban (một vùng đất nghèo cách Thủ đô Manila khoảng 100km), Alice Guo là một lãnh đạo hào phóng có tiếng. Vào dịp Giáng sinh, bà ta thường tặng quà là giăm bông và mì spaghetti cho người dân địa phương. Khi năm học mới bắt đầu, sẽ tặng vở và cặp sách cho trẻ em. Không xuất thân từ một gia đình chính trị nổi tiếng như thường thấy ở Philippines, Alice Guo đã trở thành nữ Thị trưởng đầu tiên của thị trấn Bamban. Trên mạng xã hội, Guo lúc nào cũng vui vẻ và thân thiện. Trong video mang tựa đề “Một ngày trong cuộc sống” trên YouTube, bà đã khoe chú chó pomeranian lông trắng và màu sắc yêu thích nhất là màu hồng. Dưới sự lãnh đạo của bà, thị trấn Bamban yên tĩnh và ít người biết đến đột nhiên trở thành điểm thu hút đầu tư. Thị trấn đã mọc lên một chi nhánh của McDonald's, chuỗi cửa hàng nổi tiếng Jollibee và một siêu thị mới. Nhưng đúng lúc đó, Alice Guo trở thành tâm điểm của một vụ bê bối gây chấn động Philippines. Bà bị cách chức và bị chính quyền truy nã trong khi những câu hỏi về danh tính thực sự của người phụ nữ này làm người ta nghi ngờ.
Bê bối liên quan đến nữ chính trị gia Alice Guo vỡ lở sau khi lực lượng chức năng đột kích một sòng bạc ở thị trấn Bamban hồi tháng 3-2024 và phát hiện ra tổ hợp lừa đảo trực tuyến đóng tại cơ sở được xây dựng trên đất do Alice Guo sở hữu một phần. Nhà chức trách đã tìm thấy khoảng 1.000 người (bao gồm cả nạn nhân của nạn buôn người) cùng với các biệt thự sang trọng, xe hơi cao cấp và rượu cognac đắt tiền. Các nhà điều tra cũng tìm thấy 1 phòng trú ẩn và 3 đường hầm ngầm mở lối thoát riêng. Chính thông tin từ Đại sứ quán Malaysia tại Manila đã dẫn đến cuộc đột kích này. Nhân viên đại sứ quán cho biết, 1 người đàn ông Malaysia đã bị mắc kẹt bên trong và cầu cứu vì bị tra tấn, đánh đập.
Trước các bằng chứng, bà Alice Guo vẫn phủ nhận các cáo buộc có liên quan đến đường dây phạm tội này. Tại một phiên điều trần trước khi bỏ trốn, cựu lãnh đạo thị trấn Bamban quanh co khi được hỏi về danh tính bản thân. Alice Guo khẳng định bà sinh ra ở Philippines, là “con ngoài giá thú” của một người đàn ông Trung Quốc với mẹ là người Philippines, vốn làm người giúp việc trong nhà. Bà cho biết mình lớn lên tại một trang trại nuôi lợn ở Bamban và được giáo viên dạy học tại nhà. Trước việc Thị trưởng thị trấn phải chật vật cung cấp chi tiết về thời thơ ấu của mình, Tổng thống Philippines hồi tháng 5 lên tiếng: “Chúng tôi thực sự bối rối vì không biết bà ấy đến từ đâu?”. Kỳ lạ hơn, Ủy ban bầu cử địa phương phát hiện ra dấu vân tay trên hồ sơ bầu cử của Alice Guo trùng khớp với dấu vân tay của một công dân Trung Quốc. Điều này làm dấy lên nghi ngờ Alice Guo có thể là gián điệp Trung Quốc hoặc tội phạm bỏ trốn. Thế nhưng, cuộc điều tra đang tiến hành thì Alice Guo rời Philippines bất hợp pháp.
Sau vụ bê bối ở Bamban, các nghị sĩ Philippines đã cảnh báo chính sách cho phép cá nhân đăng ký khai sinh muộn (như trong trường hợp của Alice Guo) có thể là lỗ hổng bị kẻ xấu lợi dụng. Nhà chức trách Philippines đã xác định được 200 cá nhân, chủ yếu là công dân Trung Quốc, đã mua giấy khai sinh giả từ sổ đăng ký hộ tịch tại một thành phố.
Theo Guardian