Nữ sinh Sư phạm lan tỏa tình yêu lịch sử và trách nhiệm của thế hệ trẻ với sứ mệnh xây dựng, phát triển đất nước

Lại Thị Luyến sinh năm 2002 tại Nghệ An, là sinh viên năm 4 chuyên ngành Sư phạm Lịch sử (Chất lượng cao) tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Với đam mê khám phá và ước mơ trở thành một giáo viên tâm huyết, Luyến không ngừng nỗ lực trong học tập, nghiên cứu và rèn luyện. Hiện tại, cô đạt GPA 3.7/4.0 và đã nhận học bổng khuyến khích học tập loại Xuất sắc trong 4 kỳ liên tiếp cùng những thành tựu trong nghiên cứu khoa học là nguồn động lực để nữ sinh cố gắng.

Hành trình vượt khó đến với ước mơ

Ngọn lửa đam mê với môn Lịch sử trong Luyến được nhen nhóm từ những năm học cấp 2 tại Trường THCS Diễn Hạnh. Khi đó, cô bắt đầu cảm thấy hứng thú và khao khát tìm hiểu sâu hơn về lịch sử dân tộc. Ngay từ lớp 8 với sự khơi nguồn cảm hứng của cô giáo Thái Thị Dung, Luyến đã tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử, và đến lớp 9, với sự dẫn dắt của cô giáo Ngô Thị Phương cô được chọn tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, dù kết quả lần đó chưa như ý muốn.

Luyến đã xuất sắc đạt giải Ba trong cuộc thi "Khoảnh khắc Nghiệp vụ" do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nghiệp vụ Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức vào năm 2023.

Luyến đã xuất sắc đạt giải Ba trong cuộc thi "Khoảnh khắc Nghiệp vụ" do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nghiệp vụ Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức vào năm 2023.

Bước vào cấp 3 tại Trường THPT Diễn Châu 3, tỉnh Nghệ An, với tinh thần quyết tâm và sự ủng hộ từ thầy cô, Luyến tiếp tục tham gia các cuộc thi học sinh giỏi Lịch sử và giành giải Nhất. Điều này đã giúp cô được chọn vào đội tuyển thi cấp tỉnh thêm một lần nữa. Lần này, với sự chỉ dẫn và truyền cảm hứng từ cô giáo Bùi Thị Hiên, Luyến đã xuất sắc đạt giải Nhất và trở thành Thủ khoa môn Lịch sử của kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An. Thành công này không chỉ khẳng định năng lực mà còn củng cố thêm niềm tin và khát vọng trở thành giáo viên Lịch sử của cô.

Tuy nhiên, hành trình đến với ngành Sư phạm Lịch sử của Luyến không hề suôn sẻ. Lần thi đại học đầu tiên, cô không đạt được nguyện vọng như mong muốn, vì vậy nữ sinh quyết tâm thi lại để tiếp tục theo đuổi ước mơ làm giáo viên Lịch sử. Thời gian ôn thi lại đầy thử thách, khi Luyến phải vượt qua áp lực từ sự đàm tiếu và tâm lý thất bại.

Lại Thị Luyến (người thứ 4 từ trái sang) và các bạn sinh viên lớp K71CLC đã nhận Giấy chứng nhận tham gia Nghiên cứu Khoa học năm 2024 cùng thầy cố vấn học tập TS. Ninh Xuân Thao.

Lại Thị Luyến (người thứ 4 từ trái sang) và các bạn sinh viên lớp K71CLC đã nhận Giấy chứng nhận tham gia Nghiên cứu Khoa học năm 2024 cùng thầy cố vấn học tập TS. Ninh Xuân Thao.

Nhờ sự ủng hộ từ gia đình và sự giúp đỡ tận tình của thầy cô, đặc biệt là cô Lê Thị Thanh Trang và cô Nguyễn Thái Giang, Luyến đã đỗ vào ngành Sư phạm Lịch sử tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bước ngoặt quan trọng giúp cô tiếp tục kiên trì với ước mơ của mình.

Đến thời điểm hiện tại, cô vẫn luôn nỗ lực vì sự lựa chọn, với mong muốn truyền tải những giá trị truyền thống, tình yêu quê hương đất nước đến học sinh và những người xung quanh. Luyến chưa bao giờ cảm thấy hối hận về sự lựa chọn này. Những khó khăn đã góp phần tạo nên cô của hiện tại và nữ sinh rất biết ơn giai đoạn khó khăn đó vì giúp bản thân trưởng thành, kiên cường hơn.

Hiện cô là Bí thư Chi đoàn K71CLC và Ủy viên Ban chấp hành Liên chi Đoàn khoa Lịch sử.

Hiện cô là Bí thư Chi đoàn K71CLC và Ủy viên Ban chấp hành Liên chi Đoàn khoa Lịch sử.

Học tập tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đặc biệt dưới mái nhà khoa Lịch sử giàu truyền thống đã giúp Luyến không chỉ mở rộng kiến thức lịch sử sâu sắc mà còn tiếp thu được những phương pháp giảng dạy hiện đại và sáng tạo. Những trải nghiệm này đã củng cố niềm tin của Luyến vào con đường mình đã chọn, đồng thời trang bị cho cô những kỹ năng cần thiết để truyền cảm hứng cho học sinh, giúp các em nuôi dưỡng lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.

Nữ cán bộ Đoàn giàu nhiệt huyết

Với những nỗ lực của mình, nữ sinh đã đạt điểm trung bình tích lũy GPA 3.7/4.0 và giành được học bổng khuyến khích học tập loại Xuất sắc của trường trong suốt 4 kỳ liên tiếp. Cô cũng vinh dự nhận danh hiệu sinh viên Xuất sắc năm học 2022 - 2023 và tự hào với các đề tài nghiên cứu khoa học trong bộ môn lý luận và phương pháp dạy học Lịch sử thuộc lĩnh vực Khoa học giáo dục.

Lại Thị Luyến được TS. Nguyễn Văn Ninh - Trưởng khoa Lịch sử đồng thời là giảng viên hướng dẫn trao Giấy chứng nhận tham gia Nghiên cứu khoa học năm 2023.

Lại Thị Luyến được TS. Nguyễn Văn Ninh - Trưởng khoa Lịch sử đồng thời là giảng viên hướng dẫn trao Giấy chứng nhận tham gia Nghiên cứu khoa học năm 2023.

Hoạt động nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng trong hành trình học tập của Luyến. Cô đặc biệt hứng thú và đam mê với các đề tài về lý luận và phương pháp dạy học Lịch sử, luôn tìm cách giúp học sinh phát triển các năng lực cần thiết cho cuộc sống hiện đại, như năng lực số, năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng và khơi dậy niềm đam mê, hứng thú với môn Lịch sử.

Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn - Hội đã mang đến cho Luyến nhiều kỹ năng và trải nghiệm quý giá. Hiện cô là Bí thư Chi đoàn K71CLC và Ủy viên Ban chấp hành Liên chi Đoàn khoa Lịch sử. Trước đó, Luyến đã từng giữ vai trò Đội phó kiêm Trưởng ban Truyền thông của Đội Thanh niên xung kích khoa Lịch sử trong nhiệm kỳ 2022 - 2023.

Lại Thị Luyến (người mặc áo nâu, đứng đầu tiên từ phải sang) cùng các bạn trong lớp K71CLC đã xuất sắc đạt giải Nhì ở phần thi Sân khấu hóa Lịch sử trong Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm do khoa Lịch sử tổ chức năm 2023.

Lại Thị Luyến (người mặc áo nâu, đứng đầu tiên từ phải sang) cùng các bạn trong lớp K71CLC đã xuất sắc đạt giải Nhì ở phần thi Sân khấu hóa Lịch sử trong Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm do khoa Lịch sử tổ chức năm 2023.

Những vai trò này đã giúp cô nâng cao kỹ năng lãnh đạo, thiết kế và nghiệp vụ sư phạm. Luyến đã tham gia thiết kế các ấn phẩm truyền thông cho khoa và các câu lạc bộ, đồng thời phát triển các kỹ năng giảng dạy, thuyết trình, giao tiếp và giải quyết tình huống sư phạm.

Luyến còn tích cực tham gia tổ chức các hoạt động và cuộc thi dành cho sinh viên, cũng như tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, bao gồm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn và tiếp sức cho các sĩ tử trong kỳ thi.

Một trong những hoạt động mà Luyến tự hào nhất là tham gia Thắp hương tri ân tại Nghĩa trang Mai Dịch vào dịp 27/7, ngày Thương binh liệt sĩ. Trải nghiệm này giúp cô hiểu sâu sắc về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ và nhận thức rõ hơn về trách nhiệm công dân. Đồng thời khơi dậy niềm tự hào dân tộc và tinh thần trách nhiệm trong cô, đặc biệt khi cô chuẩn bị trở thành giáo viên Lịch sử, với sứ mệnh truyền đạt giá trị quá khứ, vun đắp tình yêu quê hương và nâng cao ý thức trách nhiệm trong học sinh.

Lại Thị Luyến (người thứ 5 từ trái sang) trong Lễ kết nạp Đảng viên của Chi bộ Lịch sử 1, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Lại Thị Luyến (người thứ 5 từ trái sang) trong Lễ kết nạp Đảng viên của Chi bộ Lịch sử 1, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Trách nhiệm và vai trò của giáo viên Lịch sử tương lai

Là một giáo viên Lịch sử tương lai, Luyến luôn tâm niệm rằng giáo dục Lịch sử không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức về quá khứ, mà còn là chìa khóa để nuôi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và niềm tự hào về văn hóa dân tộc trong lòng thế hệ trẻ.

Cô coi việc giảng dạy Lịch sử là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu sâu sắc về nguồn gốc dân tộc, từ đó cảm nhận và trân trọng giá trị của sự độc lập và tự do hiện tại. Giáo dục Lịch sử giúp học sinh nhận thức rõ hơn về những hy sinh và những gì của thế hệ trước đã gây dựng, qua đó hình thành và phát triển phẩm chất trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước. Học sinh sẽ hiểu rằng bản thân có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước, từ đó khuyến khích các em tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng, cống hiến cho xã hội.

Lại Thị Luyến (người thứ 2 từ phải sang) cùng Đội bóng đá nữ đã đạt Giải Ba trong Giải Bóng đá nữ cấp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2023.

Lại Thị Luyến (người thứ 2 từ phải sang) cùng Đội bóng đá nữ đã đạt Giải Ba trong Giải Bóng đá nữ cấp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2023.

Thêm vào đó, việc tìm hiểu về phong tục, tập quán và nghệ thuật dân gian trong Lịch sử giúp thế hệ trẻ gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời đại toàn cầu hóa, khi bản sắc văn hóa cần được bảo tồn và phát triển.

Luyến tin rằng, với sứ mệnh truyền tải những giá trị của quá khứ cho thế hệ tương lai, giáo dục Lịch sử sẽ không chỉ giúp học sinh hiểu biết hơn về lịch sử mà còn khơi dậy trong các em niềm tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm đối với quê hương đất nước. Đây là những giá trị cần thiết để thế hệ trẻ không chỉ biết gìn giữ quá khứ mà còn góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Tôn vinh lịch sử hào hùng của dân tộc

Ngày Quốc khánh 2/9 luôn gợi trong Luyến những cảm xúc sâu sắc về lòng biết ơn và trân trọng đối với lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Đây là dịp để chúng ta nhớ đến sự kiện quan trọng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự kiện này không chỉ là thành quả của một cuộc đấu tranh gian khổ mà còn là biểu tượng cho tinh thần kiên cường và quyết tâm không khuất phục của cả dân tộc.

Lại Thị Luyến (người đứng cạnh giáo viên Chủ nhiệm) cùng lớp 11 Văn đang thực hành kỹ năng giáo dục tại Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.

Lại Thị Luyến (người đứng cạnh giáo viên Chủ nhiệm) cùng lớp 11 Văn đang thực hành kỹ năng giáo dục tại Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ngày Quốc khánh 2/9 không chỉ giúp ôn lại những trang sử hào hùng mà còn có vai trò quan trọng trong việc khơi dậy niềm tự hào dân tộc và giáo dục giới trẻ. Các hoạt động kỷ niệm, từ buổi lễ trang trọng đến các chương trình văn hóa - giáo dục, giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng giá trị của tự do và độc lập. Đồng thời, những hoạt động này cũng truyền cảm hứng về trách nhiệm gìn giữ và phát huy những thành quả mà các thế hệ trước đã dày công xây dựng.

Là một giáo viên Lịch sử trong tương lai, Luyến đặc biệt chú trọng sử dụng một cách đa dạng và linh hoạt các hình thức và biện pháp khai thác các sự kiện lịch sử tiêu biểu như ngày Quốc khánh 2/9 để phát triển phẩm chất yêu nước, trách nhiệm và niềm tự hào dân tộc trong học sinh. Về hình thức, sử dụng trong dạy học nội khóa (trên lớp) và ngoại khóa hay lồng ghép trong kiểm tra đánh giá. Về biện pháp: có thể sử dụng linh hoạt trong chuỗi hoạt động học tập của học sinh từ khởi động, hình thành kiến thức mới,...

Cô tin rằng việc truyền tải những giá trị này qua giáo dục sẽ giúp học sinh nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với đất nước. Nữ sinh ủng hộ các hoạt động thể hiện lòng yêu nước như lan tỏa các giá trị tốt đẹp của dân tộc, tham gia tình nguyện và hỗ trợ đồng bào để tăng cường tinh thần đoàn kết.

Cô tích cực thiết kế ấn phẩm truyền thông kỷ niệm Ngày Quốc Khánh và tuyên truyền các hoạt động liên quan. Đồng thời, cô phê phán những hành động không đúng chuẩn mực như thiếu tôn trọng cờ Tổ quốc hay chia sẻ thông tin lệch lạc, không đúng với chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước.

Những dịp lễ như Quốc Khánh 2/9 không chỉ là cơ hội dạy học sinh về lịch sử mà còn giáo dục phẩm chất yêu nước và trách nhiệm. Luyến dự định kết hợp phương pháp dạy học truyền thống và hiện đại cùng sự sáng tạo để giúp học sinh hiểu rõ mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại. Đồng thời, để bài giảng lịch sử sống động hơn trong những dịp trọng đại của dân tộc như ngày Quốc khánh, với Luyến việc đầu tiên là cần gợi nhắc các em đến sự kiện, sau đó khắc sâu bằng việc liên hệ thực tiễn: ý nghĩa sự kiện đó như thế nào đối với đất nước ta hiện nay, đất nước ta đã và đang làm gì để kỉ niệm ngày lễ trọng đại đó.

Lại Thị Luyến (người thứ 3 từ trái sang) đảm nhận vai trò cố vấn Ngành Sư phạm trong Ngày Hội Open Day 2024, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh lớp 12 tại Trường THPT Diễn Châu 3, tỉnh Nghệ An.

Lại Thị Luyến (người thứ 3 từ trái sang) đảm nhận vai trò cố vấn Ngành Sư phạm trong Ngày Hội Open Day 2024, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh lớp 12 tại Trường THPT Diễn Châu 3, tỉnh Nghệ An.

Khi giảng dạy về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Luyến sẽ khởi động bài học bằng việc giới thiệu các hoạt động thể hiện lòng yêu nước nhân Ngày Quốc khánh 2/9, như việc người dân vẽ hình cờ Tổ quốc lên mái nhà, xếp giấy tình nguyện hiến máu thành hình cờ Tổ quốc. Cô sẽ đặt câu hỏi để học sinh suy ngẫm về ý nghĩa của lá cờ và tầm quan trọng của việc tôn vinh nó, từ đó dẫn dắt học sinh vào bài học về Cách mạng Tháng Tám và sự kiện 2/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.

Luyến cũng khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động thực hành, như vẽ cờ Tổ quốc, làm mô hình lá cờ hoặc treo cờ cùng gia đình để kỷ niệm Ngày Quốc Khánh. Cô sẽ hướng dẫn các em về cách thực hiện đúng tỉ lệ và sử dụng vật liệu phù hợp, nơi treo cờ trang trọng. Điều này đặc biệt quan trọng vì muốn thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc thì các em cần hiểu rõ và thể hiện sự tôn trọng với lá cờ thiêng liêng. Như vậy, mới thực sự là yêu nước và có thể lan tỏa đến mọi người xung quanh.

Thông qua những hoạt động này, Luyến tin rằng học sinh sẽ không chỉ học hỏi lịch sử một cách hứng thú mà còn cảm nhận sâu sắc ý nghĩa và giá trị của các sự kiện lịch sử, từ đó phát triển phẩm chất yêu nước và ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Với thông điệp “Thấu hiểu quá khứ, nắm giữ tương lai”, Luyến kêu gọi các bạn trẻ hãy luôn nhận thức đúng đắn về giá trị cốt lõi của lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như tôn vinh lịch sử. Việc tôn vinh quá khứ không chỉ là việc ghi nhớ những công lao của các thế hệ trước mà còn là chìa khóa để mở cánh cửa hướng tới một tương lai tươi sáng, bền vững và đầy hy vọng.

(Ảnh: NVCC)

Nguyễn Linh Chi

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nu-sinh-su-pham-lan-toa-tinh-yeu-lich-su-va-trach-nhiem-cua-the-he-tre-voi-su-menh-xay-dung-phat-trien-dat-nuoc-post1668475.tpo
Zalo