Hỗ trợ giáo viên đáp ứng yêu cầu của năm đầu tiên thi vào lớp 10 theo chương trình mới
Nội dung thu hút sự quan tâm nhất của giáo viên các nhà trường là những đổi mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh lớp 9 theo chương trình mới.
Tại hội nghị triển khai công tác giáo vụ đầu năm học 2024-2025 cấp trung học cơ sở do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức ngày 14-9, nội dung thu hút sự quan tâm nhất của giáo viên các nhà trường là những đổi mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh lớp 9 theo chương trình mới, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2025-2026.
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 học và thi theo chương trình, sách giáo khoa mới biên soạn theo Chương trình giáo dục phông 2018. Nhằm hỗ trợ học sinh và giáo viên các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành cấu trúc định dạng và đề minh họa các môn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026. Theo các giáo viên, việc sớm ban hành cấu trúc định dạng và đề minh họa các môn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 giúp giáo viên có định hướng rõ và cụ thể để triển khai kế hoạch giảng dạy, ôn tập. Tuy nhiên, làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy học, giúp học sinh yên tâm, vững tin đáp ứng tốt các yêu cầu của kỳ thi vẫn là mối quan tâm của nhiều giáo viên.
Diễn ra trong một ngày, hàng trăm giáo viên cốt cán của các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố được nghe đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các chuyên gia, chuyên viên phụ trách môn học của Sở phân tích dữ liệu kết quả các kỳ thi của học sinh tác động tới đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Các giáo viên cũng được hướng dẫn cách xây dựng ma trận đề, đề minh họa để tổ chức cho học sinh tập dượt, làm quen trong quá trình học tập…
Cô giáo Trần Thanh Mai, giáo viên dạy môn ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (huyện Thanh Trì) chia sẻ, từ cấu trúc định dạng và đề minh họa các môn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2025-2026 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa công bố, cô và các đồng nghiệp sẽ nỗ lực cụ thể hóa bằng việc xây dựng kế hoạch giảng dạy, xây dựng đề kiểm tra đánh giá phù hợp nhằm giúp học sinh đáp ứng tốt với yêu cầu của chương trình mới là hình thành phẩm chất, năng lực. Riêng với môn ngữ văn, việc sử dụng các văn bản, ngữ liệu ngoài sách giáo khoa là điểm tích cực nhất. Giáo viên sẽ bám sát định hướng này, tăng cường giúp học sinh mở rộng ngữ liệu học tập, hướng dẫn học sinh tự học, tự đọc, loại bỏ dần cách học tủ, học giới hạn…
Điểm lại những kết quả nổi bật của cấp trung học cơ sở năm học 2023-2024, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Quốc Toản giao Phòng Giáo dục trung học phân tích, làm rõ những điểm làm được và chưa làm được của từng môn học; đồng thời nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm của 12 môn học, hoạt động giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông 20218 và những khó khăn, thách thức.
Ông Phạm Quốc Toản cũng đề nghị các giáo viên tăng cường trao đổi kinh nghiệm về việc xây dựng, thực hiện linh hoạt kế hoạch giáo dục nhằm bảo đảm định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh và hoàn thành kế hoạch thời gian năm học đúng tiến độ, chất lượng. Các nhà trường cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; chú trọng đánh giá thường xuyên qua các hoạt động trên lớp, qua hồ sơ học tập, qua việc thực hiện dự án học tập của học sinh…
Bên cạnh đó, các nhà trường cũng cần phân tích kỹ dữ liệu kết quả thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh lớp 10 tác động tới đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá ở từng môn học; tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên sây ở các môn học, xin ý kiến các nhà khoa học, giáo viên cốt cán để hoàn thiện định hướng chuyên môn từng môn học trong quá trình dạy học và kiểm tra, đánh giá…