Nữ sinh ĐH Luật Hà Nội đạt danh hiệu 'Sinh viên 5 tốt' với đam mê làm thiện nguyện
Vũ Phương Thảo (sinh năm 2003), sinh viên năm 4 Khoa Luật Chất lượng cao, Trường Đại học Luật Hà Nội là một trong 17 sinh viên xuất sắc của trường vừa được trao tặng danh hiệu 'Sinh viên 5 tốt' cấp thành phố năm học 2023-2024.
Bên cạnh đó, Thảo cũng được trao danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp trường năm học 2023-2024, được Ban Chấp hành Hội sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên năm học 2023-2024.
Dấu mốc ý nghĩa
“Sinh viên 5 tốt” là danh hiệu ghi nhận những cố gắng học tập và rèn luyện không ngừng nghỉ của sinh viên trong mỗi năm học. Bộ tiêu chí “Sinh viên 5 tốt”các cấp được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí chính, gồm: Học tập tốt, Đạo đức tốt, Thể lực tốt, Tình nguyện tốt và Hội nhập tốt.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Phương Thảo tâm sự, ngay từ năm nhất, em luôn cố gắng học tập thật tốt, tham gia các hoạt động với mong muốn rèn luyện, phát triển và hoàn thiện bản thân. Đến năm cuối đại học, Thảo mong có một dấu ấn, kỷ niệm đặc biệt trước khi ra trường nên quyết định nộp hồ sơ xét danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”.
“Với em, đây là dấu mốc rất ý nghĩa, đánh dấu sự trưởng thành của bản thân trong suốt những năm qua tại giảng đường đại học”, Phương Thảo chia sẻ.
Phương Thảo gây ấn tượng với thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc. Em hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội; Chi Hội trưởng Chi hội 4628 - Trường Đại học Luật Hà Nội.
Nữ sinh cũng thường xuyên tham gia các cuộc thi chính luận về nền tảng tư tưởng Đảng, tìm hiểu các môn khoa học về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh,... Năm 2023, Phương Thảo vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngoài ra, Thảo cũng yêu thích các hoạt động thể thao, là thành viên có đóng góp tích cực trong hoạt động của câu lạc bộ Bóng rổ Trường Đại học Luật Hà Nội.
Từ năm nhất đại học, Phương Thảo đã đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện. Em duy trì việc này trong suốt 4 năm, tới nay vẫn đều đặn tham gia hoạt động tình nguyện cùng các câu lạc bộ, Hội sinh viên hay các quỹ thiện nguyện.
Chuyến đi thiện nguyện mà nữ sinh nhớ nhất là vào năm 2 đại học, khi em tham gia một dự án nhân ái, tới thăm các em nhỏ khuyết tật tại một trung tâm phục hồi chức năng ở ngoại thành Hà Nội.
“Những căn bệnh quái ác vẫn luôn giày vò các em, khiến cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các em bé mặc dù không thể phát triển bình thường như bạn bè đồng trang lứa nhưng rất tình cảm, gần gũi, nhớ được tên em dù em chỉ nhắc đến một lần. Điều đấy khiến sự góp mặt của em trong hành trình nhân ái này trở nên vô cùng ý nghĩa, em thấy xúc động và thương các bé rất nhiều. Em tự nhủ mình phải tham gia nhiều hơn các hoạt động tình nguyện, dù bằng bất kỳ hình thức nào”, Phương Thảo nói.
Với nhiều hoạt động thiện nguyện không thể trực tiếp góp mặt, Thảo chọn góp sức bằng cách tham gia quỹ quyên góp. “Mỗi lần được góp sức cùng mọi người dù là nhỏ bé, em đều cảm thấy rất hạnh phúc, thấy mình đã làm được điều ý nghĩa”, nữ sinh tâm sự.
Tự tạo áp lực cho chính mình
Để cân bằng giữa việc học tập và các hoạt động khác, Phương Thảo cho biết em không có bí quyết cụ thể. Tuy nhiên, em luôn xác định phải cố gắng hết sức có thể, thể hiện được trách nhiệm của mình dù ở bất cứ công việc nào. Suy nghĩ này đã tiếp thêm cho em động lực mỗi khi cảm thấy mệt mỏi.
Phương Thảo từng theo học tại Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội. Năm 2021, em đủ điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 vào Khoa Luật Chất lượng cao, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Nhập học đại học đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Thảo cùng các bạn phải học online suốt giai đoạn đầu. Đây là khoảng thời gian rất khó khăn với nữ sinh, bởi em vừa phải làm quen với môi trường hoàn toàn mới, vừa phải làm quen với cách học, cách kiểm tra mới. Thảo dần thích nghi bằng cách bên cạnh việc nghe thầy cô giảng, em sẽ tự mày mò, nghiên cứu giáo trình trên thư viện số của trường, đồng thời tìm thêm các tài liệu tham khảo liên quan đến bài học. Nhờ bắt nhịp tốt trong những môn học đầu tiên, Thảo không gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình học sau đó.
Trước khi đến lớp, Thảo vẫn giữ thói quen tìm đọc các sách giáo trình, tài liệu tham khảo để hiểu về kiến thức. Trong giờ lý thuyết, em tập trung tối đa cho việc lắng nghe, ghi chép phần giảng của thầy cô, nội dung vướng mắc sẽ trực tiếp hỏi thầy cô vào giờ thảo luận.
Tại Trường Luật, bên cạnh những môn thi lý thuyết sẽ có môn thi vấn đáp. Thảo cho biết, lo lắng trong mỗi đợt thi nằm nhiều hơn ở môn vấn đáp. Để hoàn thành tốt các môn này, em thường dành thời gian ở nhà, tập trung ôn lại tất cả kiến thức, học hiểu thay vì “học vẹt” sẽ không thể ứng biến khi vấn đáp. Những phần còn băn khoăn khi ôn tập, em sẽ trao đổi cùng bạn bè để tìm câu trả lời.
“Có đôi lúc, em tự tạo áp lực cho chính mình, nếu đi thi mà kết quả không tốt cũng sẽ rất buồn và tự trách. Nhưng sau mỗi lần như thế, em đều tự động viên rằng không ai có thể giúp mình ngoài chính bản thân, em phải tự nhìn lại sai sót, rút ra bài học kinh nghiệm để cố gắng hơn trong những môn học tiếp theo”, Phương Thảo chia sẻ.
Nói về dự định trong tương lai gần, nữ sinh tâm sự, em sẽ nỗ lực để đạt được thành tích tốt nhất bản thân có thể trong năm học cuối. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thảo dự định tiếp tục học lên bậc học cao hơn.
Phương Thảo có một “hình mẫu lý tưởng” mà em luôn ngưỡng mộ và coi là động lực phấn đấu - chính là mẹ của em. Theo Thảo, mẹ vừa là người phụ nữ rất tháo vát, đảm đang trong việc gia đình, vừa giỏi trong công tác chuyên môn. Việc cân bằng các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân cũng là điều nữ sinh luôn hướng tới.