Nữ phó hiệu trưởng có chuyên môn Hóa học là người giàu nhất tỉnh

TRUNG QUỐC - Nữ phó hiệu trưởng mới của Đại học Tây Bắc (thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây) gây chú ý gần đây khi sở hữu khối tài sản tới 45,7 tỷ nhân dân tệ. Bà được coi là người giàu nhất giới học thuật.

Từ phòng thí nghiệm đến thương trường, rồi quay về giảng đường

Bà Fan Daidi - tân Phó Hiệu trưởng Đại học Tây Bắc (Northwest University) tại Tây An, Trung Quốc - đang trở thành tâm điểm chú ý trên mạng xã hội khi được tiết lộ là người giàu nhất tỉnh Thiểm Tây. Với khối tài sản ước tính khoảng 45,7 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 164 nghìn tỷ đồng), bà có thể là nhà quản lý đại học giàu nhất Trung Quốc.

Theo SCMP, dù được bổ nhiệm vào tháng 4 vừa qua để phụ trách mảng hợp tác quốc tế tại trường, điều thu hút sự chú ý hơn cả là hành trình khởi nghiệp đầy ấn tượng của bà ngoài lĩnh vực giáo dục.

Giáo sư Fan Daidi được tiết lộ là người giàu nhất tỉnh Thiểm Tây, khu vực tây bắc Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Giáo sư Fan Daidi được tiết lộ là người giàu nhất tỉnh Thiểm Tây, khu vực tây bắc Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Fan Daidi cùng chồng - ông Yan Jianya - là đồng sáng lập của tập đoàn công nghệ sinh học Giant Biogene, một công ty niêm yết tại Hồng Kông chuyên sản xuất mặt nạ collagen tái tổ hợp cao cấp. Ngoài ra, hai vợ chồng còn sở hữu cổ phần đáng kể tại công ty vật liệu hàng không Triangle Defense niêm yết ở sàn Thâm Quyến.

Sinh ra ở vùng quê tại huyện Phổ Thành, tỉnh Thiểm Tây, cha là bác sĩ nông thôn, Fan Daidi tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ ngành hóa học tại Đại học Tây Bắc vào thập niên 1980. Năm 1994, bà nhận bằng tiến sĩ kỹ thuật sinh học tại Đại học Khoa học & Công nghệ Hoa Đông (Thượng Hải), và được xem là nữ tiến sĩ đầu tiên trong lĩnh vực này tại Trung Quốc.

Cùng năm đó, khi mới 28 tuổi, dù có nhiều cơ hội làm việc tại Thượng Hải hoặc nước ngoài, bà chọn quay về trường cũ ở Tây An để giảng dạy và nghiên cứu.

Chỉ có trong tay 5.000 nhân dân tệ, bà dẫn dắt một nhóm nghiên cứu về collagen người - nền tảng cho sự ra đời của công ty Giant Biogene sau này. Từ tháng 1/1999 đến tháng 1/2000, bà là nhà nghiên cứu khách mời tại Trung tâm Kỹ thuật Sinh học Quốc gia thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ.

Dù có tài năng kinh doanh đáng nể, giáo sư Fan vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê với nghiên cứu khoa học. Ảnh: SCMP

Dù có tài năng kinh doanh đáng nể, giáo sư Fan vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê với nghiên cứu khoa học. Ảnh: SCMP

Theo The Standard, năm 2000, bà cùng chồng sáng lập Giant Biogene và phát minh mặt nạ collagen tái tổ hợp - sản phẩm nổi bật đưa công ty lên sàn chứng khoán và trở thành thương hiệu mỹ phẩm sinh học hàng đầu.

Hiện bà Fan đã rút khỏi vai trò điều hành tại Giant Biogene, chỉ giữ vị trí nhà khoa học trưởng. Chồng bà là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành. Cả hai không giữ chức vụ điều hành tại Triangle Defense.

"Tôi chọn phòng thí nghiệm, không chọn phòng họp"

Dù là doanh nhân tỷ phú, bà Fan khẳng định niềm đam mê lớn nhất vẫn là nghiên cứu khoa học và đào tạo thế hệ kế tiếp. Trước khi được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng, bà là Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học và giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Tây Bắc.

Trong một chia sẻ, bà nói: “Tôi thích ở trong phòng thí nghiệm cùng các sinh viên, dẫn dắt họ làm nghiên cứu. Đào tạo nhân tài phục vụ xã hội là trách nhiệm của tôi”.

Luật Trung Quốc quy định, lãnh đạo trường đại học công lập không được tham gia điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo một luật sư từ Hà Nam, nếu bà Fan được cấp phép và không sử dụng vị trí công để trục lợi, cũng như vẫn hoàn thành tốt công việc tại trường, thì điều này không vi phạm quy định.

Con gái bà, cô Yan Yubo (29 tuổi), hiện là Giám đốc điều hành tại Giant Biogene, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học California, Los Angeles (UCLA) tại Mỹ.

Câu chuyện của Giáo sư Fan Daidi cho thấy: Khoa học và kinh doanh không mâu thuẫn, nếu người làm khoa học đặt lợi ích cộng đồng và tinh thần cống hiến lên hàng đầu.

Hoàng Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nu-pho-hieu-truong-co-chuyen-mon-hoa-hoc-la-nguoi-giau-nhat-tinh-2404713.html
Zalo